Chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào những ngày giữa tháng 11 là hai sự kiện quan trọng và đặc biệt nhất trong lịch sử quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hoa Kỳ.
Chuyến thăm chính thức của hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ đến Hà Nội đều có những dấu mốc riêng, thể hiện sự coi trọng rất lớn của Bắc Kinh và Washington đối với mối quan hệ với Việt Nam.
Sự có mặt ở Việt Nam cùng một thời điểm của nguyên thủ hai cường quốc hàng đầu thế giới đã trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông quốc tế, bên cạnh thành công của hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng.
Đã có nhiều tờ báo và hãng thông tấn nước ngoài đưa tin sâu sát về sự kiện chưa từng có này, đồng thời bình luận về triển vọng quan hệ Việt Nam với Trung Quốc và Mỹ.
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã (Trung Quốc) đánh giá, Trung Quốc và Việt Nam có một lịch sử lâu dài của tình hữu nghị và tiềm năng hợp tác sâu rộng. Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao 67 năm trước đây, quan hệ hữu nghị truyền thống Trung Quốc-Việt Nam đã không ngừng củng cố và phát huy.
Trong bài bình luận đăng tải ngay giữa chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, tờ Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) coi Việt Nam là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, qua đó kêu gọi hai nước cần phải tăng cường hợp tác và thúc đẩy triển vọng mới để kết nối thêm lợi ích.
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng cho biết: "Khi hai nước đã bước vào giai đoạn phát triển quan trọng của mình, lãnh đạo hai bên sẽ thiết lập một định hướng rõ ràng cho sự hợp tác thiết thực trong tương lai”.
Nhân dân Nhật báo ghi nhận, chuyến đi của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam đánh dấu một mức độ chưa từng có từ trước đến nay về sự gặp gỡ trao đổi giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu của hai nước, tiếp nối các chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc vào tháng Giêng và chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào tháng Năm.
Zhang Mingliang, nhà nghiên cứu tại trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc đại học Tế Nam (Trung Quốc) nói rằng, cả Trung Quốc và Việt Nam đều chú trọng đến quan hệ song phương và sẵn sàng để củng cố điều này thông qua trao đổi cấp cao: “Tăng cường tin cậy lẫn nhau giữa các lãnh đạo và tăng cường giao tiếp giữa nhân dân hai nước sẽ giúp tăng cường sự tin cậy chính trị”.
Ông cho hay: “Thông qua ý tưởng đôi bên cùng có lợi, Trung Quốc và Việt Nam có thể tìm thấy các giải pháp tối ưu để đi qua những khúc mắc, hướng tới hợp tác toàn diện hơn”.
Theo chuyên gia Ruan Zongze, Phó Chủ tịch viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, Trung Quốc và Việt Nam đã có những động thái tiên phong để giải quyết sự khác biệt của cả hai.
"Quan hệ Trung Quốc-Việt Nam là vô cùng đặc biệt và có một lịch sử lâu dài", ông Ruan lưu ý rằng trao đổi cấp cao đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng và vun đắp quan hệ song phương, được thúc đẩy bởi "hai động cơ": Quan hệ giữa hai Đảng có chung hệ tư tưởng và quan hệ giữa hai Nhà nước.
Còn với chuyến thăm chính thức Việt Nam ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, các nhà quan sát cho biết điều này đã tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
“Chuyến đi của Tổng thống Trump tới Hà Nội là một tín hiệu cho thấy Washington rất coi trọng quan hệ song phương với Việt Nam”, Zack Cooper, chuyên gia về an ninh châu Á tại trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết. “Đó là khi lợi ích Việt-Mỹ đang thu được những thành tựu đáng kể trong khu vực”.
Giống như chuyến thăm của cựu Tổng thống Barack Obama vào năm 2016, nhiều người Việt Nam háo hức chào đón Tổng thống Donald Trump đến tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á -Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng và có cuộc gặp với các lãnh đạo Việt Nam tại Hà Nội, tạp chí Politico nhận xét.
Chuyến thăm Nhà Trắng hồi tháng Năm vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên gặp mặt tân Tổng thống Mỹ đã cho thấy “nỗ lực nhằm củng cố và phát triển mối quan hệ Mỹ-Việt không bao giờ dừng lại”, tạp chí Politico khẳng định.