Nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm do tắc nghẽn của một hoặc nhiều nhánh động mạch vành nuôi dưỡng cơ tim. Điều này làm cho máu không chảy đến nuôi được phần cơ tim và làm một phần cơ tim bị chết đi. Nếu không được điều trị kịp thời, phần cơ tim hoại tử sẽ tạo sẹo sau vài tuần và tăng nguy cơ biến chứng suy tim. Nếu bị tắc những mạch máu lớn có thể làm cho tim ngừng đập hoặc gây ra một rối loạn nhịp chết người.
Theo nghiên cứu, 90% lý do dẫn đến nhồi máu cơ tim là do xơ vữa động mạch vành. Nguyên nhân khởi đầu là do sự hình thành cục máu đông bên trong mạch máu làm tắc mạch vành này. Với một lòng mạch vành khỏe mạnh, cục máu đông rất khó xuất hiện. Thế nhưng khi cholesterol và các thành phần mỡ máu khác lắng đọng sẽ khiến thành mạch vành hình thành các mảng vữa xơ. Các mảng xơ vữa này sẽ lớn lên theo thời gian, lâu dần tiếp xúc với máu tạo thành cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch vành, làm cho máu không thể luân chuyển đến nuôi dưỡng cơ tim.
Bệnh nhồi máu cơ tim có nguy cơ cao xuất hiện ở những nhóm người sau:
- Người cao tuổi (nam giới trên 45 và nữ giới trên 50)
- Người thường xuyên hút thuốc lá
- Người thừa cân, béo phì và các rối loạn chuyển hóa kèm theo như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipit máu...
- Người từng bị nhồi máu cơ tim
-Người có tiền sử gia đình có người thân bị nhồi máu cơ tim sớm (nam dưới 55 tuổi, nữ dưới 65 tuổi).
Càng tập hợp nhiều yếu tố nguy cơ trên thì bạn càng dễ bị nhồi máu cơ tim.
Nhồi máu cơ tim là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các nhóm bệnh lý nói chung và bệnh lý tim mạch nói riêng. Tuy nhiên hàng năm ở nước ta cũng có hàng nghìn người được cứu sống nhờ đến bệnh viện sớm. Do đó việc nhận biết các dấu hiệu cảnh báo của nhồi máu cơ tim là vô cùng quan trọng.
Nhiều người cho rằng khi bị nhồi máu cơ tim bệnh nhân sẽ đột ngột ôm lấy ngực và ngã ra như trong phim. Song trên thực tế, nhiều trường hợp chỉ có những cơn đau ngực rất nhẹ hoặc cảm thấy khó chịu ở dưới xương ức. Các dấu hiệu này có thể xuất hiện thoáng qua rồi biến mất. Thậm chí, nhiều người không nhận thấy triệu chứng này cho đến khi có những triệu chứng đau khác xảy ra.
Nói chung triệu chứng điển hình nhất cảnh báo nhồi máu cơ tim chính là đau ngực. Cảm giác đau tức vùng sau xương ức, kéo dài trong một vài phút. Cơn đau có thể xuất hiện rồi hết và lại tái phát. Khi bị đau ngực chúng ta cảm thấy như có gì đó ép lên ngực, đau như bị dao đâm hoặc cảm thấy nghẹt thở. Cơn đau cũng có thể xuất hiện ở các vị trí khác như ở sau lưng, trên cổ, trên hàm hoặc vùng dưới dạ dày. Khó thở thường đi kèm với cơn đau ngực. Một số triệu chứng khác cũng có thể xuất hiện kèm theo là lạnh toát mồ hôi, nôn hoặc chóng mặt, đau đầu nhẹ.
Đáng chú ý các triệu chứng và dấu hiệu nhồi máu cơ tim có thể thay đổi tùy theo tuổi, giới tính, vùng bị tổn thương và các bệnh đi kèm. Các triệu chứng rất đa dạng, có thể xuất hiện 1 hoặc một số tình trạng sau:
-Tức nặng ngực
-Đau ở ngực, lưng, hàm và các vị trí khác ở nửa trên cơ thể kéo dài trên 1 phút hoặc biến mất và quay trở lại
-Khó thở
-Toát mồ hôi lạnh
-Buồn nôn, nôn
-Choáng váng hoặc chóng mặt đột ngột
-Nhịp tim nhanh
-Khả năng gắng sức bị giảm sút
Nhất là các bệnh nhân đái tháo đường, người cao tuổi có thể bị nhồi máu cơ tim với triệu chứng không rõ ràng, mà chỉ mệt mỏi, kiệt sức không rõ nguyên nhân. Đây tuy là những biểu hiện không điển hình nhưng vẫn cần được chú ý theo dõi và thực hiện tầm soát khi cần thiết. Với người bình thường khi có đau ngực, dù không chắc chắn là cơn đau như miêu tả ở trên, bạn cũng nên đến bệnh viện kiểm tra.
Minh Hoa (t/h)