Nhiều thủ đoạn tinh vi
Tại hội thảo “Chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và vai trò của doanh nghiệp” diễn ra vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Các thủ đoạn buôn lậu hiện rất tinh vi, xảo quyệt đang diễn ra trên phạm vi cả nước; đặc biệt là trên các tuyến, địa bàn trọng điểm như biên giới, biển.
Cạnh đó, thủ đoạn buôn lậu còn diễn ra trong lĩnh vực xuất – nhập khẩu, kho ngoại quan, tạm nhập tái xuất, các khu kinh tế, khu công nghiệp - chế xuất. Điều đáng lưu ý, buôn bán hàng giả qua internet ngày càng có diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên nền mạng xã hội như facebook thông qua việc lập các fanpage bán hàng, trang facebook cá nhân để bán hàng...
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hiện lực lượng chức năng mới tiếp cận được các đối tượng đi làm thuê, chưa có nhiều vụ điều tra, phát hiện những đối tượng cầm đầu. Chính phủ cũng như Ban Chỉ đạo 389 quốc gia luôn yêu cầu tập trung “đánh” vào tận ổ, nhóm của các đầu nậu để giải quyết triệt để vấn đề.
Chính vì vậy, rất cần sự phối hợp từ trung ương tới địa phương, đặc biệt là sự giúp sức của các cơ quan báo chí, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp, chống lại vấn nạn nhức nhối này. Mặc dù công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng được thực hiện quyết liệt, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Trong đó, nguyên nhân nổi cộm là do vấn đề nguồn lực, cơ chế thực thi cũng như phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành liên quan.
Doanh nghiệp “ngại” đấu tố
Dẫu buôn lậu đang diễn ra tràn lan như hiện nay, song nhiều doanh nghiệp tỏ thái độ ngại đấu tố khi thấy sản phẩm của mình bị làm giả, vẫn ngang nhiên trôi nổi trên thị trường. Ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chia sẻ: “Có doanh nghiệp khi xem ti vi thấy hình ảnh sản phẩm của mình bị làm giả chỉ biết kêu trời”.
Trong khi đó, các chiến dịch xử lý, chống hàng giả thường được đẩy mạnh vào dịp Tết, nhưng nhiều doanh nghiệp lại cho rằng đây là thời điểm nhạy cảm, không muốn lên tiếng vì sợ ảnh hưởng đến sản phẩm của mình bởi “Tết đến nơi mà đưa tin hàng bị làm giả thì còn ai dám mua”.
“Việc nhiều doanh nghiệp sợ bị nêu tên trên phương tiện thông tin truyền thông về sản phẩm của mình bị làm giả, sợ bị ảnh hưởng thương hiệu khó bán hàng, cho thấy nhận thức của một số doanh nghiệp trong đấu tranh chống hàng giả còn hạn chế - ông Bảo nhận định.
Trên thực tế, các chế tài xử lý vi phạm về hàng giả chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý vi phạm hành chính, ít vụ việc bị khởi tố hình sự; một số văn bản quy phạm phát luật còn quy định chưa thống nhất. Hơn nữa, hiện nay, việc ban hành văn bản và thực tế vi phạm còn có sự vênh nhau, nên gây khó khăn cho công tác thực thi.
Lấy ví dụ về bất cập này, Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật Hà Nội Tinh Hoa cho biết: Về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Điều 17, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP) quy định tịch thu phương tiện vận chuyển hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần, hoặc tái phạm.
Nhưng trên thực tế, việc tịch thu phương tiện sẽ không được thực hiện do các đối tượng chủ xe thường vận chuyển thuê, không phải là chủ hàng, không cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu. Vì vậy, Luật sư Lực cũng cho rằng, các cơ quan chức năng cần rà soát, sửa đổi các chế tài xử lý nhằm tăng tính răn đe, nhưng vẫn bảo đảm tính khả thi, tránh chồng chéo mâu thuẫn.
Năm 2015, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 38.059 vụ, phát hiện 25.123 vụ vi phạm, xử phạt hành chính trên 68 tỉ đồng. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm trên 536 tỉ đồng. Riêng Quý I/2016, 1.269 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái đã bị phát hiện và xử lý. |
Tuệ Liên