Chúng tôi đến đây và được nghe những câu chuyện đẫm nước mắt về những phận người bé nhỏ bị bỏ rơi khi mới bước đi những bước đầu tiên đầy ngơ ngác trong cuộc đời .
Huỳnh Tiểu Hương và những đứa con tại trung tâm nhân đạo Quê Hương
Những cái tên "đặc biệt"
Trong số 326 đứa trẻ bị bỏ rơi đang được nuôi dưỡng và cưu mang tại Trung tâm nhân đạo Quê Hương, rất nhiều em có xuất thân vô cùng đặc biệt, trong những hoàn cảnh vô cùng đáng thương. Nhìn những đứa trẻ ngây thơ, non nớt, hồn nhiên chơi đùa với nhau ở đây, ít ai biết rằng chúng được tìm thấy trong những trường hợp rất ám ảnh.
Ông Phan Văn Bảy - Phó giám đốc Trung tâm - đã 7 năm gắn bó và chăm nom những đứa trẻ. ông không thể nhớ hết bao nhiêu trường hợp những em nhỏ đáng thương được đưa vào Trung tâm. ông kể nhiều đứa trẻ xuất thân từ bãi rác, thùng mì tôm, gốc cây, góc chợ...
Câu chuyện về xuất thân và cái tên Huỳnh Tiểu Hảo, Huỳnh Tiểu Phúc... làm chúng tôi hết sức xúc động. Bé Huỳnh Tiểu Phúc bị bỏ rơi ở bãi rác gần khu công nghiệp Sóng Thần. Những người quét rác tìm thấy em và đưa đến Trung tâm. Cơ thể bé nhỏ, non nớt nằm trong đống rác, đôi mắt bị kiến cắn nên sau này em phát triển chậm, đầu bị dẹp so với những trẻ khác.
Đứa trẻ được tìm thấy trong vỏ thùng mì rồi đưa về Trung tâm được đặt tên là Huỳnh Tiểu Hảo. Nói đến đây, ông kêu nó lại chào khách. Đôi mắt ngơ ngác của em như gieo vào lòng người đối diện nỗi xót xa. Những cái tên với những xuất thân đặc biệt đó là những câu chuyện đầy nước mắt về trẻ em bị bỏ rơi.
Ông Bảy giải thích với chúng tôi, tên của các em đều mang họ Huỳnh, theo họ của Huỳnh Tiểu Hương - Người sáng lập ra Trung tâm nhân đạo Quê Hương cưu mang các em. Những cái tên là nỗi niềm là hy vọng của người mẹ với tình yêu bao la khi các em bị chính cha mẹ ruột vứt bỏ.
Chính chị Huỳnh Tiểu Hương cũng không nhớ được bao nhiêu câu chuyện về những đứa trẻ bị bỏ rơi được chị đón nhận. Ngồi nói chuyện với chúng tôi, vây quanh chị là đàn con thơ bé, tíu tít, nũng nịu được chị vỗ về, yêu thương như chính con ruột của mình.
Chị Hương kể về đứa bé chị đã cưu mang 8 năm trước. Khi phát hiện ra đứa bé, người ta báo với chị nhưng thấy đứa trẻ thoi thóp họ đã khuyên chị đem nó đi chôn. Chỉ mình chị không đồng ý, nhất quyết giữ đứa trẻ lại vì chị nghĩ không thể buông xuôi nếu hy vọng vào sự sống vẫn còn. Dù phải mất gần 6 năm thường xuyên ở bệnh viện nhưng đứa trẻ đó bây giờ đã khỏe mạnh, phát triển bình thường.
Đứa bé đó được mẹ Huỳnh Tiểu Hương đặt tên Huỳnh Thiên Cơ. Người mẹ nói: "Tôi đặt tên cho bé là Huỳnh Thiên Cơ nghĩa là trời cho. Đúng là trời đã cho nó sống và được như ngày hôm nay". Trong mắt chị, ánh lên niềm vui giản dị khi khoe với chúng tôi: "Nó rất thông minh, học rất giỏi và nghe lời mẹ".
Khởi nguồn câu chuyện buồn
Câu chuyện về xuất thân và những cái tên của các em nhỏ mà ông Bảy chia sẻ với chúng tôi như xót xa thêm khi ông mở cuốn sổ hộ khẩu dài ghi tên những đứa trẻ bị bỏ rơi được nuôi dưỡng ở Trung tâm. ông nói đây là sổ hộ khẩu dài nhất nước và Trung tâm phải rất khó khăn mới làm được cuốn sổ hộ khẩu để các em có thể được đến trường sau này. Cuốn sổ dài thêm là thêm những đứa trẻ bị bỏ rơi và thêm nỗi buồn, nỗi xót xa về một thực trạng trong xã hội.
Ông Bảy chia sẻ: "Khu vực quanh Trung tâm nhân đạo Quê Hương và ở Bình Dương có nhiều khu công nghiệp, công nhân đến đây làm ăn sinh sống, nhiều công nhân có hoàn cảnh rất đáng thương. Nhiều cặp nam nữ sống cùng khu nhà trọ nảy sinh tình cảm rồi có con ngoài ý muốn nhiều công nhân không đủ khả năng nuôi con, một số sợ tai tiếng nên tìm cách che giấu, đem con bỏ ở vỉa hè, góc chợ, bãi rác...".
Ông cho rằng hoàn cảnh, điều kiện vật chất là một phần khiến nạn con rơi ở các khu công nghiệp ngày càng gia tăng. Nguyên nhân chính do suy nghĩ hời hợt của giới trẻ, của nhiều công nhân trong tình yêu và cuộc sống. Họ yêu một cách nhanh chóng để tình yêu đi quá xa và hậu quả, thiệt thòi phải gánh chịu chính là những đứa trẻ vô tội.
"Vào cuối năm, có nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi vì công nhân sinh con không dám đem về nhà. Nhiều trẻ khi được phát hiện ra ở trong tình trạng sức khỏe yếu, bệnh nguy kịch, một số được đưa đến Trung tâm khi cơ hội sống sót còn rất mong manh. Chúng tôi cố gắng hết sức cứu chữa trẻ kịp thời qua cơn nguy kịch nhưng cũng có đứa trẻ không may không qua khỏi" - ông Bảy nghẹn ngào cho biết.
Ông Bảy kể về trường hợp của em nhỏ bị sa ruột Huỳnh Tiểu Châu. Em được tìm thấy ở một gốc cây ở quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) và đưa vào Trung tâm. Em bị bệnh sa ruột hết sức đáng thương. Phần ruột lẽ ra phải ở bụng lại bị sa xuống dưới chân. Khi chúng tôi gặp em, đôi mắt thơ dại chưa cảm nhận được nỗi đau của bệnh tật ngơ ngác nhìn xung quanh.
"Hiện giờ, nhờ kêu gọi có các cơ quan từ thiện giúp đỡ nhưng vẫn chưa tiến hành mổ cho cháu được vì sức khỏe cháu còn yếu" - ông Bảy cho biết. Đối với ông, mỗi sự sống đều quý giá, mỗi đứa trẻ đều có quyền sống trên đời này. Hàng ngày, ông chạy xe hàng chục cây số đến chăm nom cho những đứa trẻ ở trung tâm.
Cả ông Bảy và chị Huỳnh Tiểu Hương đều xót xa khi thấy tình trạng ngày càng nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi. Chị Huỳnh Tiểu Hương chia sẻ, vật chất với không phải là điều quyết định trong cuộc đời các em, các em cần nhất là tình yêu thương, chăm sóc của người mẹ, người cha trong một mái ấm gia đình. Mong muốn của chị là sẽ không còn tình trạng những đứa trẻ bị bỏ rơi trong xã hội này.
Bùi Diện