Trong văn hóa từ Á sang Âu
Trong văn chương, cổ tích, truyền thuyết hay huyền thoại của rất nhiều nền văn hóa khác nhau. Trường sinh bất lão đều xuất hiện giống như một ước mơ, một khao khát chân thực đến mứ c gần như có thể chạm tay vào được.
Luyện đan với mong muốn trường sinh bất tử (Ảnh minh họa)
"Tây Du Ký", một trong tứ đại kỳ thư Trung Quốc có đề cập đến việc Mỹ hầu vương Tôn Ngộ Không nhìn thấy đồng loại tự nhiên chết đi mà muốn mình trường sinh bất lão. Vượt muôn trùng khó khăn đi tìm Bồ đề lão tổ tu tiên học đạo thoát khỏi vòng tử sinh. Là tiền đề chính cho những câu truyện truyền kỳ đầy lý thú sau này.
Ở phương Tây cũng có không ít câu chuyện cổ tích hoặc truyền thuyết có đề cập đến vấn đề này. Những vùng đất của những con người bất tử như vùng đất Neverland, tộc người Elf trong rừng thẳm với tuổi thọ cả nghìn năm hay những nhà giả kim thuật, những thuật sĩ, pháp sư với phương thuốc trường sinh bất tử. Ngay trong trường ca vĩ đại Faust của đại thi hào người Đức Johann, trường sinh bất lão giống như một thứ gì quý giá đến mức mà con quỷ Mephisto có thể đem để đánh đổi lấy linh hồn tiến sĩ Faust. Vẫn còn rất nhiều anh hùng, thần thánh trong thần thoại Hy Lạp, thần thoại Bắc Âu cũng gắn liền với sức mạnh và sự bất tử.
Văn hóa Việt Nam thì có hình ảnh chú Cuội ngồi dưới gốc cây đa trên cung trăng. Thực chất, cây đa này không chỉ là một cây thuốc trường sinh bất lão mà còn có khả năng cải tử hoàn sinh, giúp chú Cuội cứu sống lại người vợ đã chết. Cuối cùng do người vợ ngốc nghếch của Cuội tưới nước bẩn mà cây thần bay lên cung trăng, mang theo giấc mơ trẻ mãi không già mà nhân loại vẫn còn tiếc nuối bàn tán mãi khi nhìn lên bầu trời. Trong truyện cổ tích Việt Nam cũng có nhiều giai thoại khác như nhờ ăn ở phúc đức được tiên ban cho thuốc tiên, giúp đỡ con vật nào đó được trả ơn hay gặp tiên nhờ duyên phận. Câu chuyện vẫn xoay quanh cái chủ đề trở nên xinh đẹp trẻ mãi không già.
Con người vẫn già đi, vẫn chết đi theo thời gian. Một vài người bắt đầu theo đuổi cái ước vọng mù quáng khác. Đó là thuốc trường sinh bất lão. Tần Thủy Hoàng Tần Doanh Chính là người tin vào thuốc trường sinh bất tử. Vị hoàng đế tàn bạo này luôn muốn sống mãi để hưởng thụ ngôi vị đứng đầu thiên hạ nên đã bắt rất nhiều học giả điều chế thuốc trường sinh bất tử cho ông. Cuối cùng, ông chôn sống hàng trăm người vì không được kết quả như ý muốn.
Ông còn giao nhiệm vụ cho Từ Phúc đi tìm đảo Bồng Lai thần bí kiếm thuốc trường sinh bất tử. Truyền thuyết cho rằng Từ phúc lợi dụng chuyện này đem hàng trăm đồng nam đồng nữ cùng một con thuyền lớn đến đất Nhật Bản và thuộc địa hóa nó. Mãi cho đến lúc chết, vị vua tài năng mà tàn bạo này vẫn muốn có một cuộc sống xa hoa sau khi chết và đã xây cho mình một khu lăng tẩm vĩ đại với hàng ngàn chiến binh và hàng vạn món đồ dùng xa xỉ.
Thuốc trường sinh bất tử còn được nhắc đến nhiều nhất trong đạo giáo với vai trò là tiên đan, tiên dược. Đạo giáo là một tôn giáo có nhiều nét độc đáo của Trung Hoa cổ đại. Nó có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống văn hóa con người Trung Hoa và cả Việt Nam ta mãi cho đến bây giờ. Đặc biệt nhất là ở lĩnh vực Dưỡng sinh học và Dược học.
Từ thời chiến quốc, các thần tiên trong "Bách Gia Chư Tử" chia làm 3 lưu phái chính là Phục nhị, Hành khí và Phòng trung thuật. Trong đó, Phục nhị chính là ngoại dưỡng, là phương pháp uống đan dược và thảo dược với mục đích để thoát xác thành tiên, trường sinh bất lão. Theo "Bão phác tử - tiên dược" thì thượng phẩm để luyện ra tiên dược là đan sa, sau đó là vàng bạc. Tiếp đến là các loại đá quý, ngọc thạch sau cùng mới đến các loại thảo dược như phục linh, địa hoàng, hoàng liên...
"Bản thảo kinh chú" của Đào Hoằng Cảnh ghi được hơn 700 loại dược liệu, "Thiên kim yếu phương" của Tôn Tư Mạo ghi được hơn 800 loại thảo dược để dùng làm thuốc trường thọ. Tuy không thể tạo ra được thuốc trường sinh bất lão nhưng tất cả đều là những tài liệu có giá trị được sử dụng cho đến ngày nay.
Và thực tế về trường sinh bất tử
Thực ra thì ước muốn trường sinh bất lão không phải là một ước muốn xấu xa. Con người sẽ sống mãi để hưởng thụ, để làm việc, để giúp đỡ người khác, để yêu, để sáng tạo... Và muôn đời nay, con người vẫn luôn không ngừng theo đuổi những phương cách khác nhau để thoát khỏi vòng quay "sinh lão bệnh tử". Liệu có khi nào con người sẽ thành công trong việc đấu tranh với đấng tạo hóa này?
Nhà khoa học Mỹ Ronald DePinho và các cộng sự của ông tại viện nghiên cứu ung thư Dana- Farber đã có những phát hiện mang tính đột phá về loại enzyme mang tên Telomerase. Loại enzyme này có tác dụng giúp duy trì telomere - "mũ bảo vệ" trên đầu của các nhiễm sắc thể. Với chúng ta, giảm lượng telomerase này sẽ kéo theo quá trình lão hóa liên tục và co ngắn của các đoạn telomere, đó chính là nguyên nhân dẫn đến sự già đi của con người.
Các nhà khoa học của đại học Y Minnesota (Mỹ) lại sử dụng một phương pháp để thủ tiêu, loại bỏ các tế bào già yếu, bệnh tật và thay thế nó bằng những tế bào khỏe mạnh. Phương pháp này đã thu được những kết quả hết sức ấn tượng khi thử nghiệm ở loài chuột.
Thậm chí mới đây, những nhà khoa học Kazakhstan còn tuyên bố đã thành công trong việc chế tạo thuốc trường sinh bất tử tại hội nghị khoa học quốc tế tổ chức tại đại học Nazarbayev vào tháng 11/2012. Câu chuyện về thuốc trường sinh khởi nguồn từ Tổng thống của Kazakhstan - ông Nursultan Nazarbayev. Ông lên làm tổng thống từ năm 1990 và luôn mong muốn bất tử. Vì thế vào năm 2009, ông yêu cầu các nhà khoa học phải tìm ra phương thuốc trường sinh bất lão.
Các nhà khoa học Kazakhstan ở trường đại học Nazarbayev ở thủ đô Astana đã mất hai năm để chế ra loại thức uống lên men có tên "nar" (tiếng Kazakh có nghĩa là nuôi dưỡng), có tác dụng kéo dài tuổi thọ con người. Thuốc trường sinh bất lão hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Vì thế, thuốc vẫn chưa được tung ra thị trường.
Một thực tế khác là hiện nay đã có rất nhiều người áp dụng những kỹ thuật thẩm mỹ hiện đại, thay đổi các bộ phận trong cơ thể khiến họ trẻ trung, xinh đẹp hơn thậm chí là tăng thêm tuổi thọ. Tạp chí "Nature" tuyên bố các nhà khoa học Ailen đã phát hiện ra một loại gens biến đổi chống lão hóa. Kết quả thí nghiệm cho thấy, sau khi được điều trị gần 1.800 người mang loại gens này thì chứng lão hóa đã giảm đi rõ rệt.
Và đó cũng chỉ là một trong hàng ngàn phương pháp khác đã và đang được nghiên cứu ở nhiều nơi trên thế giới về tuổi thọ con người. Qua những nghiên cứu trên ta có thể thấy được sự bất lão bất tử đã không còn là chuyện viễn tưởng hão huyền. Với sự phát triển theo cấp số mũ của khoa học kỹ thuật hiện đại, có lẽ vào một ngày không xa ước vọng bất lão bất tử sẽ sớm trở thành sự thật.
Một thực tế là tuổi thọ con người đang ngày một tăng cao. Ở thế kỉ 18, tuổi thọ trung bình của con người chỉ vẻn vẹn có 36 năm. Ngày nay, tuổi thọ trung bình đã tăng lên trên 70 tuổi (người Việt Nam có tuổi thọ trung bình là 73 tuổi), một số nước châu Âu thậm chí còn cao hơn. Như vậy, tự chúng ta cũng đã có khả năng kéo dài tuổi thọ đi gần hơn đến cái mức trường sinh.
Vậy nếu khi nào đó, sự phát triển của khoa học khiến con người trở nên bất lão bất tử thì cuộc sống chúng ta sẽ ra sao? Nếu chúng ta bất tử thì liệu có gọi đó là cuộc sống được không hay đó chỉ là sự tồn tại? Niềm vui sống ở đâu khi thế hệ trước sẽ vĩnh viễn không chết mà trở thành những kẻ cáu bẳn cổ hủ. Thế hệ sau sinh ra chỉ làm áp lực về nhân khẩu cho thế trước. Bạn sẽ ăn cái gì, làm gì, sống ở đâu khi nhân số con người mỗi lúc một tăng. Đến một lúc nào đó mà cha mẹ ông bà, tổ tiên bạn đều trẻ như bạn thì bạn sẽ nghĩ sao? Liệu tình yêu thương, sự ràng buộc đạo đức, chí tiến thủ của bạn có luôn bền vững hay tất cả sẽ suy đồi đi theo thời gian?
Trường sinh bất tử là nấc thang cao nhất của tạo hóa hay chính là sự diệt vong của nhân loại, việc này sẽ là vấn đề còn làm đau đầu nhiều nhà khoa học trong tương lai.
Sống lâu, sống khỏe là mong ước hoàn toàn chính đáng nhưng giá trị đích thực của cuộc sống không chỉ phụ thuộc vào tuổi thọ mà nó còn phụ thuộc vào cách sống của mỗi người. Một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc viên mãn, có ích cho mọi người khiến ta sống mãi trong lòng những người xung quanh. Đó cũng chính là một cách trường sinh bất lão vậy.
Thanh Xuân - Vũ Tùng