Dầu đã kéo dài đợt tăng giá vào hôm 31/5, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đạt được thống nhất về lệnh cấm một phần và theo từng giai đoạn đối với dầu của Nga, Trung Quốc dần nới lỏng một số hạn chế dịch bệnh.
Giá dầu thô Brent giao tháng 7 tăng 2,11 USD tương đương 1,7%, lên 123,78 USD/thùng vào lúc 11:03 GMT (18:03 Hà Nội, Việt Nam). Trước đó, giá đã tăng lên 124,10 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 9/3.
Giá hợp đồng giao tháng 8 tăng 1,57 USD lên 119,17 USD/thùng. Phí bảo hiểm của hợp đồng Brent giao tháng 8 trong khoảng thời gian chênh lệch 6 tháng đã đạt cao nhất trong vòng 9 tuần ở mức gần 15 USD/thùng, điều này cho thấy nguồn cung hiện đang bị thắt chặt.
Giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ được giao dịch ở mức 118,53 USD/thùng, tăng 3,46 USD trong phiên tăng thứ tư liên tiếp.
Các nhà lãnh đạo EU mới đây đã nhất trí cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay. Đây là biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất của liên minh đối với Moscow kể từ khi cuộc xung đột Ukraine bùng nổ hồi tháng 2.
Sau khi được thông qua hoàn toàn, các biện pháp trừng phạt của khối sẽ giảm dần nhập khẩu dầu thô từ Nga trong vòng hơn 6 tháng và các sản phẩm tinh chế trong vòng 8 tháng.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel viết trên Twitter hôm 30/5, sau ngày đầu tiên diễn ra hội nghị thượng đỉnh của Ủy ban châu Âu (EC) kéo dài 2 ngày tại Brussels (thủ đô Bỉ): "Thỏa thuận cấm nhập khẩu dầu của Nga vào EU sẽ có hiệu lực ngay lập tức đối với hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga, cắt đứt nguồn tài chính khổng lồ cho cỗ máy chiến tranh của nước này".
2/3 lượng dầu Nga nhập khẩu vào EU được vận chuyển bằng tàu chở dầu và 1/3 bằng đường ống Druzhba. Lệnh cấm vận sẽ lên tới 90% sau khi Ba Lan và Đức, những quốc gia giao dịch qua đường ống, ngừng nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay.
10% còn lại sẽ tạm thời được miễn khỏi các lệnh trừng phạt để Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc tiếp tục duy trì nguồn nhiên liệu mà họ không thể thay thế dễ dàng.
Chuyên gia Tamas Varga của công ty môi giới dầu PVM nhận định: “Do 2/3 lượng dầu thô xuất khẩu của Nga được vận chuyển bằng đường biển nên EU sẽ cần thay thế khoảng 1,5 triệu thùng/ngày (bpd). Con số này có thể lên tới gần 2,1-2,2 triệu thùng/ngày bởi cả Ba Lan và Đức đều đang có kế hoạch loại bỏ dần việc mua hàng qua đường ống vào cuối năm nay.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC +) dự báo sẽ tăng sản lượng ở mức khiêm tốn trong tháng 7 là 432.000 thùng/ngày.
Đà tăng giá dầu được thúc đẩy thêm trong bối cảnh trung tâm tài chính Thượng Hải (Trung Quốc) tuyên bố dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa đại dịch. Người dân tại thành phố lớn nhất Trung Quốc này sẽ được cho phép rời khỏi nhà và di chuyển bằng ô tô từ ngày 1/6.
Phạm Hà Thanh (theo Reuters, Aljazeera)