Vẫn chạy theo số lượng?
GS. Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng bộ Giáo dục cho rằng, hiện nay, nhiều trường ĐH hệ tư thục ở các tỉnh không đáp ứng đủ cơ sở vật chất cho chất lượng đào tạo. Hơn nữa, đến nay, các trường đã bắt đầu năm học được gần hai tháng mà Bộ mới đưa ra "thượng sách" như vậy khiến các trường tỏ ra băn khoăn.
Theo GS. Phạm Minh Hạc, đầu vào quá thấp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra. Trong chuẩn điểm sàn đại học, 14 điểm đã ở mức trung bình. Nếu bây giờ lại hạ thấp nữa thì chất lượng thí sinh sẽ rất kém. Điều này dẫn đến đầu ra sẽ khó đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của xã hội. Nhìn nhận trên phương diện của người quản lý giáo dục, rõ ràng đây là cách đào tạo chạy theo số lượng.
Vị nguyên Bộ trưởng bộ Giáo dục lấy ví dụ, việc tuyển dụng đầu vào quá thấp cũng tương tự như hiện tượng "đẻ non". Khi sản phẩm của giáo dục đào tạo bị “đẻ non” thì rất dễ chết yểu. Hoặc khi lớn lên, sản phẩm này khó đảm bảo được quy chuẩn. "Chúng ta đừng bám vào mục tiêu số lượng. Chiếc bằng ĐH chỉ là cơ sở để một người ra đời làm việc chứ không phải là tất cả", GS. Hạc nhấn mạnh.
GS. Phạm Minh Hạc.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, bộ GD&ĐT đưa ra quyết định hạ điểm tuyển sinh dưới điểm sàn sẽ dẫn đến tình trạng không đạt chuẩn chất lượng giáo dục. Điều này không thể gọi là đổi mới giáo dục. "Tôi cho rằng chúng ta đang đi theo một vết mòn cũ rất sai lầm. Đó chính là bệnh thành tích. Việc chạy theo số lượng trường, đuổi theo số lượng sinh viên là điều không nên. Về hình thức là cứu thí sinh, cứu trường nhưng thực chất là làm hại hai đối tượng này và lớn hơn là cả nền giáo dục. Với quy định trên, chỉ đồng nghĩa với việc làm yên lòng tạm thời thôi", GS. Minh Hạc phân tích.
Nguyên Bộ trưởng bộ Giáo dục cũng cho rằng: Rõ ràng, Bộ đang muốn tăng số người đi học để lấp đầy cho các trường tư thục đang "đói" thí sinh. Đây là việc không nên làm. Vì một khi chúng ta đã thực hiện như vậy ở đầu vào thì không có gì đảm bảo, khi ra trường lại có chính sách ưu tiên tiếp. Và chất lượng lúc đó sẽ như thế nào. Kết cục, các trường sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn chạy theo số lượng, thành tích và hình thức. Sẽ chỉ là sự tốn kém một cách vô ích.
Theo GS. Hạc, đáng lẽ ra, chúng ta phải tăng thêm việc đi học nghề, đi học trung cấp chuyên nghiệp lấy tay nghề để phục vụ những nhu cầu cần thiết của đất nước.
"Giải khát" cho các trường thiếu thí sinh
GS.TS Ngô Thế Chi, giám đốc Học viện Tài Chính khẳng định: "Theo tôi, nếu hạ điểm để các học sinh vùng núi có cơ hội được học ĐH, sau này có khả năng giúp ích cho quê hương phát triển là một việc làm nhân văn. Tuy nhiên, việc hạ điểm như thế nào thì cần phải xem xét và tính toán kỹ lưỡng. Chúng ta không nên hạ điểm tuyển sinh quá thấp so với điểm sàn. Vì như vậy sẽ khó có thể đảm bảo được chất lượng giáo dục đào tạo cũng như đầu ra sau này.
Hơn nữa, khi đã cho thí sinh thấp điểm có cơ hội vào học ĐH thì chương trình đào tạo phải cải tiến làm sao cho phù hợp với trình độ năng lực của họ. Nếu chúng ta không kiểm soát được chất lượng đào tạo trong trường thì quy định trên rất dễ biến thành việc đào tạo chạy theo số lượng".
Trao đổi với PV, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT bày tỏ quan điểm: "Tôi rất hoan nghênh chính sách này của bộ GD&ĐT. Điều này chứng tỏ Bộ đã nhận thấy rõ mặt bằng về văn hóa trong cả nước là không giống nhau. Do đó, việc áp dụng một mức sàn chung cho thí sinh cả nước khi tham gia thi là rất khó khăn. Việc Bộ áp dụng hạ điểm sàn sẽ là cơ hội cho các địa phương nâng cao nguồn nhân lực có trình độ hiện đang rất khan hiếm. Tuy nhiên, cần phải làm mạnh tay và triệt để, tránh tình trạng đào tạo thiên về số lượng mà không có chất lượng sẽ gây lãng phí tài nguyên giáo dục".
Theo ông Nhĩ, rõ ràng hiện nay các trường ngoài công lập đang rất “khát” thí sinh. Mà đã là trường thì mở ra phải có thí sinh để đào tạo, không thể để trường có quá ít thí sinh hoạt động một cách lãng phí được.
Việc bộ GD&ĐT mở rộng đầu vào như vậy sẽ tạo điều kiện cho các trường bổ sung nguồn thí sinh còn thiếu. Tuy nhiên, phải có sự sàng lọc trong quá trình đào tạo và thắt chặt đầu ra để đảm bào có được những sản phẩm giáo dục chất lượng cho xã hội.
Vị nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT nhấn mạnh, hiện nay cách dạy và cách thi của chúng ta vẫn thiên về việc học để lấy bằng cấp. Tuy nhiên, cái chúng ta cần đổi mới để hướng đến là dạy và học là tạo ra những con người có thực lực để phục vụ đất nước. Việc hạ điểm mới chỉ là bước đầu trong hàng loạt vấn đề giáo dục mà chúng ta cần quan tâm. Muốn giáo dục đi lên, Bộ phải mạnh tay hơn nữa và các trường cũng cần đào tạo nghiêm túc. Chúng ta phải có những chế tài mạnh để thắt chặt đầu ra nhằm đào tạo ra những con người có năng lực thực sự giúp xã hội ngày càng phát triển.
Chỉ là giải pháp tình thế TS. Trần Ngọc Liêu, trưởng phòng Đào tạo trường Đại học KHXH&NV Hà Nội cho rằng: Chủ trương hạ điểm chuẩn của bộ GD&ĐT đối với thí sinh một số vùng miền khó khăn là điều có thể hiểu được. Tuy quy định này sẽ "giải khát" cho các trường ngoài công lập đang thiếu thí sinh nhưng chất lượng đầu ra khó có thể đảm bảo được. Do đó, nếu Bộ áp dụng chủ trương này thì cũng không nên hạ điểm quá thấp. Vì như thế sẽ gây khó khăn cho quá trình đào tạo và nảy sinh tiêu cực trong giáo dục. Trong vấn đề này, Bộ cũng nên có yêu cầu cho các trường được phép hạ điểm có một cam kết về đào tạo. Khi đã được ưu tiên, các thí sinh sau này ra trường phải mang kiến thức về để giúp địa phương phát triển. Có như vậy thì chính sách ưu tiên mới thực sự xứng đáng. "Tuy nhiên tôi nghĩ rằng, chính sách ưu tiên của Bộ cũng chỉ là giái pháp tình thế!", TS. Liêu nhận định. |
"Không phải để lấp đầy chỉ tiêu" Theo Thứ trưởng bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: "Chính sách ưu tiên xét tuyển đặc biệt này sẽ được áp dụng từ năm 2012 và từ năm 2013 trở đi nó sẽ là quy chế cứng trong tuyển sinh giáo dục đại học. Chính sách đặc thù trong tuyển sinh hoàn toàn không phải là phương thức lấp đầy chỉ tiêu mà nhằm đào tạo phát triển nguồn nhân lực có trình độ tại các vùng kinh tế khó khăn". |
Dương Thu