Tiết lộ của người trồng đậu đũa
Quả đậu đũa luôn đứng đầu trong danh mục những loại rau quả bị phun nhiều thuốc trừ sâu nhất, cứ vài hôm người trồng lại phải phun thuốc trừ sâu một lần, nếu không phun thì sâu sẽ tàn phá hết. Vì vậy dư lượng thuốc trừ sâu sẽ không kịp phân giải mà có thể ngấm vào bên trong qua lớp vỏ rất mỏng của quả.
Mặc cho các cơ quan chức năng, các phương tiện truyền thông đưa ra khuyến cáo về tính độc hại đối với sức khỏe của việc dùng hóa chất khi nuôi trồng các loại rau củ, quả… nhưng vì lợi nhuận trước mắt đa số người trồng phớt lờ khuyến cáo này.
Theo tiết lộ của ông Bảo, một người chuyên trồng đậu đũa thì, đậu đũa thường bị các loại sâu bệnh hại chính sau: sâu vẽ bùa, bọ phấn, sâu đục quả, bệnh héo vàng, gỉ sắt… Trong đó, sâu đục quả là đối tượng khó phòng trị nhất. Vì vậy khi cây bắt đầu đậu quả thì cứ 2-3 ngày lại phải phun thuốc 1 lần, càng gần đến ngày thu hoạch càng phun với mật độ dày đặc. Có khi vừa phun thuốc khoảng 15-20 phút mà có người đến hỏi mua thì người trồng cũng thu hoạch để bán.
Đậu đũa đứng đầu trong danh sách các loại rau quả bị phun nhiều thuốc trừ sâu nhất
“Ngoài thuốc trừ sâu người ta còn dùng cả thuốc kích thích tăng trưởng để đậu đũa phát triển nhanh, quả xanh mướt. Loại thuốc kích thích này có thể dễ dàng mua được ở các cửa hàng chuyên bán thuốc bảo vệ thực vật. Giá khoảng 9000-1000 đồng/ gói. Người mua hầu hết ưa hình thức nên phải dùng loại này để rau quả có màu sắc và hình dáng bắt mắt”, ông Bảo tiết lộ.
Cũng theo ông Bảo: Lại có nhiều người tiêu dùng có tâm lí chọn loại đậu đũa xấu, nhiều vết sâu ăn vì nghĩ loại này sẽ ít phun thuốc trừ sâu, nên an tâm hơn. Nhưng thực ra không hẳn vậy, không ít loại sâu bệnh kháng thuốc, nên dù bị phun thuốc nhiều và liên tục, các rau, củ này vẫn bị sâu bệnh tấn công, dẫn đến có bề ngoài không đẹp. Do vậy, việc cho rằng rau, quả có vết sâu ăn chứng tỏ ít bị phun hóa chất và an toàn hơn là hoàn toàn thiếu căn cứ và không chính xác! Khi sử dụng những loại rau, củ, quả xấu này, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng còn cao hơn “hàng đẹp” cùng bị phun thuốc.
Biết độc vẫn phải ăn
Theo một cán bộ Tài nguyên môi trường: các loại thuốc bảo vệ thực vật, nhất là thuốc trừ sâu đa phần bền vững, lưu lại rất lâu trong môi trường. Nhưng đôi khi sự bền vững này lại được nhà nông mong muốn vì nó cung cấp hiệu quả kiểm soát sâu bệnh lâu dài và giảm số lần phun xịt lặp lại. Cũng chính từ nhận thức lệch lạc đó đã gây hại cho con người, động thực vật khi tiếp xúc trực tiếp, đồng thời nó còn tích lũy trong đất, ô nhiễm đất và nguồn nước ngầm nghiêm trọng.
Thuốc trừ sâu còn được biết đến là loại độc tố có khả năng gây độc cho hệ thần kinh, phá vỡ hooc-mon tăng trưởng và gây tổn thương não bộ ở trẻ. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ nhỏ thường xuyên tiếp xúc với các loại thực phẩm có hàm lượng thuốc trừ sâu cao có nguy cơ mắc phải các chứng bệnh liên quan đến thần kinh.
Nếu ăn đậu đũa không được xử lí kỹ thì bị ngộ độc với các triệu chứng nôn mửa, chóng mặt đau đầu là điều chắc chắn. Thực tế, có người ăn đậu đũa sau khi đã cẩn thận ngâm rửa bằng các loại dung dịch mà vẫn bị ngộ độc như thường.
Trẻ nhỏ thường xuyên tiếp xúc với các loại thực phẩm có hàm lượng thuốc trừ sâu cao có nguy cơ mắc phải các chứng bệnh liên quan đến thần kinh
Người trồng vì lợi nhuận mà bất chấp thủ đoạn, người mua dù biết độc hại nhưng vẫn vô tư sử dụng. Có lẽ chính sự “vô tư” của người mua phần nào tiếp tay cho hành động xấu của người cung cấp.
Dạo quanh một vòng các chợ trên địa bàn Hà Nội, tại các sạp bán rau, sạp nào cũng không thể thiếu đậu đũa.
“Tiết trời mát mẻ nên các món xào bắt đầu lên ngôi, đậu đũa là thứ rau quả được nhiều người mua. Ngày nào ít nhất tôi cũng bán được khoảng 15kg”, chủ sạp rau tại chợ Nghĩa Tân cho biết.
“Cũng nghe báo đài nói nhiều rằng đậu đũa là loại rau quả này dù rửa sạch vẫn có khả năng bị ngộ độc. Nhưng “khuất mắt trông coi” không thấy người ta phun thì mình cứ dùng. Mà giờ ăn loại rau nào cũng kêu có thuốc kích thích rồi thuốc trừ sâu, tránh thì chỉ có nước “treo niêu”…” chị Hải (Cầu Giấy, HN) than thở.
Ngọc Phạm