Liên quan đến vụ việc nhiều xe thuộc hãng taxi Vinasun dán decal phản đối Uber, Grab, xuất hiện tại TP.HCM, cơ quan chức năng, bộ Công Thương, sở Giao thông Vận tải, Thành uỷ, UBND TP.HCM đều đã có phương án xử lý. Trước những phản ứng từ phía dư luận, Vinasun cũng đã gửi tin nhắn đến từng tài xế, gỡ bỏ các decal dán trên xe vài ngày qua.
Trước tình hình trên, nhân vật chính của câu chuyện cạnh tranh không lành mạnh là Uber và Grab lại không hề có động thái nào tỏ ra quan tâm.
Giám đốc Grab Việt Nam - ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, hành động của tài xế Vinasun không ảnh hưởng đến đơn vị và ông không quan tâm đến chuyện này. Tương tự, đại diện hãng Uber Việt Nam cũng không bình luận và không có động thái phản đối.
Diễn biến vụ việc trên có phần đi ngược lại với những tính toán của Vinasun trước đó. Thay vì tẩy chay Uber và Grab như nội dung in trên decal, nhiều người tiêu dùng cho rằng đây chỉ là một hành động "thiếu tầm nhìn, chiến lược" của lãnh đạo Vinasun, làm xấu hình ảnh thương hiệu taxi truyền thống từng chiếm lĩnh thị trường TP.HCM nhiều năm qua.
Bàn về câu chuyện của các "ông lớn" taxi, Mai Linh cũng là một hãng xe taxi lâu đời, từng là đối thủ ngang tài ngang sức với Vinasun, phân chia "miếng bánh" thị phần màu mỡ.
Kể từ khi Uber và Grab xuất hiện, Mai Linh và Vinasun đều lâm vào tình trạng doanh thu, lợi nhuận sụt giảm gần 50% so với giai đoạn trước, Vinasun cắt giảm hợp đồng với 8.000 nhân viên thì 6.000 lao động của Mai Linh cũng phải nói lời chia tay với công ty chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017.
Tuy vậy, để chống lại sự lớn mạnh của các hãng taxi công nghệ, Mai Linh lựa chọn phương án đối đầu trực tiếp với UberMOTO và GrabBike trên lĩnh vực vận tải hành khách bằng xe lam, xe máy.
Mai Linh sẽ triển khai dịch vụ xe ôm M.Bike với mức giá cước rẻ ngang ngửa GrabBike trên nền tảng ứng dụng công nghệ đặt xe trực tuyến - tức cạnh tranh với Grab, Uber bằng chính cách mà đối thủ đang sử dụng.
Mai Linh kỳ vọng với lợi thế uy tín hơn 15 năm qua, am hiểu thị trường Việt Nam và đội ngũ nhân sự sẵn có..., công ty có thế tái cơ cấu để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Dẫn lời một chuyên gia kinh tế trao đổi với PV, vị này cho rằng thị trường luôn thay đổi không ngừng, sự xuất hiện các đối thủ cạnh tranh ban đầu có thể sẽ khiến các thành viên cũ trên thị trường chịu ảnh hưởng ít nhiều, nhưng đó cũng là cơ hội để họ "lột xác".
"Lột xác" chắc chắn sẽ phải chịu đau đớn, nhưng nếu doanh nghiệp có sức mạnh thực sự, biết tái cơ cấu chi phí, quản trị và nâng cao chất lượng dịch vụ, thì không cần phải nói xấu đổi thủ, người tiêu dùng thông minh chắc chắn sẽ có lựa chọn thích hợp.