Đậu phụ được làm từ đậu tương, chứa nhiều dưỡng chất và nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể như: canxi, sắt, magie,... Hơn nữa, đậu phụ giàu protein, ít calo, không chứa cholesterol, là nguồn đạm thực vật tuyệt vời thay thế đạm động vật.
Theo y học phương Tây, đậu phụ đem lại nhiều lợi ích cho những người mắc các bệnh về tim mạch, phòng chống được các tế bào gây ung thư, phòng ngừa và điều trị bệnh béo phì, điều trị bệnh tiểu đường (loại 2), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), bệnh thoái hóa thần kinh,… Tuy vậy, không phải ai cũng biết tác hại của việc ăn quá nhiều đậu phụ. Đặc biệt, những nhóm người dưới đây hãy hạn chế thậm chí không nên ăn loại thực phẩm này.
Người thiếu i-ốt
Saponin trong đậu phụ có tác dụng trong việc điều trị, phòng chống xơ vữa động mạch. Tuy nhiên, có một vấn đề là saponin sẽ dẫn đến bài tiết i-ốt trong cơ thể. Do đó người bị thiếu i-ốt tiêu thụ thường xuyên các chế phẩm từ đậu và đậu phụ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu i-ốt và các triệu chứng khác.
Những người mắc bệnh gout
Bệnh nhân gout thường được khuyên là không nên ăn thực phẩm nhiều đạm. Trong khi đó, đậu phụ rất giàu đạm thực vật, chứa nhiều purine (hợp chất có trong các loại thịt đỏ, hải sản và đồ uống có cồn). Nếu không biết mà sử dụng, hàm lượng axit uric trong máu tăng cao sẽ khiến các triệu chứng sưng đau ngày càng trầm trọng hơn. Vì vậy, nếu bị gout thì không nên ăn đậu phụ.
Người mắc bệnh về thận
Một nghiên cứu trên tạp chí Journal of Agriculture and Food Chemistry (Mỹ) đã chỉ ra, sau khi oxalat từ đậu phụ được hấp thụ vào cơ thể, nó được bài tiết vào nước tiểu nhưng không thể chuyển hóa. Lúc này nó sẽ kết hợp với canxi tạo thành dạng muối không hòa tan của canxi oxalat, kết tủa tạo thành sỏi thận. Vì vậy người bị sỏi thận ăn đậu phụ thì “hại càng thêm hại”. Ngoài ra, khi ăn đậu phụ, protein thực vật sẽ được chuyển hóa thành hợp chất chứa ni-tơ và bài tiết qua thận. Do đó những người thận yếu, người cao tuổi, người mắc bệnh thận nên tránh xa đậu phụ nếu không muốn thận bị "quá tải".
Người thiếu máu
Protein thực vật có trong đậu phụ gây ảnh hưởng đến quá trình hấp thu sắt của cơ thể. Vì lý do này, những người bị thiếu máu tốt nhất là không nên ăn đậu phụ, tránh để tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Người mắc các bệnh về tiêu hóa
Theo Đông y, đậu phụ có tính hàn nên những người có bệnh liên quan đến đau bụng đi ngoài do lạnh tốt nhất không nên ăn đậu phụ để tránh làm tăng khí lạnh trong dạ dày, dẫn đến tiêu chảy, nôn hoặc tình trạng tiêu chảy trở nên nặng hơn. Nếu đang mắc các bệnh về tiêu hóa, ăn đậu phụ còn gây ra đầy hơi, khó tiêu và chướng bụng.
Người mắc các bệnh về huyết áp
Người bị cao huyết áp ăn nhiều đậu phụ sẽ làm trầm trọng tình trạng bệnh của mình, thậm chí có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Isoflavone và methionine trong đậu phụ sau khi bị enzym biến đổi sẽ khiến các tiểu cầu bị vón cục. Tiểu cầu vón cục đồng nghĩa với nguy cơ hình thành các cục máu đông vô cùng nguy hiểm.
Nam giới không nên ăn quá nhiều đậu phụ
Đối với cánh mày râu, các nội tiết tố nam và các hormone đặc biệt là testosterone quyết định đến sức mạnh và sự quyến rũ của phái mạnh. Sự thay đổi bất thường về nội tiết tố nam hoặc hoạt động không bình thường của các tuyến sinh dục dẫn đến thay đổi hormone nam giới có thể dẫn đến các vấn đề sinh lý sinh sản ở nam giới.
Đàn ông ăn quá nhiều đậu nành và các sản phẩm của nó sẽ dẫn đến suy giảm khả năng sinh sản, có thể dẫn đến vô sinh. Nguyên nhân là do trong đậu nành có chứa chất Isoflavone Phytoestrogen, chất ức chế sự sản sinh testosterone.
Không ăn đậu phụ khi đang dùng thuốc tetracycline
Thuốc tetracycline có chứa các thành phần có sự phản ứng với lượng canxi và magiê dồi dào trong đậu phụ. Vì vậy, bạn không nên ăn đậu phụ trong khi uống thuốc tetracycline để tránh làm giảm tác dụng của thuốc.
Người bị suy tuyến giáp
Nếu mắc phải chứng suy tuyến giáp thì hãy nói không với các sản phẩm từ đậu nành, trong đó có đậu phụ. Bởi hàm lượng isoflavone rất tốt để ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú lại là tác nhân ngăn chăn các loại enzyme sản xuất hoóc-môn tuyến giáp, khiến tình trạng bệnh ngày càng trở nên nặng nề.
Minh Hoa (t/h)