Thủ khoa, á khoa hai trường đại học
Ấn tượng của tôi về Trần Xuân Bách, thủ khoa ĐH Y Hà Nội (năm 2012) là sự giản dị nhưng rất khẳng khái và có chút lạnh lùng, điềm tĩnh, rất khác so với nhiều bạn cùng lứa tuổi. Tôi càng bất ngờ hơn khi nghe những chia sẻ của chàng trai thủ khoa này về sự học và việc học.
Khá bận rộn với công việc học tập tại trường, đặc biệt với một chút áp lực là thủ khoa đầu vào, sau nhiều lần hẹn gặp, tôi cũng đã có một buổi trao đổi thú vị với chàng trai thủ khoa khiến không ít người ngưỡng mộ năm vừa qua. Trần Xuân Bách không những đạt điểm tuyệt đối là thủ khoa đầu vào ĐH Y Hà Nội với 3 điểm 10 (Toán 10, Hóa học 10, Sinh học 9,75 - làm tròn 10 điểm), Bách còn đỗ á khoa khoa Công nghệ thông tin của ĐH Bách Khoa Hà Nội với 28 điểm, chỉ kém thí sinh đỗ thủ khoa 0,25 điểm. Nhiều người sẽ còn bất ngờ hơn nữa vì Bách không hề là học sinh của trường chuyên, lớp chọn, cũng không được sinh ra trong một gia đình khá giả, không ôn luyện ở bất kỳ trung tâm luyện thi nào.
"Bố em là Trần Thiên Hà, 42 tuổi, là nông dân, thích nghe nhạc của Đàm Vĩnh Hưng, mẹ em là Trần Thị Thu, 39 tuổi, cũng là nông dân, thích đi siêu thị và xem tivi, em có một em gái là Trần Thị Ngọc Diệp học lớp 10", Bách vui vẻ kể về từng thành viên trong gia đình mình với những chi tiết đơn giản, thường nhật, không màu mè. Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở vùng đất Quảng Oai (Ba Vì, Hà Nội), bố mẹ của Trần Xuân Bách đều làm nghề nông với nhiều khó khăn về vật chất. Có lẽ, chính xuất phát điểm khó khăn đó nên cậu học sinh lớp 12 A3 Trường THPT Quảng Oai từ nhỏ đã ý thức được việc học với tương lai sau này.
Bách chia sẻ, người ảnh hưởng lớn nhất đến sự cố gắng nỗ lực học tập của Bách là người mẹ tảo tần sớm hôm chăm lo cho gia đình nhỏ và chỉ dạy các con những bài học lớn trong đời nhưng rất nhẹ nhàng. Những lời nói của mẹ với Bách không đao to búa lớn. Bài học mà mẹ hay nói với Bách là đưa ra tấm gương những người anh chị, họ hàng nỗ lực phấn đấu, học tập ra sao, được cấp học bổng du học như thế nào. Giờ đây, mọi người đều được kính trọng, được vinh danh mỗi lần về quê. Những điều mẹ nói với Bách là những thứ vừa gần gũi, những con người mà cậu từng được tiếp xúc và từng được gặp gỡ.
Trần Xuân Bách cho rằng tự học là chìa khóa của thành công
Dù đỗ thủ khoa và á khoa hai trường đại học danh tiếng tại Hà Nội nhưng Bách cũng từng mê game. Bách kể, không ít lần cậu đi chơi game tới tận khuya mới về, khiến cho cả nhà nháo nhào đi tìm. Không ít lần, mẹ cậu phải đến tận hàng game để tìm cậu con trai về. Đến bây giờ, nghĩ lại Bách vẫn tự trách mình đã từng có thời gian khiến cha mẹ phải lo lắng quá nhiều.
Khác với các ông bố bà mẹ trói chân hay đánh mắng con cái sau những sai lầm, những đêm khuya dù phải tìm con ở quán game nhưng mẹ của Bách cũng không hề đánh chửi mà lại tiếp tục giảng giải cho cậu hiểu về tác hại của game và nêu ra ngay những tấm gương sáng trong họ để cậu học tập. "Chỉ có học tập mới giúp con người ta có thể sống tốt và có điều kiện để thực hiện ước mơ, hoài bão và chăm sóc tốt cho những người mà họ yêu thương. Từ khi nhỏ, mẹ đã nói với em rằng: Chỉ có học giỏi thì mới vươn lên được, sau này không phải chân lấm tay bùn như mẹ, điều đó là động lực lớn cho em đặt mình vào tư thế phải học". Từ lúc đó, Bách nhận ra rằng, không chỉ với bản thân Bách mà với bất cứ một đứa trẻ nào sinh ra ở những vùng kinh tế khó khăn, môi trường sống còn nhiều vất vả thì con đường duy nhất để có tương lai tốt đẹp là phải nỗ lực học tập vượt khó để học giỏi.
Tự giác học tập là chìa khóa thành công
Với Bách, bí quyết để đạt được 30 điểm trong kỳ thi đại học cực kỳ đơn giản. Bách tâm sự: "Em nghĩ rằng, việc học là phải toàn diện, tự giác, quyết tâm, học liên tục. Em có thói quen là cố gắng làm hết những bài tập ngay sau khi được giao, sau đó đọc thêm những quyển sách nâng cao và làm bài tập, quan trọng hơn là nắm vững kiến thức trên lớp và các kiến thức được học thêm hay các kiến thức tự học. Nhưng để làm được một lịch trình đơn giản như vậy quả không phải bất cứ học sinh nào cũng có đủ sự tự giác. Em nghĩ cần phải chuẩn bị đầy đủ trước kì thi cả về mặt kiến thức, tâm lý, cả về cách làm bài thi trắc nghiệm, mà chủ yếu là cần tự luyện nhiều đề thi, nhất là những đề thi các năm trước, từ đó tự điều chỉnh cách làm bài sao cho phù hợp với tư duy của mình, thói quen của mình, vì đề thường có nhiều cách làm. Quan trọng hơn là có "điểm rơi phong độ" đúng vào thời gian thi đại học".
Đặc biệt, dù đạt được số điểm tuyệt đối nhưng ít ai biết rằng, Bách chưa từng đi học thêm ở bất cứ trung tâm luyện thi nào. Trần Xuân Bách cho rằng, học phải là một quá trình liên tục. Học trong thời gian trước khi thi không phải chỉ học thêm và luyện thi ở các lò là quan trọng nhất, mà chúng ta cần có thời gian để tự luyện và tự hấp thu kiến thức, tự nghĩ ra cách làm bài riêng cho mình. Nói chung, ngoài học thêm và luyện thi thì tự học là không thể thiếu. "Em nghĩ việc tự giác trong học tập là do thói quen và ý chí của mỗi con người. Học sinh cần có thói quen luôn chuẩn bị bài trước khi tới lớp (ngay từ những ngày đầu tiên đi học), em luôn làm hết bài tập được giao và ý chí muốn vươn lên vị trí cao hơn sẽ là động lực cho việc tự giác học", Bách tâm sự.
Với nhiều người dân ở xóm Trại (xã Chu Minh, Ba Vì,Hà Nội) thì kết quả đó quả thực không quá bất ngờ. Bởi không những là học sinh học tốt ở trường, ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng, buổi chiều những người dân ở xóm Trại đã gặp cậu ngoài đồng, giúp bố mẹ công việc đồng áng. Với những người hàng xóm, Bách thường được gọi bằng cái tên thân mật là "thằng Bách ngố". Sau mỗi giờ học, Bách vẫn thường giúp bố mẹ công việc đồng áng như bất cứ một người con nào sinh ra trong gia đình làm nghề nông. Công việc hàng ngày khi còn học phổ thông của chàng trai này, ngoài thời gian học trên lớp, là chỉ bảo em gái học hành. Sau những giờ học căng thẳng, hai anh em lại tự giác phân công nhau giúp bố việc nhà. Hình ảnh "Bách ngố" cuốc đất, ra đồng vào những buổi cuối tuần đã quá quen thuộc với những người hàng xóm.
Theo Bách, con người là sản phẩm của hoàn cảnh, nhưng con người cũng có thể quyết định, thay đổi hoàn cảnh đó. Với học sinh, môi trường học tập và gia đình tác động rất lớn đến nỗ lực học tập của học sinh, nhưng nỗ lực ra sao lại do chính học sinh quyết định. Chính vì thế, chàng trai này mơ ước trở thành một bác sỹ giỏi. Từng được chứng kiến nhiều đoàn bác sĩ trong nước và ngoài nước về khám chữa bệnh miễn phí cho những người dân ở vùng quê nghèo mà mình đang sinh sống nên Bách quyết tâm thực hiện ước mơ trở thành bác sỹ từ nhỏ. Rất nhiều những bệnh nhân nghèo đã được cứu sống nhờ tình thương của những người bác sĩ tận tâm.
Bách chia sẻ, dù khi lựa chọn ngành học này, bản thân Bách cũng hiểu được những mặt trái của ngành, những cám dỗ về tiền bạc có thể khiến nhiều người bán rẻ lương tâm của mình. "Ngay tại nơi em sinh sống, em cũng được nghe những người thân, thầy cô giáo em kể về trường hợp bác sĩ này, bác sĩ kia ở huyện hay vòi tiền của bệnh nhân trong khi khám bệnh nhưng lại có người chữa bệnh bằng tất cả nhiệt huyết của mình. Em sẽ nỗ lực trở thành một bác sỹ giỏi, để chữa bệnh cho mẹ và cho nhiều nhiều người sống xung quanh em".
Hoàng Mai - Hoàng Anh