Ý kiến đa chiều của các chuyên gia về vấn đề "bội thực" đầu tư công
Đầu tư công càng cao, tăng trưởng càng giảm
"Đầu tư công như hiện nay chúng ta đang thực hiện thể hiện rất rõ cơ chế “xin – cho”. Nó giống như miếng bánh được trao đi đổi lại giữa TW, địa phương, các bộ, ngành chứ không phải là đầu tư công đúng nghĩa (cả 2 phía đều có lợi ích chung và nhóm lợi ích). Các số liệu cụ thể giai đoạn 1991-1995, tỉ lệ vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP của VN chỉ ở mức 28,2% nhưng đạt tăng trưởng là 8,2%; giai đoạn 2006-2010, đầu tư toàn xã hội tăng lên đến 42% GDP nhưng tăng trưởng chỉ 6,9%. Theo quy luật, đầu tư công lớn, tăng trưởng tăng nhưng với chúng ta đầu tư công càng cao thì tăng trưởng lại giảm. Điều này rõ ràng là không bình thường và khó có thể chấp nhận", chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Lê Đăng Doanh.
Thỏa mãn các đề xuất phải nhịn ăn 3 năm
"Sau một thời gian dài nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nóng, gây ra lạm phát mạnh. Hiện, chúng ta phải đối mặt với cuộc tái cơ cấu toàn diện, mà yếu tố quyết định của chiến lược là tái cơ cấu trong lĩnh vực đầu tư công. Mặc dù, Chính phủ đã có chủ trương cắt giảm đầu tư công nhưng đến nay, các địa phương vẫn đề xuất bản danh sách hàng ngàn công trình cần khởi công với số vốn khổng lồ. Muốn thỏa mãn các đề xuất này, theo ước tính, cả nước phải nhịn ăn, nhịn tiêu 3 năm mới đáp ứng được. Từ nay đến năm 2020, ngân sách Nhà nước cần bỏ ra trung bình 15 tỷ USD/năm để đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy hoạch đã được duyệt. Đây là con số khổng lồ so với quy mô của nền kinh tế Việt Nam", TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng viên kinh tế Fulbright.
Ảnh minh họa
Phải từ bỏ dự án 3 không
'Tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng từ 35,4% GDP lên gần 42% GDP. Tính theo tỷ lệ trên GDP, vốn đầu tư từ ngân sách trong giai đoạn 10 năm qua lên đến 9,8% gây ra nhiều bất cập. Để tái cơ cấu đầu tư công, giải pháp đầu tiên là giảm đầu tư toàn xã hội nói chung xuống 35% GDP và đặc biệt là giảm đầu tư công xuống dưới 1/3 tổng đầu tư toàn xã hội. Phải kiên quyết không để xảy ra dự án 3 không: Không rõ mục đích, không cân đối được nguồn lực và không xác định được phân kỳ đầu tư phù hợp. Đầu tư công của chúng ta lớn nhưng hiệu quả thấp vì thực hiện quá nhiều dự án 3 không, gây lãng phí, gây ảnh hưởng lớn tới kinh tế đất nước", PGS.TS Lê Xuân Bá (Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW).
Không thể phân cấp trắng
"Hiện nay, mô hình phân cấp đầu tư công của chúng ta được áp dụng từ năm 2006 là phân cấp trắng. Nghĩa là, vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc phân bổ theo ngành và địa phương đã giảm tới mức tối đa. Chính sự phân cấp này đã dẫn đến hệ quả là các dự án đã khởi công lâm vào tình trạng thiếu vốn triền miên; nhập siêu bùng nổ (do nhập khẩu vật tư, thiết bị cho dự án); đầu tư không đồng bộ; sử dụng công nghệ và thiết bị lạc hậu. Còn các cơ TW thực hiện giám sát, kiểm tra thì dường như mang tính hình thức, chiếu lệ mà không có chế tài kỷ luật nghiêm ngặt. Chính vì vậy, vốn Chính phủ rót xuống có hiệu quả sử dụng thấp, thậm chí có nơi còn xảy ra tham nhũng, tiêu cực", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
Nợ nước ngoài tăng rất nhanh
"Chúng ta đã nhìn thấy rõ, hiệu quả thấp của đầu tư công. Vì thế, không có lý do gì để không cải cách nó. Muốn cải cách có hiệu quả, trước tiên, phải quán triệt tư duy tiết kiệm chi tiêu công để cân đối ngân sách, hạn chế lợi ích nhóm và xác định rõ ràng những mục tiêu đầu tư. Tiếp theo, cần thiết lập hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công và công khai các chương trình, kế hoạch đầu tư trong năm và giai đoạn năm năm. Việc kiểm tra chặt chẽ nguồn vốn đầu tư công là cần thiết bởi nguồn kinh phí đó đang đi vay cả trong nước và nước ngoài. Hiện nay, nợ nước ngoài ngày càng tăng, chi trả nợ bình quân đã chiếm 12-15% tổng chi ngân sách", TS.Vũ Đình Ánh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính).
Cần có Luật Đầu tư công theo thông lệ quốc tế
"Trong lĩnh vực đầu tư công, Việt Nam đang phân quyền cho địa phương quá lớn. Họ được làm cả quy hoạch... khiến VN như có 63 nền kinh tế của 63 tỉnh thành. Cứ đà này sẽ tạo sự phân tán, lãng phí, khó có hiệu quả. Vì vậy, tôi cho rằng cần phải soạn thảo luật Đầu tư công theo đúng thông lệ quốc tế. Nếu không có luật rõä ràng thì không ai dám chắc câu chuyện đại công trường Hà Giang sẽ không tái diễn ở các địa phương. Họ cứ xin đầu tư dàn trải, kinh phí địa phương không kham nổi, lại xin tiền tài trợ từ TW. Lúc đó, TW bị rơi vào thế, không phân bổ, không cứu trợ không được. Lỗi này do ai, cần phải quy trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, minh bạch", TS Võ Đại Lược, nguyên Viện Kinh tế chính trị thế giới.
H.Anh - L.Tuấn