Sau nhiều năm bị lãng quên, cạnh tranh không lại với các loại đèn lồng điện tử, năm nay, làng làm lồng đèn giấy kiếng Phú Bình (TP.HCM) rộn ràng hẳn lên.
Các hộ gia đình trong xóm, từ người già đến trẻ em đều chung tay làm ra những chiếc đèn lồng thật xinh xắn, đầy màu sắc và nhiều kiểu dáng khác nhau.
Theo tìm hiểu, làng lồng đèn giấy kiếng Phú Bình được người Nam Định mang vào phát triển ở TP.HCM và hình thành nên làng nghề cách đây hơn 60 năm.
Chị Diễm (39 tuổi) làm lồng đèn hơn 10 năm, cho biết: "Sợ lồng đèn giấy không bán được như mọi năm nên tôi chỉ làm số lượng ít để bỏ sỉ cho các chợ và bán lẻ. Tuy nhiên, gần đây, các trường học cũng như nhiều công ty đã đến đây ủng hộ và đặt làm đèn lồng rất nhiều. Gia đình tôi vô cùng phấn khởi.
Cả nhà làm, từ mẹ già hai vợ chồng đến các con cùng nhau làm từ sáng đến tối để kịp giao cho khách, người ta đặt đến tận gần 2.000 cái. Mẫu mã sản xuất ở đây chủ yếu là lồng đèn ngôi sao, cá chép, thuyền...
Thấy nghề làm lồng đèn giấy kiếng đang hồi sinh và được sự ủng hộ trở lại của khách hàng, tôi vô cùng phấn khởi và mong làng nghề sẽ mau chóng phát triển trở lại".
"Năm nay, số lượng lồng đèn bỏ cho các chợ và đầu mối buôn bán trong TP.HCM tăng rất nhiều so với năm ngoái, điều này khiến tôi rất vui mừng. Cuối cùng cái "không hồn" cũng đã phải chịu thua cái "có hồn", lồng đèn điện tử giờ đã trả lại thị trường cho lồng đèn kiếng gia truyền.
Năm nay, xóm lồng đèn giấy kiếng Phú Bình làm ra nhiều mẫu mã đèn lồng khác nhau nên thu hút được rất nhiều sự chú ý", anh Hoàng vừa xếp lồng đèn lên xe máy vừa phấn khởi trò chuyện với PV.
Hơn nửa tháng nữa mới đến Trung thu, nhưng thời điểm này khắp làng nghề lồng đèn Phú Bình, người người đã thấy niềm vui của sự no ấm hân hoan về khắp phố phường.
Người làng nghề mong muốn những giá trị truyền thống, cái hồn chân thật của ngày tết Trung thu sẽ được trả về nguyên bản, để trẻ nhỏ được vui chơi với giấy kiếng, tre nứa chứ không phải chiếc lồng đèn điện tử lấp lánh nhưng vô hồn...