Đầu xuân về làng "mổ" xác máy bay

Đầu xuân về làng "mổ" xác máy bay

Thứ 5, 27/12/2012 23:53

Khoảng chục năm trở lại đây, làng Quan Độ (xã Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh) nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc nhờ vào cái nghề "mổ" xác máy bay. Nhờ có nghề này mà người dân làng Quan Độ phất lên trông thấy, có những ngôi nhà cao tầng và xe hơi đủ loại...

Mới đây, làng Quan Độ được nhiều người biết đến hơn vì đã mua được hơn 20 chiếc máy bay cũ đủ loại từ MiG 19, MiG 21 đến IL18.

Thế giới - Đầu xuân về làng 'mổ' xác máy bay

Đại công trường "mổ" xác máy bay

Được sự "bảo hộ" của một "đại gia" trong làng, chúng tôi được mặc sức dạo quanh các công trường "mổ" xác máy bay ở làng Quan Độ. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một công trường "mổ" xác máy bay thật bề thế. Ngay trên lối bê tông đi vào làng ngổn ngang một dãy thân xác máy bay to, tròn, dài. Nào là MiG 19, MiG 21 đến IL18, cái thì đã xẻ vỏ, chỉ trơ lại động cơ, cái thì còn nguyên buồng lái, cái thì phơi bụng trắng lốp như những con cá trắm khổng lồ...

Không khí "mổ" máy bay trong làng nhộn nhịp tấp nập, khói bay nghi ngút, khách đến thăm cũng nhiều, người bán kẻ mua tấp nập... Cả một đống xác máy bay cũ nát cao chất ngất, nhưng chỉ có vài ba người đàn ông hì hục tháo dỡ, mặt mũi lấm lem. Chỉ bằng những công cụ thô sơ như búa đục, cuốc chim và xà beng hay hiện đại lắm là chiếc đèn khò. Những chiếc máy bay đã được những "thợ xẻ" (những người tháo dỡ các chi tiết máy bay) phân loại đâu ra đấy nhiều nhất vẫn là nhôm, được đưa vào lò đúc thành khối hoặc đúc ngay thành nồi ngay tại làng.

Những người thợ ở đầu làng khiến chúng tôi ngạc nhiên khi cho biết tốp của họ chỉ 4 người. Để tháo rời mỗi cái thân máy bay chỉ mất khoảng 3- 4 công. Nhưng để bóc tách phần khoang đầu có nhiều chi tiết máy phức tạp thì lâu công hơn. Khi xác máy bay được "chẻ" ra, các mảnh kim loại được phân loại và xếp riêng ra từng góc.

Mỗi ngày, Quan Độ nhập về hàng tấn phế liệu, việc phá dỡ, phân loại hàng cần rất nhiều nhân công, trong làng không đủ, nhiều nhà còn phải thuê bên ngoài. Người làm thuê cũng kiếm được dăm bảy chục ngàn mỗi ngày. Nhờ vậy, Quan Độ không có hộ nghèo. Nhà gọi là "nghèo" trong xóm cũng có thu nhập vài ba chục triệu mỗi năm. Nhà có thu nhập vài trăm triệu ở đây cũng chỉ được xếp vào hàng "thường thường bậc trung". Các đại gia trong làng mỗi năm phải "hốt" đến bạc tỷ!

Đến bây giờ mọi người cũng không nhớ rõ là ai dắt ai đi buôn đồng nát đầu tiên ở làng nhưng những chiếc máy bay đầu tiên xuất hiện tại làng thu mua phế liệu Quan Độ được nhiều người khẳng định là do anh Đặng Đình Hợp mua về vào khoảng năm 1990 - 1991 gì đó. Đó là lô hàng gồm 3 chiếc MiG 17 và 2 chiếc trực thăng nát bét. Sau anh Hợp, nhiều người khác cũng đem máy bay về làng phá dỡ nhưng không thường xuyên và số lượng cũng không nhiều. Ngoài một vài chiếc MiG 6 khổng lồ, phần lớn máy bay là loại trực thăng AH 26 và MiG 17, 19. Vụ ấy, chẳng biết anh Hợp lời lãi bao nhiêu.

Ông Nguyễn Văn Cừ, trưởng thôn Quan Độ cho biết, "mổ" xác máy bay chỉ là chuyện nhỏ, làng Quan Độ còn mổ... tên lửa, thiết giáp và cả chiến hạm! Những chiếc máy bay này mới nhập về chủ yếu nhập về từ trong phía Nam, ở làng luôn có thợ tỏa đi "săn" hàng, nhờ những thứ này mà làng có nhiều người giầu lên trông thấy.

Gia đình ông Tiến - Lai, một đại gia đồng nát máy bay khẳng định: "Tất cả máy bay đã được tháo hết vũ khí, linh kiện... nhưng kể cả hộp đen có còn hay không chúng tôi cũng chẳng quan tâm làm gì. Điều quan trọng là cố gắng xẻ thân máy bay thành những tấm thép vuông vức, như vậy khi bán lại sẽ được tiền hơn". Nhưng theo ông Lai, "mổ" xác máy bay chưa là gì, người Quan Độ đã từng phá nhiều thứ còn to hơn máy bay nhiều như cầu phà, nhà máy, tàu biển...

Người Quan Độ mua máy bay, tàu hỏa, xe tăng, tàu chiến... theo kiểu mua sắt vụn. Về lọc riêng “nội tạng”, thứ nào ra thứ đó rồi bán. Nói thật, ở đây như chợ trời, chả thiếu gì. Máy bay, tàu chiến, tàu hỏa... mua về thường được phân chia theo lĩnh vực, sở trường rồi bán. Sắt vụn sẽ được đem bán cho làng Đa Hội, hoặc cho các nhà máy gang thép ở Thái Nguyên, Hải Phòng. Nhôm được đẩy sang ngay làng nghề Mẫn Xá bên cạnh. Các dây đồng, linh kiện, bulông, ốcvít, máy móc, môtơ thì gặp ai bán nấy. Dân buôn từ chợ trời Hà Nội thỉnh thoảng cũng kéo nhau về đây tìm mua các chi tiết máy, thiết bị điện, linh kiện còn sử dụng được. Nói tóm lại là chẳng có gì vứt đi cả, thứ gì cũng "hái" ra tiền.

Thượng vàng hạ cám, gì cũng mua

Tại công trường, ông Nguyễn Thanh Long, một trong những "đại gia" khét tiếng buôn khí tài quân sự cũ và chỉ huy công trường "mổ" xác máy bay chỉ tay về phía những thân máy bay IL18 của Nga đang được các "thợ xẻ" nói: Cái máy bay trông thì đồ sộ thế thôi chứ trông vào nhôm chẳng được bao nhiêu tiền. Chủ yếu là các chi tiết máy bay gồm các dây dẫn, giắc cắm và một số bộ phận khác không được gọi bằng tên thông thường, ở đó... có những hợp kim khá đắt tiền.

Ông Long bộc bạch: "Dân làng tôi đi lên từ buôn phế liệu, mua từ ống bơ sữa bò, lon bia đã dùng cho đến mua máy bay, xe bọc thép... Chúng tôi mua hết, cứ có lãi là mua!". Khi chúng tôi hỏi vì sao các "đại gia" như ông lại thường "nhắm" vào những loại phế liệu "hạng sang" là những con "chim sắt" thì ông Long chỉ cười trừ. Ông Long bảo: "Các khí tài quân sự cũ được bán ra thì người ta đã vô hiệu hóa nó rồi, chúng tôi chỉ mua được cái vỏ rách bươm mà thôi! Cứ cái gì là phế liệu, kể cả tàu vũ trụ, chúng tôi mua tất thảy.

Năm ngoái, vụ đấu thầu mua lại một nhà máy xi măng lò đứng vùng Đông Bắc đã thành phế liệu, người ta thấy thấp thoáng bóng các đại gia ở Quan Độ lượn qua lượn lại ở phiên đấu giá. Chẳng biết có mua được hay không nhưng chỉ nửa tháng sau, đường làng Quan Độ đã có đủ lệ bộ của công nghệ xi măng lò đứng đang được các "thợ xẻ" phá rã, gang đi đằng gang, thép đi đằng thép. Ông Nguyễn Văn Hùng, một đại gia buôn phế liệu, cho hay mấy năm trước anh còn rước hẳn được... một đoàn tàu gồm mười toa và một đầu máy hơi nước về làng. Vụ ấy ông Hùng trúng lớn lắm!

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, làng Quan Độ hiện có ba công trường cỡ lớn chuyên "mổ" xác máy bay với công nghệ là búa chim và đèn khò. Những con "chim sắt" khổng lồ nằm rã rượi dọc đường làng và mùi khói khét lẹt thường ngày bốc lên khiến người nơi xa mới đến tưởng như một bãi chiến trường. Cả một đống xác máy bay cũ nát cao chất ngất, nhưng chỉ có vài ba người đàn ông hì hục tháo dỡ bằng các thiết bị thô sơ như búa đinh, búa tạ, cưa sắt, kìm...

Bên một thân máy bay đang được "xẻ" dở, một thanh niên mặt lấm lem khoác lác: "sáng nay tôi cùng hai người bạn vừa "đập" xong một con MiG 21. "Cứ tưởng phản lực cơ thế nào, "choảng" cho vài búa đã bẹp rúm! "Xẻ xác" MiG khó hơn nhiều vì nó chứa đầy một bụng sắt chứ không rỗng ruột như xác trực thăng. Thế mới biết, kinh nghiệm "xẻ" xác máy bay "ăn đứt" những thợ lành nghề qua đào tạo.

Thuê "hoa tiêu" đi "săn" hàng

Theo như lời ông Nguyễn Đức Phúc, phó chủ tịch UBND xã Văn Môn, làng Quan Độ bắt đầu bước vào nghề thu mua phế liệu từ khoảng năm 1986. Ban đầu thì nhỏ lẻ, nhặt nhạnh trong dân, sau đó là mua đồ thanh lý của Nhà nước. Từ tàu thủy, tàu hỏa, xi măng lò đứng, cầu, nhà máy nhiệt điện, nhà xưởng... gì cũng mua tất. Ngoại trừ lô hàng máy bay đầu tiên, ấn tượng nhất phải kể đến lô hàng là cả một kho vật liệu cũ của quân đội thanh lý, mua về từ trên Sơn Tây hay Vĩnh Phú (cũ) gì đó.

Ông Phúc cho biết: "Những năm gần đây, mua bán rầm rộ lắm. Từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi miền ngược, chỗ nào họ cũng mò mẫm, tìm mua hàng thanh lý. Làm nghề này nhiều người phất lên nhanh chóng, nhưng cũng nhiều người sạt nghiệp".

Nghề buôn phế liệu ở Quan Độ chia ra hai sân chơi, những người "đá sân khách" rong xe hơi đi khắp trong Nam ngoài Bắc, săn tìm canô, tàu hỏa, ô tô, nhà máy, xí nghiệp... chở về làng bán cất cho cánh "đá sân nhà". Mỗi cách buôn đều cần những mánh lới riêng.

Một đại gia thủng thẳng nói: "Đừng tưởng nghề này ngon ăn nhé vì kinh doanh phải biết nắm cơ hội. Nếu không, sẽ phải trả giá. Nghề "mổ" máy bay và nghề buôn bán sắt vụn nó gắn chặt với nhau, cùng làm cho nhau phất lên. Một con máy khi mua về, công việc đầu tiên của thợ là phải "khám" toàn bộ máy. Sau đó phân loại cái nào còn dùng được thì tháo hết ra, để riêng một nơi, cái nào không dùng được thì bán sắt vụn. Nhưng kỳ thực việc này phải nhanh nhạy ngay từ lúc đấu thầu, anh nhìn qua cái phải áng được trong đầu ngay.

Theo lời kể của người bạn tôi được biết, để có được những mối hàng lớn, các đại gia ở Quan Độ có hẳn một mạng lưới "hoa tiêu" chuyên săn tin trên mọi miền đất nước. Các đại gia Quan Độ sẵn sàng cấp tiền cho "hoa tiêu" chu du thiên hạ, miễn là có thông tin chính xác đưa về. Đơn vị nào thanh lý tài sản cũ, điện thoại về làng ngay! Ai là người chịu trách nhiệm vụ thanh lý này, điện thoại về làng ngay! ông chủ Long cho hay hồi đầu đi mua chiếc IL18 thanh lý, ông đã phải thuê một phi công già đã nghỉ hưu từng lái loại này để tìm hiểu thông tin về chiếc máy bay để lượng sức mua! Theo bật mí của ông Long, các đại gia "săn" phế liệu phải có "mánh" của mình, có như vậy mới kiếm được những "quả đậm".

Mai Kiên


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.