S-400 lại khiến Mỹ “đau đầu”
Những nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Ấn Độ sẽ đối diện với thách thức vào cuối năm nay, khi New Delhi nhận chuyển giao S-400, hệ thống phòng không do Nga sản xuất từng khiến Mỹ phiền lòng vì đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuối tháng 4 vừa qua, truyền thông Nga dẫn lời đại sứ Ấn Độ tại Nga tiết lộ, Ấn Độ sẽ nhận tổ hợp S-400 đầu tiên vào cuối năm 2021. New Delhi lên kế hoạch mua S-400 vào năm 2015 và ký hợp đồng trị giá hơn 5 tỷ USD cho 5 trung đoàn vào năm 2018.
S-400 – vũ khí mà Nga tự hào có thể tiêu diệt máy bay, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và vũ khí siêu vượt âm – đến Ấn Độ vào thời điểm quốc gia này đang tăng cường sức mạnh trong cuộc so kè với láng giềng Trung Quốc được trang bị chiến đấu cơ và tên lửa tầm xa tinh vi.
Cuộc đụng độ thương vong lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ tại biên giới giữa hai Ấn Độ và Trung Quốc vào tháng 6/2020 đã khiến Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh thúc giục Moscow đẩy nhanh tiến độ giao hàng.
S-400 là thứ vũ khí Nga đầy duyên nợ đối với Mỹ. Chính quyền Donald Trump từng trừng phạt Trung Quốc vì mua S-400 vào cuối năm 2018 và sau đó trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ khi hoàn thành chuyển giao vào tháng 12/2020.
Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn cho Ấn Độ trong nhiều thập kỷ. Doanh số bán hàng dù đã giảm trong những năm gần đây nhưng Ấn Độ vẫn sử dụng nhiều vũ khí của Nga, bao gồm chiến đấu cơ và tàu chiến, đồng thời phụ thuộc bảo trì vào Moscow.
Khác với hai trường hợp Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ kể trên, chính quyền Joe Biden đã không đưa ra quan điểm công khai về các biện pháp trừng phạt đối với màn mua bán S-400 lần này của Ấn Độ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã thảo luận về vấn đề S-400 với người đồng cấp Ấn Độ vào tháng 3 nhưng cho biết các biện pháp trừng phạt không được đề cập đến.
"Chúng tôi luôn kêu gọi tất cả các đồng minh và đối tác tránh xa thiết bị của Nga cũng như bất kỳ hình thức mua bán nào có thể kích hoạt các lệnh trừng phạt", ông Austin nói tại New Delhi vào ngày 20/3.
"Không có hệ thống S-400 nào được chuyển giao, vì vậy trừng phạt không phải là vấn đề được thảo luận", ông Austin nói thêm. "Nhưng chúng tôi đã giải quyết với Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ về vấn đề S-400".
Đã không có thêm cuộc trò chuyện nào liên quan đến S-400 kể từ thời điểm đó, trong khi Lầu Năm Góc nói đang tập trung hỗ trợ Ấn Độ vượt qua làn sóng COVID-19 mới.
Mỹ buông tha cho Ấn Độ?
Quan hệ Mỹ-Ấn ngày càng đi lên, phần lớn là do cùng quan ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Các hợp tác quân sự giữa hai nước dù trên đà phát triển nhưng Ấn Độ vẫn tìm cách duy trì mối quan hệ với Nga, phản ánh khao khát “quyền tự chủ chiến lược” của New Delhi.
Việc không có các thảo luận liên quan đến biện pháp trừng phạt S-400 được coi là nỗ lực xoa dịu của Mỹ để hợp tác chặt chẽ hơn với Ấn Độ.
"Động thái mua S-400 thực sự làm suy yếu mối quan hệ và chúng ta cần tránh điều đó", Joe Felter, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Nam Á giai đoạn 2017-2019, nói.
"Ấn Độ phải là đồng đội với chúng tôi và hiểu rằng mua vũ khí của Mỹ không chỉ là đầu tư vào thiết bị quốc phòng chất lượng", ông Felter nói thêm. "Hành động đó báo hiệu bạn muốn xây dựng mối quan hệ với ai”.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, các quan chức Ấn Độ hoàn toàn có thể phản đối các lệnh trừng phạt nếu có, khi coi đó là sự can thiệp vào công việc nội bộ, hạ thấp hàng tỷ USD mà Ấn Độ đã chi cho vũ khí Mỹ, trong khi vẫn quyết tâm mua vũ khí Nga.
"Trong vài năm tới, sẽ không có nỗ lực loại bỏ mối quan hệ với Nga từ phía Ấn Độ", Nandan Unnikrishnan, thành viên tại Tổ chức Nghiên cứu Người quan sát ở New Delhi, cho biết tại một sự kiện của Trung tâm Wilson gần đây.
Trong khi chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ có khả năng tiếp tục giảm và được phân bổ cho nhiều nhà cung cấp hơn, "Ấn Độ sẽ mua một số thứ cần thiết từ người Nga vì nó không có sẵn ở bất kỳ nơi nào khác", Unnikrishnan nói thêm.
Đạo luật năm 2017 của Mỹ về trừng phạt liên quan đến mua vũ khí Nga vẫn có những ngoại lệ. Các quan chức Mỹ được cho là đã nói với Ấn Độ rằng khó có khả năng nhận được sự miễn trừ, nhưng ít nhất một nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi ông Biden cấp quyền miễn trừ cho New Delhi.
Mặc dù chính quyền Biden ít nhắc đến, nhưng theo Richard Rossow, chuyên gia về chính sách Mỹ-Ấn tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, "tín hiệu về mối quan hệ chiến lược là tích cực".
Chuyến thăm của ông Austin đến Ấn Độ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhân vật này, và nó diễn ra vài ngày sau khi chính Tổng thống Biden cùng với người đồng cấp Ấn Độ, Australia và Nhật Bản tham dự cuộc họp đầu tiên của lãnh đạo nhóm "Bộ tứ", một nhóm phi chính thức tập trung vào hợp tác ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
“Ấn Độ có kế hoạch trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 vào một thời điểm nào đó trong hai năm tới, đây là những tín hiệu quan trọng”, Rossow nói.