Tỉ lệ trầm cảm sau sinh chiếm khoảng 15% trong 3 tháng đầu, 15 - 25% trong năm đầu tiên sau sinh. Trầm cảm sau sinh thường kèm theo ám ảnh sợ con mình sẽ bị hại và bản thân mình là người mẹ xấu (ý tưởng hoặc hoang tưởng tự buộc tội). Các dấu hiệu của trầm cảm sau sinh như bồn chồn, lo lắng bất an, ăn ngủ kém, chợt vui, chợt buồn... khiến sức khỏe suy giảm. Nếu không được phát hiện sớm, người mẹ có thể có hành vi làm hại bản thân hoặc người khác như tự sát, giết con...
Nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh là do thay đổi về nội tiết, do giảm đột ngột estrogen, progestrogen và hormone tuyến giáp; Thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa dẫn đến tình trạng mệt mỏi và dễ thay đổi cảm xúc; Mâu thuẫn gia đình, vấn đề tài chính, thiếu sự giúp đỡ của người thân; Khó khăn trong chăm sóc trẻ. Nhiều bà mẹ cảm thấy căng thẳng, mất ngủ, lo lắng về khả năng chăm sóc con, từ đó cảm thấy mất hứng thú sống và mất kiểm soát cuộc sống bản thân.
Những sự kiện gây căng thẳng trong thời gian trước khi mang thai: Bệnh tật, hiếm muộn, thất nghiệp; Thiếu sự giúp đỡ, thiếu sự đồng cảm chia sẻ của người thân, đặc biệt là người chồng; Mâu thuẫn vợ chồng, mâu thuẫn với mẹ chồng, người thân, đồng nghiệp...; Thai kỳ không mong muốn. Những phụ nữ mong muốn mình là người mẹ hoàn hảo, ít nhờ người khác giúp đỡ trong việc chăm sóc trẻ khi cần thiết và quá quan tâm đến việc người khác đánh giá khả năng làm mẹ của mình dễ có xu hướng bị trầm cảm. Khi đó, người mẹ đã tự đặt cho mình quá nhiều áp lực và rất dễ bị trầm cảm. Mặt khác, thai phụ có nguy cơ cao mắc chứng trầm cảm sau sinh khi trong gia đình có tiền sử bị trầm cảm (bố, mẹ, anh, chị em).
Một số triệu chứng của bệnh trầm cảm sau sinh: Cảm thấy mệt mỏi, vô lực, ngồi một chỗ hoặc nằm một chỗ. Cảm thấy không đủ khả năng chăm sóc con, không chăm sóc con, không cho con bú. Nhiều người cảm thấy chán nản, buồn rầu, đau khổ, vô vọng tăng dần sau khi sinh con, thậm chí khóc lóc cả ngày mà không có lý do cụ thể nào cả. Đôi khi họ lại cảm thấy bị chồng, gia đình, bạn bè bỏ rơi. Những cảm giác này thường không có căn cứ.
Nhiều trường hợp không muốn tắm rửa, chải chuốt. Thiếu tự tin khi ra khỏi nhà, họ thậm chí khó có thể gặp gỡ những người bạn thân, từ chối trả lời điện thoại hay thư từ. Luôn cảm thấy lo âu, sợ hãi, sợ làm tổn hại con. Thường bị đau ở đầu và cổ, nhưng có người lại đau lưng, đau ngực, có thể có các vấn đề về tim. Bà mẹ có nhiều than phiền về sức khỏe, có cảm giác bị bệnh. Có cảm giác bồn chồn bứt rứt, đứng ngồi không yên. Đây cũng là một yếu tố dẫn đến hành vi tự sát. Mất hứng thú tình dục, xa lánh chồng (tình trạng này thường kéo dài một thời gian), ham muốn tình dục sẽ trở lại khi hết trầm cảm.
Mất ngủ, khó ngủ là triệu chứng thường gặp. Người bệnh có thể thao thức đến gần sáng hoặc không ngủ được. Có trường hợp ngủ không liên tục, hay bị thức giấc vào giữa đêm, thỉnh thoảng gặp ác mộng và không thể ngủ lại được. Nhưng cũng có khi người bệnh lại tăng nhu cầu ngủ và ngủ nhiều. Ăn kém, chán ăn, gầy sút cân, ngược lại cũng có trường hợp thèm ăn, ăn nhiều, tăng cân. Mất tập trung, không thể đọc sách, xem tivi hay trò chuyện bình thường. Trí nhớ kém và đôi lúc không sắp xếp được suy nghĩ. Họ có thể ngồi đó không làm gì, chỉ nghĩ rằng họ cảm thấy rất tồi tệ.
Lời khuyên của thầy thuốc
Khi người mẹ có dấu hiệu trầm cảm sau sinh, cần có sự giúp đỡ của các bác sĩ tâm lý. Bản thân người bệnh cần tin tưởng rằng mình sẽ tốt hơn, sẽ sớm phục hồi. Đau xuất hiện khá nhiều ở phụ nữ bị trầm cảm sau sinh và đó không phải là dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng. Có trường hợp bị nhức đầu lại nghĩ là bị u não, đau ngực là bị bệnh tim nên lo lắng làm tình trạng trầm cảm nặng thêm, vì vậy, thư giãn và quên đi đau đớn thì căn bệnh trầm cảm sẽ giảm dần.
Thai phụ bị trầm cảm cần nghỉ ngơi nhiều bởi vì mệt mỏi sẽ làm cho bệnh trầm trọng hơn. Tránh thức khuya và nên nhờ người khác cho con bú. Cần ăn uống đầy đủ vì nếu hạ đường huyết cũng sẽ làm cho bệnh nặng nề hơn. Nên ăn nhiều trái cây và rau quả khi cảm thấy đói.
Sự giúp đỡ của người thân sẽ làm cho bệnh phục hồi nhanh, vì người bệnh luôn mệt mỏi nên không nên quấy rầy họ. Để người bệnh nghỉ ngơi nhiều, lúc đỡ mệt có thể làm những việc họ thích, nên có người thân ở bên cạnh người bệnh.
Điều trị bằng thuốc rất quan trọng, người bệnh cần được bác sĩ chuyên khoa tâm thần thăm khám và kê đơn thuốc. Thuốc chống trầm cảm thế hệ mới rất hiệu quả và tương đối an toàn. Nên kết hợp với vitamin và thuốc tăng cường tuần hoàn não. Tuy nhiên, thuốc có thể ngấm qua sữa nên tốt nhất không cho trẻ bú sữa mẹ.
Cần điều trị đủ thời gian để được phục hồi hoàn toàn. Nếu sau khi ngưng thuốc mà các triệu chứng tái phát, nên đến bác sĩ tư vấn điều trị dứt điểm.
Theo BS. Minh Đức (Bệnh viện 103)/ SKĐS