Những lời hứa hẹn... suông
Theo tìm hiểu của PV, đến nay, rất nhiều người đã sa lầy trong cơn lốc đầu tư đồng Onecoin. Họ rơi vào tình thế “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”.
Bởi, không ít người vay tiền ngân hàng, bạn bè người thân để dốc vốn đầu tư Onecoin với hy vọng sớm có những khoản lời khủng. Hàng ngày, họ phải chi trả một số tiền lời vay nợ để đầu tư. Tuy nhiên, tiền lời trong tài khoản Onecoin lại không thể sử dụng để thanh toán.
Bên cạnh đó, việc bán đồng Onecoin cho những nhà đầu tư cùng cấp lại không hề dễ dàng bởi không ai mua. Khi càng lún sâu vào con đường đầu tư Onecoin, các nạn nhân càng phát hiện nhiều rủi ro, lừa đảo. Việc mời gọi các khách hàng, nhà đầu tư mới trở nên khó khăn hơn vì mọi người hầu như đã hiểu bản chất lừa đảo của đồng Onecoin.
Bà N.T.D. (55 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM), người từng đầu tư Onecoin cho biết, đồng tiền Onecoin xuất hiện ở châu Âu vào tháng 1/2015 và nhanh chóng có mặt tại Việt Nam.
Thời điểm đó, đồng Onecoin chỉ có giá 5 Euro, bà D. đầu tư gần 100 triệu đồng. Lúc này, những người dẫn dắt hứa hẹn, quý 2 năm 2017 đồng Onecoin sẽ lên sàn chứng khoán với giá cao gấp 5 lần.
Thế nhưng, chờ mãi tới nay, đồng Onecoin vẫn chưa được lên sàn chứng khoán. Khi được hỏi, những người này tiếp tục hứa đến quý 2 năm 2018 đồng này sẽ lên sàn.
Nghi ngờ, bà D. tìm hiểu với người quen làm việc trong lĩnh vực ngân hàng thì được biết để đồng Oneocin lên sàn chứng khoán phải quy tụ ít nhất 10 triệu thành viên tham gia. Nhưng con số thành viên đầu tư đồng Onecoin hiện nay trên toàn thế giới chỉ ở mức hơn 3 triệu người.
Ngay sau đó, bà D. đồng ý bán tháo số đồng Onecoin trong tài khoản với giá 1 Euro/1Onecoin. Bà cho biết, có thể rút chân khỏi Onecoin, bà mừng khôn tả dù chịu lỗ mất hơn phân nửa số tiền đã đầu tư.
Cũng theo bà D., đầu năm 2016, đồng tiền Onecoin chững lại, số lượng thành viên tham gia đầu tư cũng rơi rụng liên tục.
Chồng chất nợ
Để cứu vãn, tập đoàn Onecoin mở chiến lược mới thành lập trang thương mại điện tử Dealshaker với phương thức thanh toán, mua hàng hóa bằng đồng Onecoin để tạo sự thay đổi không khí đầu tư. Đồng thời, là cách đánh bóng giá trị đồng Onecoin cho những người mới biết đến đồng tiền này.
Tuy nhiên, hàng hóa trên trang mạng điện tử này chỉ mang tính “minh họa” về cả sản phẩm và chất lượng.
Cùng cảnh ngộ, ông H.V.T. (45 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) đầu tư từ cuối năm 2016. Tuy nhiên, đến nay, ông cũng phải “bỏ của chạy lấy người”.
“Sau 10 ngày, đầu tư, tiền lời nhỏ giọt trả về tài khoản nhưng không thể rút để tiêu xài. Tôi muốn bán lại cổ phần cho người đã dẫn tôi tham gia loại hình này thì người ta từ chối. Lúc này, tôi mới biết là anh ta đang phải trả nợ ngân hàng khi trước đó đã vay hơn 200 triệu đồng để đầu tư Onecoin”, ông T. chia sẻ.
Ông T. cho biết, khi ông dùng đồng Onecoin có trong tài khoản để mua hàng trên trang mạng Dealshaker, ông chỉ mua được vài món đồ cỏn con. Bởi, giá cả các mặt hàng tại đây đắt gấp 20 lần thị trường.
Thấy vậy, ông T. và người bạn bàn nhau cứ giữ lại tài khoản để chờ cơ hội. Nếu thị trường biến động, cả 2 sẽ lên mua hàng trên trang Dealshaker để sử dụng hoặc bán tháo cho người khác gỡ tiền đầu tư.
Ông T. tiết lộ: “Vài tháng tới, nếu không có thêm nhà đầu tư mở thêm tài khoản, tập đoàn Onecoin sẽ có những chiếc lược mới làm nóng lại thị trường. Chẳng hạn như cuối năm 2016, tập đoàn Onelife đã thực hiện chương trình nhân đôi đồng Onecoin cho ai mở tài khoản.
Dù vậy, chỉ có những người mơ mộng viễn tưởng về dự án đồng Onecoin lên sàn chứng khoán thế giới mới tham gia. Còn hầu hết, những ai sau khi đầu tư, hiểu bản chất dự án đều rơi vào cảnh hoang mang, lo lắng”.
(Còn nữa…)
H.Trần