Đấu tranh chống tham nhũng, xử lý sai phạm không nể nang, né tránh

Đấu tranh chống tham nhũng, xử lý sai phạm không nể nang, né tránh

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Thứ 2, 09/10/2017 08:00

"Tôi tin rằng, dư luận nhân dân rất ủng hộ việc xử lý sai phạm của ông Nguyễn Xuân Anh gần đây và các cán bộ sai phạm trước đó. Việc xử lý cán bộ sai phạm là không có vùng cấm và đang ngày càng quyết liệt, mạnh mẽ, củng cố niềm tin trong nhân dân", ĐBQH Bùi Văn Xuyền nói.

Gần đây, liên tục có cán bộ cao cấp bị cách chức, miễn nhiệm chức vụ Đảng như: Ông Nguyễn Xuân Anh (Thành ủy Đà Nẵng), ông Nguyễn Phong Quang (ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ) và bà Hồ Thị Kim Thoa (bộ Công Thương).

Ngay cả ông Đinh La Thăng (Thành ủy TP.HCM, từng là Ủy viên Bộ Chính trị) cũng nhận kỷ luật cảnh cáo khi có vi phạm nghiêm trọng. Rõ ràng, việc xử lý cán bộ sai phạm là không có vùng cấm và đang ngày càng quyết liệt, mạnh mẽ, củng cố niềm tin trong nhân dân.

PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực ủy ban Pháp luật của Quốc hội xung quanh nội dung này.

 

Xã hội - Đấu tranh chống tham nhũng, xử lý sai phạm không nể nang, né tránh

ĐBQH Bùi Văn Xuyền.

 

Bước đột phá của công tác Đảng

PV: Thưa ông, qua các vụ việc xử lý cán bộ sai phạm gần đây, cá nhân ông đánh giá thế nào về sức nóng của việc “đốt lò lửa thiêu rụi tham nhũng”, ngăn chặn cán bộ “hạ cánh an toàn” đã được người đứng đầu Đảng khởi xướng?

ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Tôi tin rằng, dư luận nhân dân rất ủng hộ việc xử lý sai phạm của ông Nguyễn Xuân Anh gần đây và các cán bộ sai phạm trước đó. Nghị quyết Đại hội XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng như các nghị quyết trước đó được thực hiện rất nghiêm túc.

Đây cũng là bước đột phá trong xử lý kỷ luật của Đảng hiện nay, không ngoại trừ bất kỳ trường hợp nào, kể cả như trường hợp ông Đinh La Thăng từng là Ủy viên Bộ Chính trị và lần này là ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (trước khi bị cách chức).

Rõ ràng, đây là quyết tâm rất cao của Đảng, chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chắc chắn sẽ có nhiều chuyển biến tốt hơn nữa trong thời gian tới, thể hiện sự nghiêm túc của Đảng trong quá trình làm trong sạch bộ máy.

Đảng đã và đang tiếp tục được chứng minh bằng thực tiễn, nói đi đôi với làm, làm nhanh, quyết liệt. Tôi tin tưởng, vượt qua tâm lý e ngại, nể nang, né tránh sẽ tạo tiền lệ rất tốt sau này.

Tất nhiên, người dân sẽ mong muốn Đảng quyết liệt hơn nữa, nhưng tôi đánh giá từng bước thực hiện như vậy đã là dấu ấn. Bởi chúng ta đang tiến tới việc coi những xử lý như thời gian qua là bình thường. Trước đây, nếu xử lý một đồng chí tầm Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, vấn đề uy tín của Đảng và những vấn đề khác được đặt ra. Nhưng hiện nay, khi xử lý xong, mọi thứ tốt lên thì rõ ràng đấy là bài học và tiền lệ tốt, là bàn đạp để tiếp tục xử lý các vụ việc sai phạm tiếp theo.

Cần coi đây là việc làm bình thường, vì không có tổ chức toàn diện. Con người cũng vậy, cần được gọt giũa, đào thải. Có vào có ra là tất yếu của sự phát triển, nếu không làm được coi như trì trệ, không phát triển.

PV: Trường hợp cán bộ ở ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và ông Nguyễn Xuân Anh là những bài học sâu sắc cho việc cất nhắc, sử dụng cán bộ trẻ. Cần có những rà soát chặt chẽ hơn nữa trong quy trình đề bạt để không có những cán bộ “chín non”, “chín ép” vào trong bộ máy?

ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Chắc chắn đây là những bài học sâu sắc cho công tác tổ chức cán bộ. Cán bộ nào cũng có những điểm mạnh, điểm yếu nhất định. Tuổi trẻ đi kèm với sự năng động, nhiệt huyết, sức sống mới... Không cứ là trẻ, hay già, không vì độ tuổi mà đánh giá ngay về sự non yếu, thiếu kinh nghiệm chỉ đạo, điều hành, bởi ngay cả những cán bộ già chưa chắc đã không có tình trạng này.

Vì vậy, tôi nghĩ không nên đặt vấn đề cán bộ trẻ hay cán bộ già mà quan trọng nhất là đánh giá đúng năng lực, trình độ, phẩm chất của một người để đưa vào đúng vị trí, việc làm, như thế sẽ hạn chế được các vi phạm. Người trẻ mà được đánh giá đúng, chính xác, không vì động cơ cá nhân thì có thể rất tốt.

Tất nhiên, đạt những điều này cần công tác tổ chức, đánh giá cán bộ được làm bài bản hơn. Chúng ta có quy trình về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhưng vẫn còn đâu đó sự nể nang, hình thức, ngại va chạm nên việc thực hiện không thực chất. Do đó, cần người thủ trưởng, người đứng đầu lựa chọn cán bộ căn cứ vào thực tiễn để tìm đúng người đủ năng lực, thực tiễn tốt. Điều này không khó nếu có sự công tâm trong lựa chọn.

Thêm nữa, cần đổi mới cách làm và nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đề bạt cán bộ. Cá nhân người đứng đầu phải nhìn rõ cán bộ định đề bạt, gắn với trách nhiệm đi kèm. Đây chính là mấu chốt vấn đề. Nếu chỉ căn cứ vào các lá phiếu tín nhiệm ở cơ quan, đơn vị, cấp ủy theo kiểu chung chung thì chưa hoàn toàn chính xác, có thể còn phiến diện, cả nể theo kiểu “anh ủng hộ tôi, tôi ủng hộ anh”. Như vậy là sẽ thành đánh giá không thực chất, không chọn đúng người đủ đức, đủ tài.

Gắn đề bạt với trách nhiệm cá nhân

PV: Quy trình tuyển chọn cán bộ chặt chẽ qua nhiều bước, nhưng giám sát còn có sự lỏng lẻo. Một người dù tốt nhưng nếu bị buông lỏng sẽ dễ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Điều này đòi hỏi bản lĩnh của người cán bộ hay cũng chính là giám sát chặt chẽ từ phía cơ quan, tổ chức, thưa ông?

ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Thực ra, một cán bộ tốt phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có cả công tác giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng, theo dõi, cất nhắc, đề bạt, kiểm tra, giám sát... Bản thân người đề bạt phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong đánh giá con người.

Bởi con người đầu vào tốt nhưng theo thời gian có thể không tránh khỏi sự khác đi, khác theo hướng tốt hoặc xấu lại phụ thuộc nhiều yếu tố khác nữa. Không thể chỉ ngồi chọn được một người tài đã là xong nhiệm vụ mà phải giám sát trong cả quá trình rèn luyện, phấn đấu.

Chúng ta có quy trình giám sát nhưng cũng như đề bạt, có nơi, có chỗ rất hình thức nên mới để xảy ra các sự việc đáng tiếc như thời gian qua. Người cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng để xử lý mọi tình huống. Nếu không sẽ dễ dẫn đến bị lôi kéo, cuốn vào cám dỗ, sa ngã và không còn giữ được cốt cách của mình. Như thế là không đáp ứng được nhu cầu và sớm hay muộn sẽ bị đào thải khỏi bộ máy. Cần phải lưu ý, bản lĩnh là cái người trẻ hay bị thiếu.

Cũng phải nói thêm rằng, cùng cơ quan, đơn vị, công tác đấu tranh, phê bình và tự phê bình ở một số địa phương còn có những hạn chế. Có ít người dám trực diện đứng ra góp ý, nêu quan điểm cá nhân trái ngược vì dễ bị cho là mất đoàn kết, đi ngược lại tập thể.

Trong một ban Thường vụ, sinh hoạt chưa thực sự tốt, đấu tranh, giám sát, phản biện với quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của từng người còn hạn chế, chưa phát huy tốt vai trò. Do vậy, không những Bí thư, Chủ tịch mà ngay cả ban Thường vụ cũng nhận kỷ luật.

Từ việc buông lỏng bản thân sẽ dẫn đến vi phạm rất nhanh. Chúng ta có các cơ chế quản lý cán bộ để ngăn chặn tiêu cực, sai phạm.  Đặc biệt là xử lý kỷ luật Đảng phải nghiêm khắc. Dù vi phạm ở mức độ nào, việc xử lý phải tạo ra sự răn đe để làm gương, các Đảng viên khác cảm thấy ngại khi vi phạm.

Ngay cả về mặt pháp luật cũng phải xử lý nghiêm khắc, không xuê xoa được. Làm như vậy sẽ đem lại kết quả, hiệu ứng tốt trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch bộ máy, củng cố niềm tin trong nhân dân.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!      

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.