Đau lòng nhìn trẻ vùng cao hàng ngày đu dây lội suối đi học

Đau lòng nhìn trẻ vùng cao hàng ngày đu dây lội suối đi học

Thứ 6, 21/10/2016 22:00

Hàng ngày, các em đi học bằng mảng, men theo sợi dây không mấy chắc chắn để sang bờ bên kia. Nguy hiểm nhất là những ngày mưa, những đứa trẻ đối mặt nguy cơ bị dòng nước xiết cuốn trôi.

image

Đoàn tiền trạm cho chương trình Áo Ấm Vùng Cao mà CLB Hà Nội 14 Chữ chúng tôi tổ chức có mặt tại thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) trong cơn mưa dày nặng hạt, điểm đến của chúng tôi là xã An Lương, một trong những địa phương được xếp vào diện khó khăn nhất huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái.

Vượt qua gần 30 km từ điểm trường chính về thị xã đón đoàn chúng tôi, thầy Đỗ Việt Hùng là giáo viên phụ trách Đoàn đội của trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS An Lương cho biết thầy về đón đoàn cho yên tâm, vì đường vào trung tâm xã rất khó, còn khó thế nào đoàn đi sẽ hiểu chứ thầy nói khó, nói khổ thì lại không khách quan.

Dân sinh - Đau lòng nhìn trẻ vùng cao hàng ngày đu dây lội suối đi học

 Những ngôi nhà vắt vẻo bên sườn núi và số phận của những đứa trẻ vùng cao (Photo: Đinh Hải Ngọc)

Nhà tranh nứa lá, các điểm trường cách trung tâm xã 7 - 10 km đường rừng núi gập ghềnh cheo leo. Để đi tìm con chữ các học sinh vùng cao An Lương phải băng rừng, qua suối... Đó là những cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về sự khó khăn mà thầy và trò các trường mầm non, tiểu học, THCS An Lương đang phải đối mặt hiện nay.

Biết trước là khó, là khổ nhưng không như hình dung khi nghe thầy Việt Hùng chia sẻ, những khó khăn mà đoàn chúng tôi trải nghiệm có thể nói là “kinh hoàng” trong suy nghĩ. Đường mòn nhiều khúc cua góc nhỏ, một bên núi, một bên vực sâu, có cảm giác như chỉ sơ sẩy một chút là có thể lao mình xuống dưới.

Đoàn tiền trạm CLB vào xã đúng đợt những ngày mưa gió lạnh, đường như biến thành ruộng, lún sâu 20 - 30cm rất khó đi. Đến tận bây giờ, xe ô tô vẫn không thể vào được tận trung tâm xã, ngoài các loại xe tải gầm gao có thể vào để thông thương với bà con địa phương còn lại các loại xe khác đều… chịu.

Dân sinh - Đau lòng nhìn trẻ vùng cao hàng ngày đu dây lội suối đi học  (Hình 2).

 Đường mòn nhiều khúc cua góc nhỏ, một bên núi, một bên vực sâu rất nguy hiểm (Photo: Đinh Hải Ngọc)

Bắt đầu hành trình 8 km đi bộ và tăng bo bằng xe máy là những cảm xúc lẫn lộn. Vì chuyến đi tiền trạm tranh thủ dịp cuối tuần nên thầy trò đều về nhà nghỉ hết. Sau 2 km đi bộ thì đoàn cũng gặp được nhà dân bản để nhờ xe máy vào trung tâm xã. 

Trên suốt chặng đường đi anh Lý Seo Tun kể về câu chuyện thầy cô vất vả thế nào để vận động được anh cho con anh đi học cách đây mấy năm, những khó khăn, nguy hiểm của những đứa trẻ vùng cao nơi anh ở khi đến trường. Giờ đây, tuy khó khăn là vậy nhưng bọn trẻ ở đây đều không bỏ học, các em chăm chỉ học hành, cuối tuần được nghỉ mới về với gia đình.

Dân sinh - Đau lòng nhìn trẻ vùng cao hàng ngày đu dây lội suối đi học  (Hình 3).

 Sau ngày đi học là Sùng A Pao trông em và phụ giúp bố mẹ làm rẫy (Photo: Đinh Hải Ngọc)

Có đi mới hiểu, có nhìn lại mới thấy thương. chúng tôi cảm nhận được sự gần gũi và khát khao của thầy Việt Hùng và những người làm nghề giáo trên này trong việc làm điều gì đó có thể để giúp đỡ đến các trò của mình. Sự tận tụy đó chúng tôi gọi vui thầy là “người dẫn đường” trong chặng đường vượt qua con đường lầy lội để vào bản. 

Trong câu chuyện với nhau, thầy chia sẻ: “Tổng số lượng học sinh mầm non, tiểu học, THCS trong xã An Lương có 1.015 em, riêng trường thầy có 320 học sinh chủ yếu là người dân tộc Tày, Dao, Mông, trong đó có hai điểm trường cách xa trung tâm là Suối Giầm và Sài Lương. Riêng điểm trường Sài Lương chưa có phòng học, phải học nhờ trường mầm non. Để tiếp cận được con chữ, các thầy cô giáo và học sinh nơi đây phải vượt qua 7 - 10 km đường rừng vô cùng nguy hiểm”.

Dân sinh - Đau lòng nhìn trẻ vùng cao hàng ngày đu dây lội suối đi học  (Hình 4).

 Sự hồn nhiên bẽn lẽn của Lý Sán Dùy và các em khi được đoàn tiền trạm tặng quà (Photo: Đinh Hải Ngọc)

Mấy năm qua, thầy trò trường An Lương cùng hỗ trợ, động viên nhau vượt qua khó khăn. Nhìn các em đến trường với chỉ vài bộ quần áo, đông cũng như hè khiến người thầy ở bên không khỏi chạnh lòng.

Nhà trường phải thường xuyên đến từng thôn, bản vận động học sinh đi học và hỗ trợ bằng cách cho các em mượn sách. Tuy nhiên, phần lớn sách đều được cấp hoặc nhận từ các tổ chức thiện nguyện từ mấy năm trước nên đã cũ, hỏng.

Thiếu sách vở học. thầy cô phải vận động người dân mua sách cho con. Nhưng nhiều gia đình còn không lo nổi ăn, mặc, gửi con đến trường đã là nỗ lực lớn, lấy đâu ra tiền mua sách vở.

Dân sinh - Đau lòng nhìn trẻ vùng cao hàng ngày đu dây lội suối đi học  (Hình 5).

 Hàng trăm học sinh vùng cao An Lương sống ở bên kia suối vẫn ngày ngày 2 chuyến lênh đênh trên những chiếc bè tạm tự chế để đến trường. (Photo: Đinh Hải Ngọc)

Nhiều giáo viên thương học trò, tìm cách giúp đỡ nhưng chỉ như muối bỏ biển vì nhiều em có hoàn cảnh khó khăn quá.

Thầy Đinh Văn Lập, Hiệu trưởng trường THCS An Lương kể hàng tuần các em phải đi bộ khoảng 7 km - 10 km, thậm chí 15 km, vượt qua những đoạn đường đèo cheo leo, lầy lội. Vào mùa nước lên, con suối Ngòi Thia rộng tầm 100 m trở thành ác mộng của học sinh trường THCS An Lương.

“Ngày mưa gió, các em đi học bằng mảng, men theo sợi dây không mấy chắc chắn để sang bờ bên kia. Nói dại, những đứa trẻ đối mặt nguy cơ bị dòng nước xiết cuốn trôi nếu chẳng may dây đứt. Mùa mưa, học sinh vắng học nhiều, nhà trường cũng không dám vận động các em đến trường vì tính mạng phải được đặt lên hàng đầu”. Thầy Lập chia sẻ.

Học sinh bán trú đỡ vất vả hơn nhưng các em cũng phải sống trong căn nhà dựng tạm. Thầy cho biết thêm, trường được xây từ năm 2005, có 6 phòng học kiên cố nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu học tập và giảng dạy. Giáo viên phải dựng lớp học tạm, mượn bàn ghế từ ủy ban nhân dân xã và các hộ dân xung quanh.

Dân sinh - Đau lòng nhìn trẻ vùng cao hàng ngày đu dây lội suối đi học  (Hình 6).

 Nếu không may, dây kia bị đứt do sức nước quá căng, hoặc cái mảng bè be bé kia lâu ngày mục rồi toác ra giữa dòng nước lũ thì không biết điều gì sẽ xảy ra. (Photo: Đinh Hải Ngọc)

Hiểu những nỗi khó khăn, vất vả của các em trên con đường tìm chữ để biết rằng những đóng góp của các nhà hảo tâm không chỉ là sự giúp đỡ về chiếc áo, quyển vở mà còn là lời an ủi, động viên trẻ em vùng cao tiếp tục cố gắng, để các em không cảm thấy bị bỏ quên hay đơn độc trên hành trình tìm chữ.

Dân sinh - Đau lòng nhìn trẻ vùng cao hàng ngày đu dây lội suối đi học  (Hình 7).

 Học sinh bán trú đỡ vất vả hơn nhưng các em cũng phải sống trong căn nhà dựng tạm (Photo: Đinh Hải Ngọc)

Trong khoảng thời gian từ ngày 18/11 đến 20/11/2016 CLB Hà Nội 14 Chữ sẽ tổ chức chương trình trao tặng Áo Ấm Vùng Cao và dụng cụ học tập dành cho toàn bộ 1.600 học sinh vùng cao xã An Lương và xã Phúc Sơn (Văn Chấn, Yên Bái) để giúp các em vượt qua phần nào khó khăn và có thêm chiếc áo ấm chống chọi với cái lạnh giá của mùa đông khắc nghiệt vùng cao đang đến dần. Tổng kinh phí quà tặng khoảng 300 triệu đồng.

Mọi sự chung tay đóng góp cho các em học sinh vùng cao xin vui lòng gửi về Văn phòng CLB Hà Nội 14 Chữ - Tầng 3, Số 6 Lê Văn Thiêm, Thanh Xuân, Hà Nội.

Hoặc chuyển khoản về tài khoản CLB: Ngân hàng VietcomBank

Chủ tài khoản: Cù Xuân Hương

Mã số TK: 0011004283891 - Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Cầu Gỗ, Hoàn Kiếm

Nội dung chuyển khoản: ÁO ẤM VÙNG CAO

Tâm An

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.