Sáng 7/6, ngay sau nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đăng đàn trả lời, có 120 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Huỳnh Thành Đạt. Đây là số đại biểu đăng ký nhiều nhất từ đầu kỳ chất vấn.
Tham gia chất vấn, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng cho biết, trong năm qua, số đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước có bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng? Trong số đó có bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực?
"Đâu là điểm "kích nổ" về chính sách để Việt Nam bứt phá về công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế và bảo vệ quốc phòng, an ninh của Tổ quốc?", đại biểu nêu rõ.
Trả lời đại biểu Lê Thanh Vân, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến cải tiến đổi mới, sáng tạo. Chính phủ đã bố trí kinh phí cho Bộ Khoa học - Công nghệ để đáp ứng sự nghiệp, hoạt động khoa học công nghệ, tương ứng với mức 0,64% GDP.
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã "nhắc" Bộ trưởng đi thẳng vào vấn đề đại biểu chất vấn. “Đại biểu Lê Thanh Vân hỏi có bao nhiêu đề tài nghiên cứu khoa học đã ứng dụng được, có bao nhiêu đề tài đang để ở trong "ngăn kéo"? Giải pháp để bứt phá về khoa học công nghệ, nhất là giải pháp quản lý Nhà nước thế nào?”, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại.
Sau khi được đề nghị "đi thẳng vào nội dung câu hỏi", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết nghiên cứu khoa học công nghệ là lĩnh vực có tính chất đặc thù, bản chất là đi tìm cái mới nên có thể thành công hoặc thất bại, có thể thành công sớm hoặc thành công muộn. Do vậy rất khó xác định có bao nhiêu đề tài thành công được áp dụng vào thực tế.
Điều quan trọng là làm sao xác định đươc các kết quả đó phục vụ được cho kinh tế, xã hội nhưng cũng đồng thời phục vụ cho nâng cao khả năng nghiên cứu của các nhà khoa học, tăng cao uy tín cho các viện nghiên cứu và các trường đại học.
Thực tế cho thấy, kết quả nghiên cứu đã góp phần nâng cao xếp hạng các trường đại học trong khu vực và quốc tế. Hiện, đã có 9 trường xuất hiện trên bản đồ xếp hạng trên thế giới. Đây là kết quả phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo.
Các đề tài đều có rủi ro, độ trễ, đôi khi không phải đề tài nào cũng có kết quả, nhất là trong công tác chuyển giao, thương mại hóa.
Bộ trưởng cho biết Nhà nước đang có nhiều chính sách để chuyển giao các kết quả nghiên cứu từ nhà trường, phòng thí nghiệm ra ngoài xã hội.
Về giải pháp giúp bứt phá về công nghệ, Bộ trưởng cho biết có nhiều giải pháp để thực hiện điều này.
Đầu tiên đó là đầu tư vào công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và sáng tạo. Đầu tư về nguồn lực, cơ chế và chính sách để giúp các nhà khoa học có điều kiện, tâm thế để sẵn sàng cống hiến cho khoa học.
Bộ trưởng tin rằng nếu đầu tư đúng mức, tạo điều kiện phù hợp sẽ giúp các nhà khoa học có thể phát huy được hết các khả năng để tạo điều kiện bứt phá về công nghệ.
Phát biểu tranh luận, đại biểu Lê Thanh Vân chưa hài lòng với câu trả lời từ Bộ trưởng trước câu hỏi về điểm “kích nổ" trong chính sách giúp khoa học và công nghệ Việt Nam bứt phá.
Theo đại biểu, yếu tố quan trọng để khoa học và công nghệ bứt phá là nhân tài. "Chỉ có nhân tài khoa học và công nghệ mới có thể làm thay đổi diện mạo công nghệ Việt Nam", đại biểu nêu và cho biết nếu không có công nghệ hiện đại, chúng ta sẽ thua xa các nước bên cạnh.
Đại biểu gợi ý Bộ trưởng về thứ tự ưu tiên lựa chọn chính sách để kích nổ trong lĩnh vực công nghệ, bao gồm nhân tài trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, blockchain, công nghệ thông tin, công nghệ vật dụng mới....