Để qua mặt cơ quan chức năng, các công ty, doanh nghiệp dùng nhiều chiêu thức như gửi vốn tiết kiệm, tham gia cổ phần nhằm che đậy bản chất huy động vốn trái phép.
Đăng ký một đằng, làm một nẻo
Theo tìm hiểu của PV, hiện có rất nhiều cá nhân, tổ chức, công ty đứng ra đăng ký kinh doanh lĩnh vực ngành nghề này nhưng lại hoạt động ngành nghề khác theo mô hình đa cấp. Trong quá trình kinh doanh, các công ty đăng ký một số mã ngành mang tên hỗ trợ dịch vụ tài chính nhưng thực chất lại huy động tiền vốn. Ngoài ra, nhiều công ty còn mở rộng loại hình đầu tư tiền ảo, hỗ trợ cho vay, góp vốn cùng doanh nghiệp.
Với chiêu thức trả lợi nhuận cao, các công ty này đánh vào lòng tham của người tham gia đầu tư tài chính. Để tạo niềm tin cho khách hàng gửi vốn đầu tư, họ liên tục quảng cáo về hiệu quả kinh doanh, chiến lược mang tầm quốc tế, sử dụng các trang mạng thương mại điện tử... Bằng cách này, người cả tin dễ dàng sập bẫy.
Theo đó, sau khi huy động vốn thành công từ nhà đầu tư, phía công ty sẽ thực hiện nhiều chiến lược thay đổi hình thức kinh doanh, chuyển vốn đầu tư, trì hoãn việc trả lợi nhuận cho khách hàng. Đến khi, người góp vốn phát hiện có dấu hiệu bất minh trong việc làm ăn của đối tác, đòi hoàn trả theo hợp đồng đã ký kết, người đứng đầu công ty sẽ gửi thông báo với nhiều lý do để trì hoãn việc xử lý. Các lý do được các đối tượng đưa ra là công ty đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý, trục trặc kỹ thuật tài khoản, ngân hàng gặp khó khăn trong khâu chuyển tiền...
Sau đó, các đối tượng này tìm cách tuyên bố phá sản rồi chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư. Với chiến lược huy động tài chính tinh vi, ma thuật kiểu đa cấp như trên, nhiều công ty, doanh nghiệp đã thu về khoản tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Nhiều cá nhân, tổ chức đứng đầu các dự án “mời gọi đầu tư tài chính” bỗng nhiên trở thành triệu phú, tỷ phú khi chiếm được tiền của khách hàng rồi cao chạy xa bay. Ngược lại, khách hàng được gắn mác “nhà đầu tư” trở thành nạn nhân của chiêu đầu tư tài chính theo mô hình đa cấp.
Không ít nhà đầu tư phải cắn răng chịu quả đắng khi đồng tiền mồ hôi xương máu bỗng dưng biến mất. Bởi lẽ, họ không được pháp luật bảo vệ quyền lợi khi tham gia hoạt động đầu tư tài chính. Quá trình thực hiện các hợp đồng hợp tác đầu tư, người dân hoàn toàn tự nguyện hoặc bị lôi kéo bởi người thân, bạn bè. Khi trở thành nhà đầu tư, họ đã được phía đối tác cung cấp nhiều bản hợp đồng cam kết về quyền và nghĩa vụ liên quan.
Thực tế, những bản hợp đồng kiểu này luôn lồng ghép các thỏa thuận ràng buộc, nhà đầu tư không có đường tiến cũng chẳng có đường lùi khi công ty gặp sự cố. Đến lúc biết mình mắc bẫy, người dân chỉ biết ngửa cổ kêu trời.
Nói về vấn đề huy động vốn trái phép trong doanh nghiệp, công ty, luật sư Trần Đình Dũng, trung tâm Tư vấn luật, đoàn Luật sư TP.HCM nhận định: “Công ty, doanh nghiệp, tổ chức có các hành vi lập các hợp đồng đầu tư, dùng các thủ đoạn gian dối để khách hàng nộp tiền vào công ty nhưng sau khi nhận được tiền khách hàng, đạt được mục đích rồi, thì không trả tiền cho khách nữa.
Việc vay, mượn, thuê tài sản của người khác, hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng, rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó đều vi phạm pháp luật”.
“Ngoài ra, các hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản... cũng có dấu hiệu cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản.
Hiện ở Việt Nam, hành vi trên đang tồn tại khá nhiều. Họ lách luật bằng hình thức góp vốn nhưng sau đó lấy luôn tiền của khách hàng và thông báo làm ăn thua lỗ, không hiệu quả, trốn tránh trách nhiệm”, luật sư Dũng cho biết thêm.
Hàng loạt công ty huy động vốn, đa cấp bị xử lý
Luật sư Dũng cho rằng: “Trong những chiêu thức mà doanh nghiệp thực hiện để huy động vốn tài chính đều rất bài bản, hình thức theo kiểu kinh doanh đa cấp. Họ thực hiện quy tắc trả lợi nhuận trực tiếp cho nhà đầu tư và kèm theo đó là một chuỗi hoa hồng – lợi nhuận gián tiếp khi đối tác mở rộng hệ thống phát triển cho công ty. Pháp luật cần quy định cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Xử lý nghiêm những người có hành vi này để tạo tính răn đe”.
Cũng theo luật sư Dũng, khi doanh nghiệp cầm tiền cao chạy xa bay, không chỉ một cá nhân mà cả một hệ thống nhà đầu tư cấp dưới đều chung cảnh ngộ. Hơn nữa, không ai có thể đứng ra gánh nợ cho cả một hệ thống cấp dưới của mình. Bởi, ai cũng là nạn nhân và ai cũng vì lòng tham mà mắc bẫy kẻ lừa đảo.
Cũng liên quan đến hoạt động huy động tài chính, trước đó vào ngày 21/12/2016, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trịnh Anh Minh (SN 1984), Tổng Giám đốc công ty CP Williams Việt Nam (địa chỉ số 212 Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Qua công tác quản lý địa bàn, phòng nghiệp vụ Công an TP.Hà Nội phát hiện công ty CP Williams Việt Nam có dấu hiệu huy động vốn trái phép của người dân với số tiền đặc biệt lớn, dưới hình thức ký hợp đồng ủy thác. Khi trao đổi với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan điều tra Công an TP.Hà Nội đã xác định đây là hình thức huy động vốn trái phép.
Tại TP.HCM, sở Công Thương TP.HCM cũng ra quyết định xử phạt nhiều công ty đa cấp hoạt động sai quy định pháp luật. Qua công tác kiểm tra, Sở này đã ban hành quyết định xử phạt công ty cổ phần Everrichs 140 triệu đồng; công ty TNHH Absonutrix Việt Nam 105 triệu đồng; công ty Yandi 60 triệu đồng và một nhà phân phối của công ty TNHH New Image Việt Nam 2 triệu đồng về hành vi huy động vốn trái phép.
Sở Công Thương TP.HCM chuyển hồ sơ của công ty cổ phần Đầu tư Thiên Rồng Việt (T.R.V., đã nhắc đến trong bài 1-2) và công ty TNHH Absonutrix Việt Nam cho cục Quản lý cạnh tranh xem xét xử lý; chuyển cho cục Thuế TP. xử lý liên quan lĩnh vực thuế đối với công ty TNHH Absonutrix Việt Nam; chuyển sở Y tế TP.HCM xem xét xử lý đối với công ty TNHH New Image Việt Nam. Riêng công ty cổ phần nhượng quyền Thiên Lộc, sở Công Thương không tiến hành kiểm tra do cục Quản lý cạnh tranh đã kiểm tra.
Một lãnh đạo sở Công Thương TP.HCM cho biết, lĩnh vực đa cấp vốn được coi là nhạy cảm sau khi bị phát hiện có nhiều hoạt động biến tướng, gây không ít thiệt hại, gây hoang mang cho khách hàng. Việc quản lý kinh doanh đa cấp rất khó khăn vì các lý do như: Doanh nghiệp thường thay đổi trụ sở liên tục, chọn nhiều căn hộ chung cư làm địa điểm hoạt động, khi bị kiểm tra thường bỏ trụ sở và thành lập công ty mới.
Vị này cũng khẳng định, một số đơn vị có trụ sở ảo ở nhiều nơi, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để moi tiền người tham gia với tên gọi đầu tư tài chính, đầu tư tiền ảo. Thực chất, đây chỉ là “mồi câu”, tạo niềm tin cho người tham gia đầu tư, mua, bán hàng để thực hiện hành vi lừa đảo. Do vậy, người dân cần cảnh giác với tất cả các hoạt động mời gọi kinh doanh của các công ty đa cấp... để không trở thành nạn nhân.
Ngân hàng Nhà nước cấp phép mới được huy động vốn Theo quy định pháp luật, các hoạt động tín dụng, tài chính muốn hoạt động phải được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Như vậy, không riêng gì công ty Cổ phần Đầu tư Thiên Rồng Việt mà một số công ty khác có dấu hiệu huy động vốn núp bóng hình thức đầu tư tài chính, đa cấp đều sai quy định của pháp luật. Do vậy, khi công ty hoạt động sai phép, người dân tham gia đầu tư vào đối tượng không đúng quy định của pháp luật thì cũng không được pháp luật quản lý, bảo vệ quyền lợi. |
Nhóm PV