Từ nhiều năm nay, đời sống của con người Việt Nam đương đại trải qua rất nhiều biến chuyển và thay đổi. Nhất là khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu càng rộng vào cộng đồng thế giới. Từ đó, nhiều điều ở thế giới bên ngoài tràn nhập vào cuộc sống của người dân. Cái chúng ta tiếp nhận không chỉ là sự giao lưu kinh tế, hội nhập kinh tế, mà còn về văn hóa, lối sống...
Chưa bao giờ đời sống người dân Việt Nam đa chiều như hiện nay, có thể nói rằng, gần như những gì thịnh hành trên thế giới, người Việt hôm nay đều có thể tiếp cận và tiếp nhận. Chưa bao giờ hệ thống tri thức được dịch thuật một cách rầm rộ và đa dạng như bây giờ, trong đó có nhiều trào lưu tư tưởng từ cổ chí kim của thế giới.
Trong rất nhiều điều được lan truyền đó, có một sự kiện thu hút rất nhiều người Việt tiếp nhận và thực hành theo, nhất là giới trẻ. Đó là “lối sống tối giản”.
Tôi có một người bạn sinh năm hai ngàn, suốt ngày cầm quyển sách “Lối sống tối giản của người Nhật”, và chưng diện ra cho mọi người biết rằng mình đang đọc cuốn sách đó. Nhưng trong đời sống thực tế, anh ấy là một người rất tự kiêu, hơi vị kỷ (thích nói về bản thân mình), và cái tôi rất lớn (chỉ muốn nói điều mình thích), và thậm chí là chỉ thích nói về cuốn sách đó.
Mặc dù tôi chưa đọc qua cuốn sách mang tính tri thức thực hành lối sống tối giản của người Nhật kia, nhưng trong đời sống hằng ngày, tôi vẫn áp dụng một cách sống theo đạo đức của nhà Phật, gọi là sống biết buông bỏ. Dù sống ở đô thành đầy nhốn nháo, lắm bon chen, nhưng tôi chỉ chọn sống một cách giản dị, hòa đồng, tập trung vào những gì thực sự là nhu cầu bản thân cần.
Nhiều người trong chúng ta hiểu rất lệch lạc về khái niệm buông bỏ, họ nghĩ rằng, buông bỏ là bỏ tất cả, để không còn gì cả, nhằm mục đích là không để vướng víu bất cứ cái gì. Và chính lối sống tối giản, cũng bị nhiều người hiểu sai như thế.
Qua thông tin báo chí, tôi được biết đâu đó có người thực hành lối sống tối giản bằng cách thuê một căn phòng trống, và chỉ sống trong thế giới trống rỗng đó, không có bất cứ những nhu cầu tối thiểu nào. Và kinh khủng hơn, họ còn thực hiện lối sống ăn ngày một bữa (kiểu đơn giản về ăn uống, giảm nhu cầu ăn uống), giống như người tu hạnh đầu đà trong nhà Phật.
Đương nhiên, những người không hiểu sâu sắc về triết lý sống tối giản, hoặc hiểu máy móc về lối sống đó, để rồi thực hiện một cách sống không khoa học, không đúng theo quy luật sinh học và tâm lý, thì thật nguy hiểm vậy.
Trong triết lý sống của người Á Đông, không chỉ giáo lý Phật giáo khuyến khích con người sống biết buông bỏ, mà trong Đạo giáo cũng có những cách thức tu tập tương tự. Triết lý lớn và sâu nhất của Đạo giáo chính là triết lý “thuận theo tự nhiên”, nghĩa là mọi thứ vận hành đều có quy luật (mang tính bất biến) của nó. Tính đặc trưng của quy luật đó, là sự khái quát hóa mọi sự mọi việc, để đạt được trạng thái cao nhất của hành động, là làm như không làm.
Khi một người lĩnh ngộ được sự vi diệu của phương thức “làm như không làm, không có gì là không làm”, “sống tự do tự tại tiêu dao”, thì chính là đạt Đạo. Cái sự đạt đó, ở đây, dưới góc nhìn hiện hữu của cá nhân tôi, chính là đạt được lối sống tối giản. Nghĩa là người đó sống một cách biết rõ chính mình, hiểu rõ chính mình, và tập trung vào những điều cần thiết.
Rõ ràng, phải thừa nhận một điều, rằng trong một đời sống có quá nhiều biến động hiện nay, và nhìn rộng ra thì toàn thế giới đang biến đổi, con người chịu sự chi phối rất lớn từ vô vàn yếu tố (yếu tính) đối lập nhau, đan xen phức tạp. Bởi thế, việc thực hành một lối sống hướng đến những giá trị cốt lõi, là điều cần thiết cho mỗi người.
Bởi, khi một người hiểu rõ bản thân mình, thì tâm sẽ không bị “vọng động”, lòng sẽ an bình, tỉnh táo, sáng suốt để nhìn nhận ra những điều tích cực và tiêu cực của đời sống. Có lẽ, đó cũng là một phương thức phòng thân (khi có quá nhiều sự lừa đảo trên mạng, đánh vào lòng tham của con người, như báo chí đưa tin).
Thực hành lối sống tối giản là ta biết rõ những nhu cầu thực tế của bản thân, loại bỏ đi những gì không thực sự cần thiết, để kiến tạo nên một đời sống chất lượng (cả vật chất và tinh thần). Mà trước tiên, để thực hành lối sống đó, ta cần phải biết rõ bản chất của nó.
Giống như người bạn trẻ mà tôi quen biết kia, ước gì bạn ấy hiểu ra, chính hành vi suốt ngày cầm quyển sách, và luôn thích thao thao bất tuyệt về những gì có trong sách, đôi khi là sự lên mặt cười khinh những ai không (hoặc chưa) đọc qua cuốn sách, chính là một hành vi đi ngược lại với lối sống mà cậu ấy đang cố thực hành. Trước khi buông bỏ bất cứ một điều gì, cái cần thiết nhất của mỗi người, là phải biết tự buông bỏ cái tôi to tướng của mình, trở về với chính ngã, tĩnh lặng và thấu hiểu chân tâm mình, thì mới mong có cơ hội thực hành thành công!
Dù gì thì giữa lý thuyết và hành động luôn có một khoảng cách, và điều đáng sợ, là những ai đọc lý thuyết mà không hề hiểu rõ bản chất nội dung của nó, rồi đem thực hành. Giống như nhiều người thực hành lối sống buông bỏ, nhưng lại không biết rõ cái gì nên buông bỏ, cái gì không.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả