Cuối năm 2011, TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thống nhất việc đầu tư thêm vốn vào TCty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Và đầu năm 2012, SCIC chính thức rót gần 1.100 tỷ đồng, tăng phần vốn Nhà nước vào Vinaconex.
Báo cáo kết quả chào bán cổ phiếu ra công chúng của Vinaconex vào ngày 13/3/2012, cho thấy doanh nghiệp này đã phát hành thành công hơn 141 triệu cổ phiếu trong tổng số 200 triệu cổ phiếu được phát hành trong kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.000 lên 5.000 tỷ của Vinaconex.
Với hơn 141 triệu cổ phiếu được chào bán thành công, Vinaconex đã có thêm hơn 1.400 tỷ đồng.
Theo danh sách cổ đông lớn (đính kèm báo cáo kết quả chào bán 200 nghìn cổ ohiếu) sau khi phát hành cổ phiếu tại Vinaconex, thì SCIC đã nâng mức tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại doanh nghiệp này lên đến 57,79%.
Vinaconex đang là con nợ với con số ngàn tỷ đồng.
Một phép tính đơn giản, với số tiền mà SCIC đầu tư tăng vốn vào Vinaconex nói trên, việc áp mức lãi suất vay ngân hàng hiện nay (mức trần khoảng 15%/năm, có ngân hàng cho vay với lãi suất ngoài 20%/năm), thì với 1.100 tỷ đồng, Vinaconex phải trả lãi mỗi tháng trả 12,5 tỷ, mỗi năm riêng tiền lãi thì doanh nghiệp này phải trả là 150 tỷ, tức khoảng 8 triệu USD.
Bảng biểu Vinaconex nợ các tổ chức tín dụng trong nước. Đơn vị: tỷ đồng.
Trong thông báo việc phát hành thêm 200 triệu cổ phiếu mới đây, Vinaconex cho biết nhằm huy động vốn để bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư thực hiện một số dự án bất động sản, đồng thời “tái cơ cấu nợ vay, cơ cấi nguồn vốn trung và dài hạn, tăng quy mô hoạt động cho Tổng công ty”.
Trong khi đó, tình hình tài chính của Vinaconex cũng không mấy phần sáng sủa, với số nợ ngân hàng được xác định lên đến cả nghìn tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý II và 6 tháng đầu năm của Vinaconex cho thấy "ông lớn" này đang vay và nợ các ngân hàng hơn 1.112 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn khoảng 400 tỷ, còn nợ dài hạn đến hạn trả khoảng 712 tỷ đồng. Với khoản nợ dài hạn tới hạn trả, Vinaconex đang vay ngân hàng nước ngoài hơn một nửa (khoảng 467,4 tỷ đồng), còn vay ngân hàng và quỹ trong nước gần 246 tỷ đồng.
Trước đó, giữa tháng 4/2010, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương có thông báo về kết quả kỳ họp thứ 31. Theo đó 42 vụ việc đã được thảo luận, quyết định và kết luận, trong đó có vụ việc tại Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). UBKT Trung ương kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và đã kết luận có thiếu sót, khuyết điểm. UBKT Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý về mặt tổ chức, theo Thông tấn xã Việt Nam.
Hải Yến