Sau khi ĐBQH Dương Trung Quốc có đề xuất mặc quần soóc đi làm, nhiều chuyên gia, họa sỹ, nhà thiết kế... đã lên tiếng về đề xuất này.
Trao đổi với PV về đề xuất mặc quần soóc đi làm, bà Đoàn Thị Thu Hương, phó cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm bật cười rất tươi. Theo bà đây là một đề xuất hay và đáng suy nghĩ.
Bà Hương cho rằng, không có quy định nào cấm đàn ông mặc quần soóc đi làm, do vậy nếu đàn ông thích vẫn có thể mặc đến công sở. Vấn đề ở chỗ, người đó có đủ tự tin để hòa đồng với đồng nghiệp chốn công sở hay không?
Theo vị phó cục trưởng, quần soóc hợp với người có vóc dáng cao, chân to dài, thẳng, cơ bắp cuồn cuộn. Trong khi đó, đa phần đàn ông Việt Nam chưa cao lắm, chân vòng kiềng, nhiều người ít rèn luyện thể thao nên không có cơ bắp, chân thon thon như đàn bà...
“Đầu gối củ lạc, cơ bắp không có... mặc quần soóc đi làm trông không thuận mắt. Nếu quy định cho phép, có lẽ cũng không dám mặc”, bà Hương nói.
> Đọc thêm: Đề xuất mặc quần soóc đi làm
Nhân dân Hà Nội đón quân đồng minh vào giải giáp quân Nhật ở phố Tràng Tiền, tháng 8/1945 (Ảnh tư liệu)
Theo vị Phó cục trưởng, đàn ông Việt Nam hợp với bộ đồ comple. Bởi 80 – 90% đàn ông Việt Nam vai xuôi, do vậy mặc bộ comple làm cho vai ngang. Bên cạnh đó, ngực cũng được độn căng lên, che được khuyết điểm
“Mặc bộ comple tạo dáng vai ngang, ngực căng sẽ làm cho vóc dáng người đàn ông đẹp hơn, chứ cởi ra chưa chắc được như vậy. Do vậy, trong cách ăn mặc, đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại”, bà Hương bày tỏ quan điểm.
PGS.TS Đoàn Thị Tình, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc cho rằng không nên mặc quần soóc đi làm.
Bởi mặc quần soóc đi làm sẽ khiến cho người mặc có cảm giác không được chỉn chu. Trong khi chốn công sở là nơi phải tiếp xúc nhiều, có các hoạt động ngoại giao... Ăn mặc không chỉn chu sẽ khiến người mặc không được tự tin khi làm việc.
“Chưa kể, người đàn ông có cặp giò đen đúa, đầu gối củ lạc hoặc không có “ý tứ” sẽ rất phản cảm, không nghiêm túc”, bà Tình phân tích.
Bà Tình cũng đưa ra một ví dụ ngoại lệ: “Có thể mặc quần soóc và đi tất chân kéo quá đầu gối. Tuy nhiên, đi tất sẽ mất đi sự thoải mái, càng nóng và khó chịu hơn. Nếu đi tất mỏng như ở nữ, trông “ái” quá!”.
PGS.TS Đoàn Thị Tình: "Người đàn ông có cặp giò đen đúa, đầu gối củ lạc hoặc không có “ý tứ” sẽ rất phản cảm"
Họa sỹ Đinh Công Đạt tự cho mình là người người nghệ sỹ tư tưởng “thoáng”. Theo ông, chỉ ai có chân đẹp mới mặc quần soóc đi làm, chứ chân “có hoa” lại gầy gò, nhiều lông mà mặc đến công sở, trông cũng đến khiếp.
Bên cạnh đó, ăn mặc ở công sở không nên tạo ra sự quá khác biệt so với người xung quanh. Ông Đạt ví dụ: “Có lần tôi bước vào nhà thấy ai cũng ăn mặc đồ tây, tự dưng có người áo dài khăn đóng, tưởng nhà có đám”.
Nhà nghiên cứu trẻ Trần Quang Đức – tác giả cuốn sách “Nghìn năm áo mũ” khá nổi gần đây cũng chia sẻ về trang phục công sở các nước châu Á – nơi anh từng có thời gian du học, nghiêm cứu nên được chứng kiến.
Anh Đức cho biết, ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... nhân viên công sở ăn mặc khá kín đáo, lịch sự. Những bộ đồ sơ mi – quần dài phổ biến ở đây. Tuy nhiên, theo anh Đức, không nên có bất kỳ quy định nào về cách ăn mặc. Nên mặc trang phục hợp với bản thân, thoải mái và hiệu quả nhất cho mình, kể cả đó là bộ quần soóc công sở.
Theo Khám phá
"Mặc quần soóc" cũng là vấn đề gây tranh cãi trên thế giới. Nhiều quy định cùng những tình huống hài hước xảy ra khi chiếc quần soóc "phủ sóng" ở công sở và trường học ở nhiều quốc gia. Kỳ tiếp theo Những quy định lạ về quần soóc |