Ai từng đọc truyện cổ Andersen hẳn đều nhớ, điểm "đặc biệt" của bộ quần áo trên - theo lời hai tên đại bịp - là nó hoàn toàn vô hình trong mắt những kẻ ngu dốt. Khi Hoàng đế sai quan Tể tướng đến xưởng để xem xét tiến độ may áo, quan Tể tướng hoảng hốt nhận ra rằng ông ta chẳng nhìn thấy bất kỳ thứ gì mà hai tên đại bịp luôn miệng rao giảng.
Nhưng vì không muốn bị coi là gã ngốc, quan Tể tướng đành liên tục xuýt xoa khen đẹp. Noi theo "trí khôn" của quan Tể tướng, toàn bộ quần thần và thậm chí cả Hoàng đế cũng không ngừng trầm trồ trước tác phẩm... trong suốt của hai tên lừa đảo tự nhận là thợ may.
Tới ngày rước thần, "bộ quần áo" cũng được may xong. Hoàng đế dẫu trong lòng vô cùng ngượng ngùng khi thấy "đồ đạc" của mình cứ bày ra tồng ngồng cả cụm, song vẫn gắng gượng lên kiệu rời cung. May mắn thay, dân chúng của vương quốc nọ được cái toàn người thông minh, thế nên Hoàng đế đi đến đâu cũng nhận được tiếng khen nức nở.
Rồi bất chợt, một thằng bé không hiểu được khiếu thẩm mỹ cao siêu của người lớn thét lên: "Hoàng đế cởi truồng". Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ. Ngẫm cho cùng, chỉ có trẻ con là ngây thơ và thành thật. Còn lại tất cả những mưu mô, trò lừa lọc, thói đạo đức giả, tài diễn kịch và nhất là tâm lý tự cao tự đại tới mức gần như hoang tưởng đều thuộc về đám người trưởng thành.
Xã hội không thiếu những kẻ kém cỏi cứ ngỡ mình là thiên tài, hễ mở mồm lại đòi ngồi ghế này ghế nọ. Rất ít người dám thú nhận rằng "không nhìn thấy quần áo trên người Hoàng đế" để từ chối một trọng trách mà mình không kham nổi.
Vào lúc này, có thể là quá sớm để khẳng định David Moyes không đủ sức kế tục chiếc áo khổng lồ được Sir Alex Ferguson nhường lại. Nhưng sau một trận đấu nhàu nhĩ nữa của M.U trong quá trình chuẩn bị, một bộ phận không nhỏ CĐV bắt đầu cảm thấy rằng họ vẫn không nhìn thấy phong thái, trang phục của một vị chỉ huy đích thực trên người nhà cựu HLV Everton.
Theo Sao bóng đá