Đấu giá biển số xe, sau 15 năm tranh cãi, đề xuất liệu có thành công?

Đấu giá biển số xe, sau 15 năm tranh cãi, đề xuất liệu có thành công?

Đỗ Thị Huệ

Đỗ Thị Huệ

Thứ 6, 02/03/2018 11:00

Đề án cấp biển số xe thông qua đấu giá vừa được bộ Công an trình lên Chính phủ một lần nữa “đốt nóng” dư luận. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên vấn đề này được đặt ra cũng như không phải chưa từng có tiền lệ được thực hiện tại Việt Nam, thế nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn chưa có hồi kết.

Cơ hội “hiếm có khó tìm” không phải "đi đêm"?

Ngay từ năm 1993, ý tưởng đấu giá biển số xe đã được đưa ra, nhưng ngay sau đó đã bị tạm dừng vì không có đủ cơ sở pháp lý.

Còn nhớ, trước đó, nhiều địa phương đã từng thực hiện đấu giá biển số xe như Hải Phòng (1993), Bình Thuận, Nghệ An (2007) và đều cho thấy những hiệu quả khá tích cực.

Đơn cử, một biển số xe “tứ quý 9” ở Nghệ An đã được chào mua với giá 700 triệu đồng. Số tiền hàng tỷ đồng thu được từ việc đấu giá ở các địa phương sau đó đã được sử dụng vào các mục đích xã hội thiết thực.

Tuy nhiên, tất cả những lần đấu giá biển đó đều nhanh chóng bị “tuýt còi” vì thiếu cơ sở pháp lý.

Tính đến nay, sau 15 năm với 5 lần dự thảo, đề án này vẫn chưa được thông qua. Quãng thời gian khá dài đủ để nhiều thứ có thể thay đổi khiến nhiều người không khỏi sốt ruột.

Theo đó, vướng mắc chủ yếu vẫn là biển số xe chưa được xem là một tài sản nên vướng các quy định trong Luật đấu giá tài sản. Bên cạnh đó, các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và Luật giao thông đường bộ (nghiêm cấm bán, chuyển nhượng biển số xe) đều “làm khó” cho việc đề xuất được thông qua.

Vì vậy, ngay sau khi bộ Công an trình lên Chính phủ đề xuất cấp biển số xe thông qua đấu giá, dư luận lại thêm một phen “dậy sóng”. Liệu, lần này đề án có được thông qua và những vướng mắc rào cản trước đó có thực sự được gỡ bỏ?

Theo đề án, việc đấu giá biển số xe sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách và tăng tính minh bạch đối với người dân.

5 nhóm biển số sẽ được đem ra đấu giá công khai bao gồm: 5 chữ số giống nhau, có 4 chữ số cuối giống nhau, 3 chữ số cuối giống nhau, số sau lớn hơn số trước và các số bất kỳ do người dân có nhu cầu tự chọn khác với 4 nhóm trên.

Như vậy, nếu đề án được thông qua, tới đây người dân có thể lựa chọn đấu giá những biển số xe ưng ý trong khả năng của mình, bao gồm cả những dãy số có ý nghĩa như ngày sinh, ngày cưới, ngày kỷ niệm,…

Để đảm bảo việc đấu giá biển số xe đảm bảo minh bạch, công khai và công bằng, tất cả kho số đưa ra đấu giá sẽ được niêm yết công khai tại nơi đăng ký xe và trên trang đấu giá trực tuyến. Hình thức sẽ là đấu giá trực tuyến, góp phần tạo điều kiện cho mọi người dân, ở bất kỳ nơi nào cũng có thể tham gia.

Yêu cầu bắt buộc chỉ bao gồm người tham gia đấu giá phải có một tài khoản, một phương tiện và hồ sơ hợp lệ. Số tiền thu được từ đấu giá sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước.

Chính trị - Đấu giá biển số xe, sau 15 năm tranh cãi, đề xuất liệu có thành công?

Đấu giá biển số xe sẽ được áp dụng với 5 loại biển số.

Không cho mua bán, chuyển nhượng biển số có dẫn đến lách luật?

Mặc dù người dân rất hào hứng với việc đấu giá biển số xe, tuy nhiên, ngay sau khi các thông tin liên quan được công bố, đề án này lại lập tức gặp những ý kiến trái chiều.

Nội dung được tranh cãi nhiều nhất là việc người trúng đấu giá không được quyền bán lại, chuyển nhượng biển số xe đã cấp, mỗi biển số chỉ được gắn với một phương tiện giao thông.

Theo đại diện cục Cảnh sát giao thông đường bộ, thì đây là một biện pháp quản lý nhà nước nên vẫn phải tuân thủ các quy định của luật Giao thông đường bộ (không được bán biển số xe). Không những thế, việc nghiêm cấm mua bán, chuyển nhượng biển số xe cũng sẽ góp phần ngăn chặn phát sinh một thị trường kinh doanh biển số đẹp.

Theo luật sư Trương Xuân Tám, Trưởng văn phòng luật sư Tường Trương Xuân Tám (đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) thì việc lý giải câu chuyện về sở hữu biển số xe của cục Cảnh sát giao thông như kể trên là chưa ổn, bởi lẽ khi người dân bỏ tiền ra để có được biển số xe số đẹp thì họ cũng phải có quyền đối với nó.Trong đó có quyền sở hữu.

“Ngay cả quyền sử dụng đất đai cũng được phép chuyển nhượng thì tại sao với biển số xe lại không?

Tôi ủng hộ việc người dân được quyền sở hữu, sử dụng, định đoạt đối với biển số xe. Người dân cần có quyền được chuyển nhượng từ người này sang người khác, từ xe này sang xe khác, với điều kiện là mỗi lần chuyển nhượng phải đăng ký với cơ quan chức năng.

Một chiếc biển 4 số 8 khi gắn vào một chiếc xe Camry và sau đó chuyển sang một chiếc Lexus nhưng có đăng ký với cơ quan quản lý, được cập nhật thông tin vào hệ thống thì khi có vấn đề gì người ta vẫn truy ra được ai là chủ sở hữu cơ mà?

Việc không cho người dân chuyển nhượng biển số xe đã thông qua đấu giá là không thỏa đáng, không có cơ sở”, luật sư Tám phân tích.

Luật sư Trương Xuân Tám nhấn mạnh: “Tài sản là phải được quyền định đoạt, nếu không có quyền định đoạt thì sẽ không đem lại giá trị cao, không ai muốn đấu giá.

Thông thường một chiếc xe ô tô, người ta chỉ dùng 5-7 năm, cao là 10 năm, sau đó thì bán đi hoặc bỏ.

Nếu không cho bán, chuyển nhượng biển số sang xe khác thì số tiền người ta đã bỏ ra đấu giá chẳng phải rất lãng phí hay sao? Theo tôi, bộ Công an cần nhìn nhận vào thực tế và nên sửa lại quy định này”.

Một trong những quy định khác của đề án cấp biển số xe ô tô thông qua đấu giá cũng rất được quan tâm có liên quan đến việc buôn bán xe (đi kèm biển).

Theo đó, nếu người mua bán lại xe cho người cùng địa phương thì không phải đổi biển nhưng nếu bán cho địa phương khác, phải thực hiện thủ tục chuyển đổi.

Lúc này, biển số đẹp đã đấu giá trước đó sẽ đi về đâu? Một số người tỏ ra lo ngại, luật cấm có thể dẫn đến các tình huống lách luật, mặc dù bán xe cho người ở địa phương khác nhưng người mua muốn giữ biển số đẹp nên hai bên có thể nhất trí với nhau bằng một hợp đồng ủy quyền sử dụng, định đoạt với chiếc xe (đi kèm biển) này.

Luật sư Trương Xuân Tám cũng thừa nhận không loại trừ những tình huống như kể trên. Tuy nhiên, luật đã có quy định nếu mua bán mà không chịu sang tên đổi chủ thì khi bị phát hiện, dù có là bán dưới dạng ủy quyền thì người bán, người mua vẫn phải chịu trách nhiệm.

Người chủ thứ nhất vẫn phải chịu trách nhiệm về việc ủy quyền của mình khi có các phát sinh liên quan đến pháp lý. Nếu người mua gây ra tai nạn chẳng hạn, cơ quan chức năng vẫn sẽ “truy” người chủ thứ nhất. 

Nếu không muốn phải chịu trách nhiệm, người này sẽ phải đưa ra các bằng chứng đã bán hoặc ủy quyền bằng các giấy tờ cụ thể.

Theo luật sư Tám, điều quan trọng nhất trong toàn bộ câu chuyện ở đây vẫn là việc bộ Công an nên xem xét công nhận biển số xe sau đấu giá cũng là một loại tài sản, để người dân có thể chuyển nhượng cho người khác, chuyển từ xe này sang xe khác của chính mình miễn là có đăng ký đầy đủ để quản lý trên hệ thống.

Giới chơi xe nói gì?

Cũng trong thời gian qua, dư luận đặc biệt xôn xao về việc đấu giá biển số xe, PV báo Người Đưa Tin đã ghi nhận được nhiều ý kiến. Trong đó, có những người chơi xe, từng sở hữu biển đẹp “long lanh” thì lại không hào hứng lắm với việc đấu giá này.

Nguyên nhân là bởi khi đấu giá công khai, nhiều người cùng tham gia có thể đẩy giá trị biển số lên rất cao. 

Đa phần các ý kiến còn lại đều tỏ ra băn khoăn việc có tham gia đấu giá hay không. Bởi lẽ, bỏ một số tiền 50-70 triệu đồng (cho những biển số không đến nỗi “khủng”) để rồi sau dăm năm không còn được tiếp tục sử dụng trên xe khác hoặc bán lại thì cũng là cả một vấn đề.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.