Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2013 và kế hoạch triển khai 6 tháng cuối năm của dự án, diễn ra sáng nay (30/7) ở Hà Nội. Theo đó, dự án này sẽ được chia thành hai giai đoạn, trong đó giai đoạn từ nay đến 2030 là 79.888 tỷ đồng, giai đoạn hai là sau năm 2030 là 67.328 tỷ đồng.
Theo ông Sách, nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án chủ yếu được huy động từ ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ đồng thời tranh thủ huy động nguồn vốn ODA trong khả năng cho phép và các nguồn vốn hỗ trợ khác. Còn ở những địa phương có khả năng như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… sẽ huy động vốn từ xã hội hóa theo hình thức BT, BOT, BTO…
Mục tiêu của dự án là nhằm phòng chống và giảm nhẹ thiên tai bão lũ trên lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình, có tính đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng góp phần ổn định, phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, dự án cũng là cơ sở để lập và điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ các tuyến sông có đê, lập và điều chỉnh quy hoạch trên địa bàn các tỉnh trong hệ thống đồng thời làm cơ sở cho bộ, ngành, địa phương quản lý, điều hành công tác phòng chống bão lũ và xây dựng kế hoạch đầu tư cho các công trình phòng, chống lũ bão, công trình đê điều trong trung, dài hạn theo các giai đoạn từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2050.
"Dự kiến từ nay đến năm 2030, dự án sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện mặt cắt theo đúng yêu cầu về mực nước đã quy định, tu bổ nâng cấp chất lượng đê, cứng hóa mặt đê và làm hành lang chân đê kết hợp giao thông, cải tạo lòng dẫn sông Đáy và cắm mốc chỉ giới hành lang thoát lũ và hành lang đê điều. Sau năm 2030, dự án tiếp tục hoàn thiện mặt cắt và cao trình đê đáp ứng yêu cầu, cải tạo hệ thống kết hợp giao thông," ông Sách cho hay.
Phát biểu tại hội nghị, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng, trưởng ban quản lý dự án quy hoạch lưu vực sông Hồng-Thái Bình, nhấn mạnh quá trình thực hiện quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng-Thái Bình cần có sự phối hợp chặt chẽ và phân công rõ trách nhiệm của các cấp ngành trên địa bàn của 15 tỉnh, thành phố thuộc trực thuộc trung du và đồng bằng Bắc Bộ.
Cụ thể, đối với cấp Bộ, sau khi quy hoạch được phê duyệt, tiến hành tổ chức công bố công khai quy hoạch, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thực hiện quy hoạch; lập và xét duyệt kế hoạch đầu tư vốn tu bổ nâng cấp hệ thồng đê điều hàng năm và định kỳ 5 năm.
Sau khi quy hoạch được phê duyệt, ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập và điều chỉnh quy hoạch đê điều thuộc phạm vi quản lý địa phương và xây dựng, trình duyệt các chương trình, dự án phát triển thủy lợi, tìm kiếm nguồn kinh phí trong nước đồng thời gọi vốn nước ngoài để đầu tư phát triển đê điều, xây dựng kế hoạch thực hiện, cũng như bố trí vốn thực hiện các dự án đầu tư phát triển thủy lợi hàng năm trên địa bàn tỉnh.
Mặt khác, tại các tỉnh, ban quản lý cần tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, tự giác thực hiện tốt quy hoạch đê điều trên địa bàn.
Theo báo cáo rà soát quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng-sông Thái Bình, để đảm bảo tính khả thi quy hoạch, dự án đã đề xuất các công trình ưu tiên từ nay đến năm 2020 bao gồm:
1. Xây dựng mốc chỉ giới thoát lũ các tuyến sông.
2. Nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy.
3. Cải tạo, nâng cấp hệ thống sông Đáy.
4. Nâng cấp hệ thống đê vùng hạ du sông Thái Bình: Sông Thái Bình, Kinh Thầy, Văn Úc, Gùa, Mía, Mới, Lạch Tray, Đá Bạch, sông Rạng, Kinh Môn, sông Cấm.
5. Nắm chỉnh tuyến đê hữu Lô đoạn từ K68-K70.
6. Lên đê sông Cầu khép kín bảo vệ thành phố Thái Nguyên.
7. Cải tạo tuyến đê hữu Thương đoạn từ K15-K29.
8. Cải tạo tuyến đê tả Hồng, hữu Hồng phục vụ đa mục tiêu./.
Theo Thông tấn xã Việt Nam