Đầu năm, nhộn nhịp thị trường vật phóng sinh

Đầu năm, nhộn nhịp thị trường vật phóng sinh

Thứ 5, 21/02/2013 08:48

Phóng sinh là một hoạt động hướng thiện đầy ý nghĩa, thường được tổ chức vào các ngày rằm hoặc mùng 1 hàng tháng. Tuy nhiên, việc phóng sinh đầu năm lại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, mọi người quan niệm, phóng sinh đầu năm có thể giải bớt nghiệp chướng và cầu bình an, may mắn trong năm mới.

Giá vật phóng sinh tăng phi mã

Trong vai một khách hàng có nhu cầu muốn mua một lượng chim phóng sinh lớn cho nhà chùa, chúng tôi có dịp đi khảo giá mặt hàng chim phóng sinh ở một số con phố chuyên bán những mặt hàng này. Ghé vào cửa hàng 346 đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội), chúng tôi hỏi giá thì chủ cửa hàng cho hay: "Hiện nay, chim phóng sinh chủ yếu là chim ri loại nhỏ, còn chim bồ câu và các loại chim khác do giá cả đắt hơn nên người mua ít lựa chọn. Trong khi đó, chim ri tuy nhỏ nhưng rất khỏe, dễ hòa nhập với đời sống tự nhiên hơn khi được thả ra nên được nhiều người chọn mua. Giá mỗi con là 20.000 đồng. Nếu mua số lượng lớn thì cửa hàng có thể bớt chút ít".

Khi chúng tôi thắc mắc về giá cả, vị chủ cửa hàng bĩu môi nói: "Đã đi mua chim phóng sinh mà mặc cả thì còn gì ý nghĩa của việc phóng sinh nữa. Những người đến đây mua chim phóng sinh là làm việc thiện chúng tôi cũng không nỡ bán đắt nên ít khi có chuyện mặc cả. Nếu chê đắt, anh cứ đến chợ Bưởi mà khảo giá, chỗ chúng tôi là giá rẻ nhất rồi". Chẳng biết lời quảng cáo của vị chủ hàng như thế nào, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, vào những ngày thường, giá mỗi con chim ri ở trong cửa hàng chỉ có giá khoảng 10.000 - 12.000 đồng/con và giá đổ buôn là 7.000 đồng/con.

Chủ cửa hàng này còn bật mí với chúng tôi rằng, chim phóng sinh ở cửa hàng anh ta là chim khỏe, chứ không như một số người khác, mang chim vào bán cho khách đi lễ chùa toàn là chim được cho uống thuốc nên không thể bay xa. Thả được một lúc là lại bị bắt đem về. "Làm như thế tuy có thể kiếm lợi gấp đôi nhưng thấy nhẫn tâm quá", anh này cho biết thêm.  Chúng tôi rời quán bằng một lời hứa sẽ quay trở lại sau khi đã khảo giá kĩ lưỡng.

Xã hội - Đầu năm, nhộn nhịp thị trường vật phóng sinh

Phóng sinh vốn là hành động tích thiện nhưng đang dần bị biến tướng (nguồn: Internet)

Tiếp tục công việc, chúng tôi dừng tại một cửa hàng treo biển bán chim phóng sinh trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) để hỏi giá. Cô chủ hàng hét mỗi con chim giá 25.000 đồng. Lí do cho việc tăng giá: "Từ đây đến rằm tháng Giêng không còn mấy ngày nữa, trong khi trời cứ mưa như thế này nên lượng chim nhập về không được nhiều. Nếu qua rằm tháng Giêng thì giá cả lại trở về như ngày thường vì không còn nhiều người mua nữa". Theo người chủ cửa hàng ở đây, so với các loại chim phóng sinh (như chim én, chim sắc…) thì chim ri có giá rẻ nhất và năm nay số lượng chim nhập về không phong phú bằng mọi năm.

Bên cạnh mặt hàng chim phóng sinh, cá cũng được nguời dân ưa chuộng trong những buổi lễ phóng sinh. Thông thường, cá nào cũng có thể dùng để phóng sinh được. Tuy nhiên, theo lời một chủ cửa hàng bán cá ở chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa, Hà Nội) thì: "Những hộ gia đình thường lựa chọn cá chép để phóng sinh, chứ ít dùng các loại cá khác. Tùy điều kiện kinh tế gia đình mà mỗi người sẽ lựa chọn cho mình kích cỡ và số lượng cá khác nhau. Người có điều kiện thì mua loại 50.000 đồng/đôi, người bình dân thì mua loại nhỏ hơn".

Tại các cửa hàng này, giá một đôi cá chép cảnh nhỏ bằng đầu ngón tay là 15.000 đồng. Trong khi loại nhỏ hơn nữa (trông giống như những con tép) thì giá khoảng 3.000 đồng/con. Tuy nhiên, giá các loại cá phóng sinh không biến động nhiều, vì mặt hàng này sẵn có và phong phú về chủng loại, giá cả. Người dân có thể mua ở ngoài chợ nếu không muốn đến các cửa hàng chuyên cá cảnh, trong khi chất lượng cá vẫn có thể đảm bảo. Chị Nguyễn Thị Hằng (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Mọi năm, tôi hay vào các cửa hàng cá cảnh để mua cho đảm bảo chất lượng, nhưng năm nay thấy các cửa hàng ở chợ, cá khỏe và bơi rất nhanh nên tôi mua luôn ở đây. Giá lại rẻ hơn khá nhiều so với các cửa hàng khác".

Đắt nhưng vẫn mua

Lợi dụng tâm lí đầu năm thả vật phóng sinh cầu may của người dân, các chủ cửa hàng thừa cơ tăng giá, nhất là những chủ hàng bán chim phóng sinh. Bác Lê Thị Phụng (đường Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Gia đình tôi có truyền thống thả chim phóng sinh nên mọi năm chúng tôi mua rồi mang lên chùa thả. Chim tượng trưng cho sự bình an và vươn xa nên ai trong gia đình cũng hi vọng trong năm mới công việc thuận lợi, may mắn. Theo thông lệ, cứ vào dịp đầu năm là giá cả lại bị đẩy lên cao, nên tôi cũng quen rồi. Chỉ có điều, mặt bằng giá năm nay so với năm ngoái chênh lệch lớn quá khiến cho gia đình mua nhiều như chúng tôi cũng phải suy nghĩ. Mọi năm, gia đình tôi thường mua 15 đôi chim én nhưng năm nay chắc chỉ mua bằng nửa năm ngoái mà thôi".

Phóng sinh theo tinh thần Phật giáo nhằm mục đích nuôi dưỡng tâm từ bi đối với mọi loài chúng sinh. Nếu vừa giữ giới không sát sinh, ngăn ngừa việc ác, lại vừa phóng sinh, làm thêm việc thiện thì phước đức và công đức gấp bội. Chúng ta gặp các con vật đang bị bắt nhốt trong chậu, trong lồng, chờ đem đi làm thịt, chúng ta bỏ tiền ra mua, rồi thả ra liền, càng sớm càng tốt, để cứu mạng sống của chúng trong nhất thời. Đó là ý nghĩa cao đẹp của tục lệ này. Những chủ hàng cũng lợi dụng tâm lí đó mà thoải mái "hét" giá, những người mua vật phóng sinh cũng ít khi mặc cả, nhất là tâm lí đầu năm làm việc thiện. Bởi thế, những chủ buôn chim mới có cơ hội đẩy giá lên cao ngất ngưởng.

Anh Bùi Kim Tùng (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Gia đình tôi làm nghề buôn bán nên cả năm bận rộn. Những ngày đầu xuân rảnh rỗi, chúng tôi mua chim rồi lên chùa Bồ Đề (Hà Nội) để phóng sinh. Giá cả tuy có tăng hơn nhưng mỗi năm mới thực hiện được một lần nên dù có đắt hơn ngày thường bao nhiêu chăng nữa thì  tôi vẫn mua khoảng chục đôi chim. Bảo giá cả đắt nhưng mình làm phước đầu năm nên cũng không có gì phải lăn tăn lắm!".

Trong khi, nhiều người coi phóng sinh là một hành động nuôi dưỡng từ tâm và ước vọng cầu an cho một năm mới thì có người lại không đồng tình với quan điểm này. Họ cho rằng, ý nghĩa ban đầu vốn rất tốt đẹp nhưng trong thời đại ngày nay, nó bị biến tướng và không còn đúng với giá trị ban đầu nữa. Chị Phạm Lan Anh (sinh viên năm cuối, trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội) cho biết: "Hiện nay, nhiều người đua nhau mua vật phóng sinh để tích đức, cầu an, nhưng vì nhu cầu ngày càng cao nên số người lùng bắt động vật ngày càng nhiều. Hơn nữa, có những chủ buôn nhẫn tâm cắt lông cho chim khỏi bay để có thể bắt lại, dùng kích điện săn những con cá vừa thả phóng sinh để bắt lại và bán cho người khác. Cứ như vậy, không phải mình đang phóng sinh mà là sát sinh. Chính bởi thực tế đó nên tôi không tham gia vào việc phóng sinh. Tất cả những điều chúng ta cho rằng đang tích thiện, thực chất là làm giàu cho những chủ buôn động vật phóng sinh và cổ cũ những hành động nhẫn tâm hơn đối với động vật mà thôi". 

Chân lý nhiệm màu trong việc phóng sinh chân chính

Đại sư Ngẫu Ích (liên tông cửu tổ đời Thanh) dạy rằng: "Giết hại sinh mạng tức là giết mất các đức Phật tương lai trong tự tâm mình. Phóng sinh tức là cứu sống các đức Phật tương lai trong tự tâm mình. Nếu cứu sống các đức Phật tương lai trong tự tâm tức là phép tam-muội niệm Phật chân thật. Trong khi thực hiện việc phóng sinh, chúng ta nhân đó có thể thấu hiểu được chân lý vạn vật đều bình đẳng, đều có cảm giác, đều có tánh Phật, đều có thể thành Phật".

Phạm Thiệu

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.