Người phụ nữ 70 tuổi (trú tại Hà Nội) phải cấp cứu tại Bệnh viện E (Hà Nội) trong tình trạng đau lưỡi lâu ngày, tự uống thuốc không đỡ.
Bác sĩ phát hiện trong khoang miệng của người phụ nữ này có khối u kích thước khoảng 6cm, cứng, nhiều thùy múi, thâm nhiễm xung quanh, lan tỏa lưng lưỡi, cuống lưỡi và sàn miệng trái. Trên bề mặt khối u sùi loét, lồi lõm không đều, nhiều giả mạc, lưỡi bị hạn chế vận động, di căn hạch dưới hàm trái…
Thông qua khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán nữ bệnh nhân mắc ung thư bờ lưỡi.
Theo người nhà, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp kèm theo chứng bệnh lẫn của tuổi già. Khi bà cụ than đau miệng, gia đình cho rằng bà bị đau răng và đưa đi khám nha khoa gần nhà.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung, Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện E, cho biết ung thư lưỡi là một trong những loại ung thư miệng phổ biến nhất, gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.
Hiện nay, y học chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân ung thư lưỡi. Các yếu tố tăng nguy cơ như thói quen uống rượu và hút thuốc lá kéo dài, vệ sinh răng miệng kém, ăn uống chưa hợp lý, quan hệ tình dục không an toàn (bằng miệng), do gene.
Các triệu chứng ban đầu của ung thư lưỡi không rõ ràng, mờ nhạt, thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý răng miệng thông thường khác. Do vậy, người mắc chủ yếu phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, gây khó khăn cho các bác sĩ trong việc điều trị.
Với trường hợp trên, bác sĩ phẫu thuật đã tiến hành cắt rộng khối ung thư sàn miệng và 1/2 lưỡi kèm theo nạo vét hạch cổ giúp ngăn chặn khối u xâm lấn sang các vùng khác. Sau đó, bác sĩ tiếp tục tạo hình lưỡi, sàn miệng.
Theo thống kê của Bệnh Viện Ung bướu TPHCM, hằng năm, nơi đây tiếp nhận khoảng 150-200 trường hợp ung thư lưỡi mới phát hiện.
Ung thư lưỡi là loại ung thư thường gặp nhất tại vùng hốc miệng. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi 61-70, tỷ lệ nam/nữ mắc phải là 1,7/1. Đáng chú ý, đa số bệnh nhân nhập viện trễ, với hơn 61% đã ở giai đoạn 3-4.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Khôi, Trưởng khoa Ngoại đầu cổ - Hàm mặt, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Phó trưởng bộ môn Ung Bướu, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ, những năm gần đây, Khoa tiếp nhận ngày càng nhiều bệnh nhân tuổi đời còn khá trẻ đã mắc ung thư lưỡi.
Bác sĩ Khôi phân tích, bệnh nhân trẻ tuổi thường chủ quan sức khỏe tốt và không nghĩ mình bị ung thư nên ít đi khám bệnh, nên đến khi vào viện đã ở giai đoạn muộn.
Một thực trạng khác là việc cơ sở y tế tuyến dưới ít có kinh nghiệm chẩn đoán ung thư lưỡi, dễ bị nhầm lẫn sang viêm loét lưỡi thông thường và điều trị sai cách, khiến việc can thiệp sau đó tại tuyến trên gặp nhiều khó khăn.
Bác sĩ khuyến cáo dấu hiệu sớm của ung thư lưỡi thường khá mờ nhạt và dễ bị bỏ qua. Vì vậy, người dân gặp bất cứ triệu chứng bất thường nào ở: lưỡi, má, vùng khoang miệng khác… cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Duy Huy (Tổng hợp)