Chứng khoán "đỏ lửa", vì đâu nên nỗi?
Trong năm 2018, nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 7,08%, cao nhất trong 10 năm qua. Các chỉ số kinh tế đều tăng, lạm phát được kìm chế 3,5% kinh tế vĩ mô ổn định, xuất nhập khẩu đạt trên 480 tỷ USD, đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 19 tỷ USD...
Tuy nhiên, trị trường chứng khoán (TTCK) lại có những biến động lớn khi chỉ số VN-Index đạt ngưỡng 2.000 điểm đầu năm, thì cuối năm 2018 và hiện nay chỉ xoay quanh ngưỡng 900 điểm.
Ngay trong phiên giao dịch mở đầu 2019, TTCK châu Á tiếp tục nhuộm sắc đỏ. Thị trường Việt Nam, chốt phiên giao dịch chiều 4/1, VN-Index còn 878,46 điểm; HNX-Index là 100,97 điểm; UpCOM-Index giảm 0,14% xuống 52,1 điểm.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, TTCK Việt Nam lao dốc từ cuối năm 2018 đến nay do lan truyền từ ảnh hưởng của chứng khoán thế giới, bởi các chỉ số kinh tế Việt Nam 2018 đều tốt. Ông nói: “Trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu lao đốc thì TTCK Việt Nam cũng không tránh khỏi ảnh hưởng xấu, mà 3 nguyên nhân liên tục tác động là: Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, chính sách tiền tệ của Fed và một số nước lớn và bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đã chững lại không còn đạt những chỉ số cao như năm trước".
Nhận định trong ngắn hạn ông Lực cho biết, TTCK Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đã giảm kịch sàn, về khả năng phục hồi trong ngắn hạn vẫn còn rất khó khăn.
Đánh giá về vấn đề trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, đây là vấn đề đã được ông dự báo trước bởi TTCK Việt Nam phụ thuộc lớn vào biến động của TTCK quốc tế: "Trong khoảng cuối năm 2018, tình trạng lao đốc diễn ra trên toàn bộ TTCK thế giới, sau New York thì các thị trường ở châu Á, châu Âu đều bị rớt điểm, và thị trường Việt Nam vốn dễ bị tổn thương nếu xảy ra những biến động trên thị trường thế giới".
Ông cho biết thêm: "Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, cũng có thể tạo cơ hội cho kinh tế Việt Nam nếu họ dịch chuyển nguồn vốn sang thị trường nước ta. Nhưng thị trường nước ta có đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của họ hay không lại là câu chuyện khác.
TTCK Việt Nam phụ thuộc nhiều vào dòng vốn ngoại. Hiện tượng thị trường lao dốc không phải do những chỉ số kinh tế vĩ mô mà sự biến động mà có thể đến từ thị trường thế giới. Có ý kiến cho rằng, chứng khoán rớt điểm không đáng lo ngại, đó là điều chỉnh tự nhiên. Tôi không nghĩ vậy vì mình lệ thuộc rất nhiều vào dòng vốn ngoại điều đó đã tạo ra rủi ro cho TTCK Việt Nam".
"Thị trường chứng khoán lên nhanh, xuống cũng nhanh"
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trong 10 năm vừa qua TTCK Việt Nam có bước đi lên rầm rộ và tốt đẹp, các loại cổ phiếu trái phiếu đều đạt được sự tăng trưởng đáng kể so với 20 năm trước chúng ta chưa có gì. Tuy nhiên, nhìn chung, TTCK Việt Nam tăng trưởng không ổn định, tác động của tài chính, các dòng vốn ồn ạt đổ vào và ồn ạt đổ ra của nguồn tiền quốc tế. Bởi vậy, tôi so sánh TTCK Việt Nam như chiếc máy bay, có thể lên nhanh và xuống cũng nhanh.
"Trong năm 2019, TTCK trong nước cũng không thoát khỏi tác động của tình hình thế giới. Hiện tại, dòng vốn đã đổ về các thị trường truyền thống như Mỹ, Châu Âu. Trong khi ngay tại thị trường của họ cũng đang rất bấp bênh thì việc họ hào hứng đổ vốn với thị trường mới nổi là rất khó xảy ra. Cuộc chiến thương mại đang diễn biến chưa rõ hồi kết, mới đây nhất Apple cho biết doanh thu của họ sụt giảm nghiêm trọng và tỏ rõ thái độ không hài lòng về cuộc chiến này.
Năm nay, việc các tập đoàn đầu tư gián tiếp vào TTCK cũng có thể xảy ra, nhưng việc đầu tư này rất chớp nhoáng, xoay vòng nhanh để tạo vốn. Việc họ bỏ tiền vào và rút tiền ra cũng rất nhanh sẽ tạo ra biến động tới chứng khoán Việt Nam", TS. Hiếu cảnh báo.
Hồi đầu năm 2018, TTCK nở rộ trên 2.000 điểm, tuy nhiên tôi đã khẳng định đến cuối năm 2018, TTCK sẽ giảm ở ngưỡng dưới 1000 điểm. Trong năm 2019, TTCK sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp và phụ thuộc lớn vào nguồn vốn ngoại. Theo tôi, VN-Index có thể giao động từ ngưỡng 900 điểm hiện tại lên 1.000 điểm cũng sẽ gặp nhiều khó khăn”, vị chuyên gia nhận định.
Cũng nhận định về TTCK năm 2019, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty chứng khoán SSI cho biết, tất cả TTCK hiện nay đang vào trào lưu giảm điểm. Trong lịch sử TTCK để đạt lại đỉnh cần chu kỳ ít nhất 21 tháng. Với những biến động của tình hình thế giới trong 2019, chứng khoán thế giới sẽ gặp khó, trong khi chứng khoán Việt Nam - theo ông Hưng - cũng có những cơ hội nhất định.
"Fed vẫn có lộ trình tăng lãi suất trong 2019, đồng nghĩa với việc họ vẫn lạc quan vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ mà không cần đến các biện pháp kích cầu. Thuận lợi của Việt Nam là vẫn duy trì tăng trưởng trong năm tới. Bởi vậy, năm 2019 vẫn là năm gia tăng nhanh của thị trường, chúng tôi cho rằng chỉ số của VN-Index sẽ đạt mốc giao dịch ngưỡng 1.000 điểm”, ông Hưng nhận định.