Khi bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ vào năm 1995, quan hệ quân sự song phương cũng được thiết lập ngay thời điểm đó. Tuy nhiên, khác với sự tăng trưởng nhanh chóng trong quan hệ ngoại giao và kinh tế, quan hệ quân sự phát triển tương đối chậm với sự thận trọng của cả đôi bên.
Đại tá Walter Lohman, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á có trụ sở tại Washington, Mỹ đã chia mối quan hệ quân sự Việt - Mỹ chia thành 3 giai đoạn. Qua mỗi giai đoạn quan hệ quân sự đôi bên lại có những tiến bộ đáng kể theo chiều hướng ngày càng tốt đẹp hơn.
Giai đoạn 1: Bước tiếp cận đầu tiên
Khi 2 nước tiến hành các hoạt động bình thường hóa quan hệ quan hệ ngoại giao vào năm 1995, mối quan hệ quân sự Việt - Mỹ cũng được bình thường hóa theo. Mối quan hệ quân sự Việt - Mỹ giai đoạn này tập trung chủ yếu vào giải quyết vấn đề tù nhân và tìm kiếm người Mỹ mất tích POW/MIA trong chiến tranh tại Việt Nam.
Đại tướng Phạm Văn Trà tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, William Cohen năm 2000. Ảnh: BBC
Ngoài các vấn đề về POW/MIA, mối quan hệ quân sự giữa đôi bên còn có các dự án hợp tác về quân y, trợ giúp nhân đạo trong việc rà phá bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại trong chiến tranh Việt Nam. Các chương trình hợp tác về nhân đạo phần lớn do các tổ chức phi Chính phủ của Mỹ thực hiện.
Mặc dù còn có những hạn chế nhưng những cuộc tiếp xúc song phương giữa đôi bên đã cho thấy những tính hiệu tích cực. Cột mốc quan trọng trong quan hệ quân sự Việt - Mỹ là chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen đến Việt Nam vào năm 2000.
Giai đoạn 2: Tìm hiểu trong thận trọng
Từ năm 2000-2004, cả Việt Nam và Mỹ đã bắt đầu các nỗ lực khiêm tốn để mở rộng mối quan hệ quân sự giữa đôi bên. Sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen đến Việt Nam vào năm 2000 và chuyến thăm đáp lễ sau đó của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Đại tướng Phạm Văn Trà, quan hệ quân sự đôi bên đã có những chuyển biến tích cực.
Theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng đôi bên, các phái đoàn quân sự 2 nước đã tham gia vào một chuỗi dài các cuộc thảo luận kỹ thuật với các đại diện của hạm đội Thái Bình Dương, cho phép tàu chiến Mỹ lần đầu ghé thăm Việt Nam vào năm 2003.
Năm 2002, Văn phòng chính sách Bộ Quốc phòng Mỹ đã bắt đầu triển khai các giải pháp để mở rộng sự tương tác quốc phòng của Mỹ với Việt Nam. Lầu Năm Góc tin rằng các hoạt động mới dễ dàng tích hợp vào các kế hoạch sẳn có của họ trong mối quan tâm chung đối với sự thịnh vượng của khu vực Đông Nam Á.
Phía Mỹ đã đề xuất giải pháp tăng cường hợp tác trong tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ thiên tai giữa Hải quân Mỹ và quân đội các nước ASEAN đã gây được tiếng vang lớn trong diễn đàn khu vực ASEAN ARF. Điều đó tạo thêm nhiều cơ hội hợp tác giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Hải quân Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương.
Mặc dù còn có những thận trọng nhất định từ cả 2 phía nhưng mối quan hệ quân sư Việt - Mỹ giai đoạn này đã ghi nhận những chuyển biến rất tích cực, tạo tiền đề cho một giai đoạn hợp tác mới cởi mở hơn.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Lầu Năm Góc - trụ sở Bộ - Ảnh: TTXVN
Giai đoạn 3: Chớm nở hợp tác chiến lược
Giai đoạn 2005-2012, mối quan hệ quân sự Việt - Mỹ đã có bước phát triển vượt bậc, hai bên đã bắt đầu hình thành những nhận thức mang ý nghĩa chiến lược chạm vào những vấn đề cốt lõi trong chiến lược quốc phòng của đôi bên.
Năm 2005, Việt Nam đã ký thỏa thuận Giáo dục và đào tạo quân sự quốc tế IMET cũng như bán hàng quân sự phi sát thương cho Việt Nam với Mỹ.
Một năm sau đó, Mỹ đã sửa đổi Quy định mậu dịch vũ khí quốc tế ITAR cho phép bán hạn chế một số vũ khí phi sát thương cho Việt Nam.
Các hoạt động phối hợp rà phá bom mìn, tìm kiếm cứu nạn giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Hải quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương được thực hiện thường xuyên hơn ở cấp độ chuyên gia. Các tàu chiến của Hải quân Mỹ ghé thăm Việt Nam cũng thường xuyên hơn.
Tháng 6/2008, mối quan hệ quân sự đôi bên ghi nhận một cột mốc mới khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Washington, ông đã hội đàm cùng với Tổng thống George W. Bush và có một chuyến thăm riêng biệt đến Lầu Năm Góc và hội đàm cùng Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đón tiếp người đồng cấp Hoa Kỳ Leon Panetta tại trụ sở Bộ Quốc phòng ngày 4/6/2012.
Giai đoạn này ghi nhận nhiều sự hợp tác cũng như các cuộc gặp quan trọng giữa đôi bên.
- Tháng 4/2011, Giám đốc Đại học Quốc phòng Mỹ đô đốc Ann Rondeau đã có chuyến thăm đến Học viện Quốc phòng Việt Nam. Ông đã đến thăm xã giao Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, hội đàm cùng với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh về mở rộng quan hệ trong đào tạo sĩ quan quân sự giữa đôi bên.
- Tháng 6/2011, Đối thoại an ninh - quốc phòng Việt - Mỹ đã diễn ra tại Washington, tham dự đối thoại có Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề chính trị-quân sự Andrew J. Shapiro và Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (nay là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao). Hai bên đã thảo luận các vấn đề về chống khủng bố, buôn bán ma túy, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ nhân đạo cứu trợ thiên tai và các vấn đề quốc phòng khác. Hai bên đã cam kết sẽ làm việc cùng nhau để hướng tới việc xây dựng quan hệ “đối tác chiến lược” giữa 2 nước.
- Giữa năm 201, Đại tá Hà Thành Chung Vụ trưởng tại Học viện Kỹ thuật quân sự Việt Nam đã trở thành sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam đầu tiên tham dự khóa đào tạo tại Cao đẳng chiến tranh Mỹ khóa học 2011-2012.
- Tháng 8/2011, phái đoàn bác sĩ phẫu thuật chung Hải quân Mỹ do Phó đô đốc Adam M. Robinson cùng với Cục trưởng Cục quân y, thuộc Tổng Cục Hậu cần Thiếu tướng Vũ Quốc Bình đã ký thỏa thuận hợp tác quân y SOI tại Hà Nội.
Trong năm 2011, chính quyền Tổng thống Obama cũng đã yêu cầu Quốc hội Mỹ phê duyệt khoản ngân sách trị giá 1,1 triệu USD tài trợ quân sự cho Việt Nam trong năm tài chính 2011.
Tháng 6/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Vừa đến Việt Nam vào ngày 3/6/2012 và trước khi có các cuộc hội đàm với các quan chức Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã đi thăm cảng Cam Ranh, trong bối cảnh hai nước đang tìm kiếm tăng cường hợp tác. Đây là lần đầu tiên, kể từ khi chiến tranh ở Việt Nam kết thúc vào năm 1975, một bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới cảng Cam Ranh. Chuyến thăm này được xem là một động thái mang tính biểu tượng rất cao, cho thấy rõ quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước đang được cải thiện.
Minh Tâm