Đâu là điều kiện tiên quyết để thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm?

Đâu là điều kiện tiên quyết để thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm?

Nguyễn Thị Huệ

Nguyễn Thị Huệ

Chủ nhật, 06/08/2017 07:00

Theo TS. Dương Đức Hùng, chuẩn hóa xét nghiệm là điều kiện tiên quyết thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm vì trên thực tế không phải tất cả các bệnh viện đều có chuẩn giống nhau.

Từ ngày 1/8, bộ Y tế thí điểm thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm tại 38 bệnh viện tuyến Trung ương, chọn mỗi chuyên ngành 2-3 xét nghiệm được liên thông, sau đó từng bước mở rộng, xây dựng các danh mục xét nghiệm.

Theo nguyên tắc, việc liên thông chỉ áp dụng cho một số xét nghiệm, kết quả có giá trị trong một thời gian nhất định. Bệnh viện chỉ công nhận kết quả xét nghiệm của bệnh viện khác có chất lượng tương đương hoặc cao hơn. Quyền chỉ định xét nghiệm vẫn là của bác sĩ nếu thấy cần thiết.

PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện cùng TS.Dương Đức Hùng – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, bệnh viện Bạch Mai để làm rõ hơn vấn đề đang được dư luận khá quan tâm này.

Xã hội - Đâu là điều kiện tiên quyết để thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm?

TS. Dương Đức Hùng – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, bệnh viện Bạch Mai

Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về việc áp dụng liên thông kết quả xét nghiệm tại 38 bệnh viện tuyến Trung ương, trong đó có bệnh viện Bạch Mai?

TS. Dương Đức Hùng: Quy định của bộ Y tế được coi là văn bản pháp quy, trách nhiệm của các bệnh viện cũng như các đơn vị trực thuộc đều phải tuân thủ theo đúng quy định cũng như thời hạn. Bắt đầu từ 1/8, bệnh viện Bạch Mai cũng liên thông kết quả xét nghiệm. Đã có nhiều bệnh viện cùng tuyến chuyển bệnh nhân đến mà không cần làm lại một số xét nghiệm theo quy định của bộ Y tế.

Cũng nhiều người hỏi tôi, việc triển khai đó có vấn đề gì vướng mắc, xáo trộn không? Tôi xin trả lời rằng, khi triển khai chúng tôi không vấp phải bất cứ trục trặc hay khó khăn gì. Bởi lẽ, trước khi đưa ra quyết định này, bộ Y tế cũng đã có nhiều cuộc họp với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về xét nghiệm, các thầy thuốc lâm sàng.

Chúng tôi là người làm trực tiếp nên có gì mình chịu, có gì mình được hưởng và chúng tôi theo sát. Khi xây dựng danh mục chúng tôi cũng rất trách nhiệm xây dựng ra danh mục và thời gian bảo lưu xét nghiệm. Tức là hội đồng đã sàng lọc những gì cho phép liên thông, những gì không chứ không phải mọi kết quả xét nghiệm đều liên thông. Với sự chuẩn bị kĩ lưỡng tới từng chi tiết như vậy, khi triển khai tôi tin, không chỉ bệnh viện Bạch Mai mà các bệnh viện khác cũng không có gì trục trặc lớn.

Phóng viên: Vậy theo ông đâu là điều kiện tiên quyết để thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm?

TS. Dương Đức Hùng: Trong xét nghiệm, muốn dùng chung thì hệ thống xét nghiệm của các bệnh viện quyết định liên thông với nhau phải theo chuẩn về xét nghiệm, nên việc đầu tiên là phải chuẩn hóa xét nghiệm. Đó là điều kiện tiên quyết vì trên thực tế không phải tất cả các bệnh viện đều có chuẩn giống nhau.

Thứ hai, trên thực tế có những xét nghiệm là bất biến, ví dụ như nhóm máu. Nhưng cũng có những xét nghiệm có thể thay đổi trong quá trình diễn biến của bệnh có đáp ứng điều trị. Ví dụ, với xét nghiệm chức năng gan của một bệnh nhân đang điều trị gan, hôm nay có thể khác và sau 6 tiếng đồng hồ cũng có thể khác vì bệnh nặng lên hoặc giảm đi sau quá trình điều trị. Như vậy, vấn đề ở đây là theo thời hạn cho phép mình sử dụng là bao nhiêu.

Thực tế chúng ta có thể thấy, ngay cả nhóm máu, nhiều người cho rằng nhóm máu là bất biến, kết quả xét nghiệm chỉ dùng một lần trong đời và không phải xét nghiệm lại. Nhưng tôi lấy ví dụ, một bệnh viện X lấy xét nghiệm nhóm máu, sau đó bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện Bạch Mai với cùng kết quả nhóm máu đó. Tại bệnh viện Bạch Mai vì một lý do điều trị bệnh nhân phải truyền máu. Câu hỏi đặt ra lúc này, nếu không cho bệnh nhân thử lại nhóm máu có được không. Tôi ủng hộ vẫn phải thử lại. Bởi lẽ, trong trường hợp không may bệnh viện X xét nghiệm nhầm nhóm máu bệnh nhân, các bác sĩ tại bệnh viện Bạch Mai căn cứ vào xét nghiệm của họ và truyền máu. Vậy, khi tai biến nhầm nhóm máu thì người truyền chịu trách nhiệm hay người thử chịu trách nhiệm?

Cho nên có những trường hơp cụ thể vẫn phải làm lại xét nghiệm, đặc biệt xét nghiệm rất hay biến đổi không đưa vào danh mục này, chỉ những xét nghiệm có tính chất ổn định, tương đối dài mới đưa vào danh mục liên thông.

Tôi nhấn mạnh lại, tất cả phải theo chuẩn chung. Hệ thống xét nghiệm mỗi bệnh viện có thể dùng một hãng khác nhau, các thông số về máy có hệ số khác nhau... nên chúng ta phải có chuẩn để hiệu đính theo chuẩn sau đó đạt cùng chuẩn giống nhau mới áp dụng.

Phóng viên: Thưa ông, việc liên thông kết quả xét nghiệm có tiết kiệm được nhiều chi phí?

TS. Dương Đức Hùng: Nếu nói về chi phí không phải tiết kiệm được lớn vì số lượng xét nghiệm mình cho phép liên thông không phải nhiều. Nhưng tiết kiệm ở đây là về mặt thời gian và thủ tục hành chính cho người bệnh.

Ví dụ, tại tuyến dưới bệnh nhân siêu âm phổi, trên phim thể hiện rất rõ ràng, chất lượng phim tốt, không có biến đổi nhiều về diễn biến bệnh thì có thể dùng liên thông được mà không cần chụp lại khi chuyển lên tuyến Trung ương. Như với bệnh viện Bạch Mai, lượng bệnh nhân đông, để chụp được phim cũng phải mất 3-4 tiếng đồng hồ. Vì vậy, tiết kiệm ở đây không phải giá trị của phim chỉ vài chục nghìn đồng mà đó là giá trị thời gian.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này!

Nguyễn Huệ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.