Thông tin từ sở Y tế Nghệ An cho biết, đã gửi báo cáo lên bộ Y tế về việc 20 trẻ em tại xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong (Nghệ An) được chẩn đoán là suy thận, trong đó có 2 em tử vong. Đồng thời, đề nghị Bộ Y tế cử chuyên gia để tìm hiểu về nguyên nhân gây bệnh.
Trước thông tin khiến các bậc phụ huynh trở nên lo lắng và không biết dấu hiệu nào để nhận biết căn bệnh này, các bác sĩ chuyên khoa cho biết, bệnh viêm cầu thận cấp có tỷ lệ mắc phải cao sau vài ngày xuất hiện tình trạng viêm họng, viêm tai hoặc viêm da mủ do nhiễm khuẩn liên cầu khuẩn beta tan máu nhóm A.
PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi (bệnh viện Bạch Mai) cho hay, không nên chủ quan khi nghĩ lviêm họng hay viêm da là bệnh nhẹ có thể tự chữa trị mà không đến bác sĩ thăm khám.
Cũng theo PGS. Dũng, khoảng 20-30% ca viêm họng là do liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A. Khi bị nhiễm khuẩn này sẽ dễ gây biến chứng thấp tim, viêm khớp, viêm cầu thận nếu không được điều trị triệt để.
“Bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A thường hay gặp ở lứa tuổi trên 5 và các phụ huynh thường chủ quan, tự mua thuốc về điều trị”, PGS. Dũng cho biết.
Theo các bác sĩ, có những dấu hiệu nhận biết đặc trưng của viêm họng do liên cầu khuẩn:
+ Trẻ sốt, mệt mỏi
+ Lưỡi bẩn, đau họng
+ Đau đầu, đau bụng, viêm tấy hạch vùng cổ, hạch góc hàm sưng.
PGS. Dũng cảnh báo, khi trẻ có một trong những dấu hiệu trên, cần đưa trẻ đến bác sĩ thăm khám. “Việc uống thuốc kháng sinh triệt để, đủ liều để tiêu diệt liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A là vô cùng quan trọng. Tuyệt đối không uống dở chừng sẽ rất nguy hiểm, nguy cơ nhờn thuốc và tái phát viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A”, PGS. Dũng nhấn mạnh.
Khi trẻ mắc viêm cầu thận cấp, không có triệu chứng lâm sàng. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần lưu ý các dấu hiệu để nghi ngờ bị mắc bệnh:
Phù: Phù rất thường gặp (cảm giác nặng mặt, mí mắt sưng nề, chân phù…), là dấu hiệu đầu tiên mà người bệnh có thể cảm nhận được. Dấu hiệu này cũng chỉ thường gặp trong 10 ngày đầu, sẽ giảm đi nhanh chóng khi người bệnh tiểu nhiều.
Tiểu ra máu: Tiểu ra máu toàn bãi, nước tiểu có màu đỏ đục như nước rửa thịt. Mỗi ngày đi tiểu ra máu toàn bãi 1-2 lần, không thường xuyên, xuất hiện trong tuần đầu, nhưng có thể xuất hiện trở lại trong 2-3 tuần.
Tiểu ít (thiểu niệu, vô niệu): Tình trạng thiểu niệu bao giờ cũng có, khối lượng nước tiểu dưới 500ml/ngày, thường gặp trong tuần đầu của bệnh và kéo dài trong 3-4 ngày.
Vân An