Trong cuộc chiến khốc liệt mang tên cuộc đời, mỗi chúng ta đều sẽ có cách riêng để sống sót và nỗ lực chạm đến cuộc sống gói gọn trong 3 chữ, sống an yên. Và thế là người người lo làm giàu, nhà nhà lo kiếm tiền. Người ta nghĩ trăm phương ngàn kế để kiếm tiền. Cuộc đua tiền bạc, giàu sang ấy cứ cuốn đi khiến ta mải miết theo những đồng tiền và rồi quên mất khoản đầu tư không tốn một đồng song lại đem đến giá trị lớn lao: Đầu tư vào lương tâm.
Có một thực tế đáng buồn, đời thực lại chẳng thiếu những kẻ đánh rơi lương tâm. Họ nghĩ cái tôi của người nhiều tiền lớn hơn của người ít tiền. Họ nghĩ giá trị của ông chủ cao hơn giá trị của người làm thuê. Họ nghĩ quan được đặc quyền, dân phải chịu bổn phận.
“Mục hạ vô nhân” dường như trở thành triết lý sống của một bộ phận người. Với họ, có tiền, có quyền đồng nghĩa với việc có đặc ân, có sùng bái. Thế mới có chuyện, ông Chi cục trưởng ở Tuyên Quang túm cổ áo, tát vào mặt một trung uý cảnh sát giao thông vì anh dám dừng xe của ông để kiểm tra nồng độ cồn. Thế mới có chuyện, bà phó phường ở Quảng Ninh sẵn giọng quát “con này mày điên rồi”, khi chị bán rau cố xin lại những mớ rau và chiếc xe cà tàng của mình. Thế mới có chuyện, ông Giám đốc của một công ty ở Sóc Trăng yêu cầu nhân viên nhận tội thay sau khi gây tai nạn.
Đầu tư bất động sản, đầu tư chứng khoán,… ta có thể có tiền, có nhà, có xe, có sự xem trọng về hình thức. Đầu tư vào lương tâm ta có nụ cười, có lời cảm ơn, có sự kính trọng từ tâm. Hơn – thiệt phụ thuộc vào tiêu chuẩn của mỗi người nhưng… thứ không nhìn thấy được thường rất khó để định giá, giống như người đàn ông đang là tâm điểm của mạng xã hội vì một vụ tai nạn.
Chuyện của người đàn ông tên Huỳnh Bảo Toàn bắt đầu từ việc một shipper sang đường bất cẩn chỉ để nhặt 100 nghìn ai đó đánh rơi, bất chấp nguy hiểm khiến tại nạn xảy ra. Xe Mercedec sang, xịn – đối đầu xe máy 2/3 là sắt lộ thiên. Kết cục, xe sang bị gãy thanh mạ phía trước, lưới tản nhiệt, trầy sơn - khối sắt di động với 2/3 lộ thiên kia hoàn toàn bình thường. Sau tai nạn là cuộc chạm mặt giữa 2 người đàn ông, một người có mái tóc chải nếp đều tăm tắp, quần áo phẳng lỳ và một người lùng bùng trong 2 lớp áo nhàu nhĩ, gương mặt đẫm mồ hôi.
Về mặt hình thức, thắng – thua đã điểm nhưng… điều bất ngờ đã đến. “Anh không có tiền để đền cho tôi đâu, bên bảo hiểm họ sẽ lo”, đó là câu nói làm thay đổi cục diện. Lương tâm lên tiếng!
Thế là thay vì bắt đến, anh Toàn biếu người shipper bất cẩn 500 ngàn đồng rồi để anh ta đi. Vài ngày sau, anh tặng luôn người shipper nghèo một chiếc xe mới.
Câu chuyện được truyền thông đăng tải, vạn lời tán dương được gửi đến anh Toàn. Anh chưa từng nghĩ mình sẽ là người nổi tiếng, nhưng giờ thì có lẽ cả triệu người đã biết đến tên anh. Truyền thông tìm đến, anh chỉ cười. Với anh, đó là việc cần làm, nên làm.
Quay trở lại xa hơn một chút, chúng ta sẽ gặp anh Nguyễn Ngọc Mạnh, người dũng cảm cứu sống bé gái 3 tuổi bị rơi từ tầng 12A của chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng trên địa bàn quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Nhiều người gọi anh Mạnh là người hùng, là hiệp sĩ, là siêu nhân,… và nhiều mỹ từ khác nữa. Quả thật, anh xứng đáng với tất cả danh xưng ấy. Nhưng, với anh Mạnh, mọi thứ đơn giản lắm. Đó chỉ là phản xạ vô điều kiện của một người cha, là tiếng nói cất lên từ con tim. Vì cái sự đơn giản ấy mà ngay sau khi cứu cháu bé anh vẫn tiếp tục làm việc và nở nụ cười ngượng nghịu khi được gọi là người hùng.
Những thứ anh Toàn, anh Mạnh đang nhận được chẳng thể quy ra tiền, chẳng trả được tiền điện, tiền nhà hay tiền ăn. Nó chỉ mang đến cho 2 anh nụ cười và niềm vui nho nhỏ vì sự nổi tiếng bất đắc dĩ. Nhưng, phía sau nụ cười ấy là điều kỳ diệu vẽ nên từ 2 chữ lương tâm. Họ không chỉ thay đổi cuộc đời của một người mà của rất nhiều người. Họ không chỉ gieo hy vọng cho một người mà gieo hy vọng cho nhiều người. “Con đường an toàn nhất là không làm gì trái với lương tâm. Với bí mật này, chúng ta có thể hưởng thụ cuộc sống và không sợ chết”. Đầu tư vào lương tâm có bao giờ khiến ta thua lỗ?!
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
LÊ ANH