Bệnh đau nửa đầu còn được biết đến với tên khoa học là hội chứng Migraine. Căn bệnh này chủ yếu gặp ở nữ giới (nữ giới chiếm khoảng 75%), lứa tuổi mắc bệnh này thường rời vào độ tuổi từ 35 – 45 tuổi. Bệnh gây ra chóng mặt đau nửa đầu, thậm chí người bệnh cảm thấy nôn nao khó chịu, mệt mỏi ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, công việc.
Khi không được điều trị, chứng đau nửa đầu thường kéo dài từ 4 đến 72 giờ, tuy nhiên tần suất đau đầu có sự thay đổi ở từng người. Có người mắc chứng đau nửa đầu nhiều lần một tháng hoặc ít thường xuyên. Đau nửa đầu rất dễ tái phát và mỗi lần tái phát thường làm cho người bệnh cảm thấy rất khó chịu, hay quên, đãng trí.
Theo tư vấn của các bác sĩ, một cơn đau nửa đầu điển hình có các dấu hiệu và triệu chứng sau:
- Đau trung bình đến đau nặng, có thể đau giới hạn ở một bên đầu hoặc có thể ảnh hưởng đến cả hai bên.
- Đau đầu với một dao động hoặc đau dồn dập.
- Đau nặng hơn với các hoạt động thể chất.
- Đau gây cản trở hoạt động thường xuyên.
- Buồn nôn (có hoặc không có nôn mửa).
- Nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh.
Thông tin từ nhiều tài liệu y khoa cũng như các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam, đau nửa đầu là một bệnh có cơ chế thần kinh mạch máu. Những phụ nữ thường xuyên phải chịu đựng cơn đau nửa đầu dữ dội, kèm theo chứng rối loạn thị lực có thể có nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Đó là kết luận của Tiến sĩ Tobias Kurth, thành viên của Hiệp hội thần kinh học Mỹ sau khi khảo sát 27.860 phụ nữ trong vòng 15 năm, trong đó 1.435 người mắc chứng đau nửa đầu thoáng qua, theo báo Gia đình và Xã hội.
Đã có 1.030 trường hợp bị đau tim, đột quỵ và tử vong do các bệnh tim mạch trong thời gian tiến hành nghiên cứu. Tiến sĩ khẳng định thêm: “Sau huyết áp cao, đau nửa đầu thoáng qua là yếu tố đứng hàng thứ 2 góp phần làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Nó đứng trước cả những yếu tố khác được cho là làm tăng nguy cơ mắc các bệnh trên như tiểu đường, thói quen hút thuốc, béo phì, tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch”.
Tương tự, tiến sĩ Rebecca Burch – giảng viên khoa thần kinh tại Trường Y Harvard ở Boston cho biết trên healthday: “Chúng ta có thể thêm chứng đau nửa đầu vào danh sách các yếu tố nguy cơ đối với bệnh tim. Chứng đau nửa đầu có xu hướng xảy ra trước trong khi bệnh tim mạch thường thấy ở giai đoạn sau này trong cuộc sống”.
Ngoài nguy cơ đáng lo ngại kể trên, đau nửa đầu còn là biểu hiện của những chứng bệnh sau:
Trầm cảm
Người đau nửa đầu kéo dài có nguy cơ trầm cảm cao gấp đôi so với những người khác. Nếu bạn có chứng đau nửa đầu mãn tính, thì nguy cơ của bạn gấp ba lần. Đây là một trong những căn bệnh hàng đầu có liên quan đến chứng đau nửa đầu.
Béo phì
Nếu bạn bị đau nửa đầu, thì thừa cân có thể làm cho bệnh tồi tệ hơn. Nếu bạn chưa bao giờ bị chứng đau nửa đầu, thì béo phì thậm chí có thể kích hoạt nó. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người tăng cân nhiều sẽ có nhiều khả năng bị chứng đau nửa đầu.
Suyễn
Viêm mạch máu bên ngoài não có thể gây đau nhói, đó là dấu hiệu của chứng đau nửa đầu. Và suyễn cũng là một trong những căn bệnh hàng đầu có liên quan đến chứng bệnh này.
Các vấn đề về tiêu hoá
Người bị chứng đau nửa đầu có tỷ lệ hiện mắc cao hơn ở một số vấn đề liên quan đến tiêu hoá bao gồm hội chứng ruột kích thích (IBS), viêm ruột và bệnh celiac.
N.H (Tổng hợp)