Thời gian gần đây, dư luận lại xôn xao về yếu tố “khiêu dâm” trong tác phẩm văn chương của Ocean Vương, một nhà thơ - nhà văn trẻ người Mỹ. Trước tiên, anh được thế giới biết đến với tư cách nhà thơ, khi anh đoạt nhiều Giải thưởng Thơ uy tín ở Mỹ. Đặc biệt, với giải Giải thưởng Eliot TS 2017, Ocean Vương khẳng định mình với tư cách một tác giả “đem lại làn gió mới” cho văn đàn Mỹ đương đại.
Sau đó, anh xuất bản tiểu thuyết khá đình đám của mình, tác phẩm được dịch sang tiếng Việt với tựa đề Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian, do công ty sách Nhã Nam phát hành.
Nếu không vì một sự kiện liên quan đến một phụ huynh “tố” tác phẩm là một tác phẩm “khiêu dâm”, khi phụ huynh đọc tác phẩm cùng con (nhà trường phát cuốn sách cho học sinh đem về nhà đọc), thì cuốn sách cũng không dậy sóng đến vậy. Nó sẽ lặng im như muôn vàn cuốn sách khác, và được những người ái mộ văn chương tìm đọc.
Vậy, điều gì làm nên sự “ồn ào” trên? Đâu là giá trị đích thực của văn chương? Đâu là rào cản tâm lý (cùng một tác phẩm, nhưng ở những nền văn hóa khác nhau thì được đón nhận – tiếp nhận khác nhau)?
Như chúng ta đều biết, văn chương là một bộ môn nghệ thuật, dùng ngôn ngữ để kiến tạo nên thế giới thẩm mỹ cho tác phẩm. Nhưng ngôn ngữ chỉ là một phần trong toàn bộ hệ thống tác phẩm, vì bên cạnh ngôn ngữ, một tác phẩm văn chương còn có các yếu tố như nghệ thuật dùng hình tượng ẩn dụ, nghệ thuật tự sự, cấu trúc câu chuyện, cài cắm tình tiết, nội dung hàm ẩn.
Bởi thế, việc tiếp nhận một tác phẩm văn chương, chúng ta không chỉ biết đọc về lớp ngôn ngữ (nghĩa là biết chữ) mà chúng ta còn có tri thức về văn chương, kiến thức về loại hình nghệ thuật của tác phẩm, kiến văn về văn hóa, triết học, tâm lý, xã hội. Nếu việc đọc một tác phẩm văn chương (đặc biệt ở đây là một tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao), chỉ đơn giản là việc biết chữ là đọc được, thì có nguy cơ chúng ta không hiểu đúng tác phẩm, hiểu sai tác phẩm.
Đồng ý một điều, không phải ai trong chúng ta cũng có đủ tri thức để tiếp nhận tác phẩm văn chương một cách đầy đủ, hiểu đúng về tác phẩm. Bởi đơn giản một điều, không phải ai cũng quan tâm đến văn chương, có thời gian để đọc tác phẩm văn chương một cách đầy đủ.
Cũng bởi vì chúng ta không có sự hiểu biết đầy đủ, thấu đáo về văn chương, nên đôi khi, chúng ta quy kết một tác phẩm văn chương “bình thường” là một tác phẩm “dâm thư” cũng là điều dễ hiểu. Vì chúng ta mới chỉ đọc thoáng qua, hoặc có đọc đầy đủ nhưng lại không tiếp nhận một tác phẩm dưới góc nhìn nghệ thuật (mà tiếp nhận với góc nhìn thông tục).
Thứ đến là vấn đề văn hóa. Văn hóa ở đây không chỉ là văn hóa lối sống, văn hóa xã hội, mà còn là vấn đề văn hóa tiếp nhận.
Nếu sự đọc của một người nào đó ít, nhất là với những tác phẩm văn chương, đặc biệt là những tác phẩm mang tính kiến tạo những giá trị thẩm mỹ mới, cổ vũ cho trào lưu tư tưởng mới, thì sự tiếp nhận văn bản tác phẩm của người đó cũng hạn chế. Nguyên do hạn chế đó sẽ làm cho người đó lo lắng. Giống như một người không xem phim nhiều, bỗng một ngày thấy một cảnh nóng giữa hai người đàn ông trần truồng hôn nhau trên màn ảnh, và bảo rằng đây là một bộ phim “khiêu dâm”.
Hẳn nhiên, việc tiếp nhận đó, trước mắt là thiệt thòi cho bản thân. Và sau đó, ta dùng sự “thiệt thòi” đó để đấu tranh, để lên án, và thậm chí là muốn tạo một làn sóng tẩy chay tác phẩm. Thì vô tình ta lại đang cố tình gây nên sự thiệt thòi cho người khác, cộng đồng.
Nếu một cộng đồng rộng lớn có văn hóa tiếp nhận như vậy, thì sẽ tạo nên những lực cản cho sự đổi mới sáng tạo, làm trì kéo sự phát triển tự thân của văn chương, nghệ thuật. Văn hóa tiếp nhận tủn mủn (bởi vì chúng ta ít đọc, ít xem, ít nghe) và dễ quy kết những tác phẩm có giá trị nghệ thuật thành sản phẩm chứa đầy “chất độc”, là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng không tốt đến những người lao động nghệ thuật chân chính, tác phẩm nghệ thuật chân chính.
Bản thân văn hóa tiếp nhận chính là một phần cấu thành nên văn hóa lối sống, và khi xã hội thay đổi (cộng đồng những người đọc nhiều, nghe nhiều, xem nhiều tăng lên) thì văn hóa tiếp nhận cũng thay đổi theo. Tuy nhiên, câu chuyện này cần thời gian.
Trở lại với vấn đề về tác phẩm của Ocean Vương, tiểu thuyết Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian, một tác phẩm được cộng đồng quốc tế đón đọc rộng rãi, và có cả sự tôn vinh. Và ở Việt Nam, tác phẩm cũng được giới chuyên môn đánh giá cao. Vậy tại sao có người lại gán cho tác phẩm là một cuốn sách “dâm thư”? Có chăng là do sự tiếp nhận của người đọc? Người đọc quá vội vàng trong việc “phán xét” tác phẩm?
Mặc dù văn hóa Việt Nam không giống với văn hóa phương Tây, nhưng trên một bình diện nào đó, chúng ta có những điểm chung, về những giá trị chung, mang tính nhân loại. Đặc biệt, khi Việt Nam đang ngày càng hòa nhập sâu vào nền văn hóa chung của cộng đồng thế giới. Nếu chúng ta cản trở con cái chúng ta tiếp nhận những tác phẩm mà cả thế giới đón đọc, sẽ là sự thiệt thòi lớn cho con cái chúng ta sau này, khi nền tảng tri thức (nền tảng tiếp nhận văn hóa) của chúng ta “đi sau” thế giới.
Câu chuyện về giới tính, giáo dục giới tính, ở ta vẫn còn nhiều định kiến, rào cản, cũng như thiếu thốn về những chương trình truyền bá tri thức, nên vấn đề phản ứng như người phụ huynh trên cũng không có gì đáng trách. Chỉ có điều, mọi việc, cần sự cân nhắc thận trọng mọi chiều hướng, để có quyết định đúng đắn về những vấn đề liên quan.
Làm sao để những gì thuộc về văn chương phải thuộc về văn chương. Những giá trị văn chương cần được bảo vệ! Chúng ta đừng biến những tác phẩm có giá trị trở thành nạn nhân của văn hóa, rồi chính chúng ta là những người chịu thiệt thòi!...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả