Đầu tháng 8/2020, Ỷ Thiên Đồ Long ký 2020 bản điện ảnh đã hoàn tất quá trình quay phim, chuẩn bị bước vào giai đoạn hậu kỳ. Phim do đạo diễn Vương Tinh cầm trịch, với sự tham gia của những minh tinh hàng đầu xứ Cảng Thơm như: Lâm Phong vào vai chính Trương Vô Kỵ, Cổ Thiên Lạc đóng Trương Thúy Sơn, Triệu Mẫn do Văn Vịnh San thủ vai, Chỉ Nhược được giao cho Khâu Ý Nùng đảm nhiệm.
Năm 1993, Vương Tinh cũng từng sản xuất Ỷ Thiên Đồ Long ký với dàn diễn viên tên tuổi thời điểm đó gồm Lý Liên Kiệt (Trương Vô Kỵ), Trương Mẫn (Triệu Mẫn), Lê Tư (Chu Chỉ Nhược), Khâu Thục Trinh (Tiểu Chiêu), Hồng Kim Bảo (Trương Tam Phong)…
Được biết, tính cả truyền hình và điện ảnh, tác phẩm này đã được chuyển thể thành phim không dưới 10 lần. Ngoài Ỷ Thiên Đồ Long ký, suốt nhiều thập niên qua tiểu thuyết của cố nhà văn Kim Dung vẫn là niềm cảm hứng bất tận của các nhà làm phim Hoa ngữ.
Có những bộ được chuyển thể, làm lại cả chục lần, chẳng hạn như Tiếu ngạo giang hồ được chuyển thể ít nhất 13 lần, Thần Điêu Đại Hiệp cũng có ít nhất 14 phiên bản. Không ít bộ phim đã trở thành tượng đài kinh điển trong lòng khán giả.
Tuy nhiên, trong các tuyệt tác của Kim Dung, có 1 tác phẩm chỉ được chuyển thể duy nhất 1 lần và cho tới nay chưa có phiên bản thứ 2, đó là truyện ngắn Việt nữ kiếm (sáng tác năm 1970) với bộ phim chuyển thể cùng tên do đài ATV Hong Kong (Trung Quốc) sản xuất năm 1986. Phim dài 20 tập, có sự tham gia của “mỹ nhân hành động” Lý Trại Phượng và Nhạc Hoa đảm nhận vai nam nữ chính.
Bộ phim lấy bối cảnh thời Chiến Quốc, kể về mối tình đơn phương của thiếu nữ giỏi kiếm thuật A Thanh (Lý Trại Phượng) với danh sĩ nổi tiếng thông tuệ Phạm Lãi (Nhạc Hoa), người đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Vương Câu Tiễn tiêu diệt nước Ngô. Trong một lần đi dạo, Phạm Lãi gặp 8 kiếm sĩ nước Ngô. 8 kiếm sĩ này ngang ngược chém đứt tay thị vệ của Phạm Lãi, còn vô cớ chém chết dê và đòi giết cô gái trẻ tên A Thanh. Nhưng chỉ với vài động tác, thiếu nữ đã hạ được đám người hung hãn. Thấy vậy Phạm Lãi đứng ra đền dê cho cô gái và đi theo A Thanh vì muốn biết ai là người dạy cô kiếm pháp. Nhưng thực chất A Thanh có được kiếm pháp là do thường xuyên giao đấu với một con vượn trắng mà cô gọi là ông Bạch, từ đó luyện thành chiêu thức võ công mang tên Việt nữ kiếm pháp.
Muốn gặp ông Bạch thì phải đi chăn dê. Từ đó, ngày ngày Phạm Lãi đi chăn dê cùng A Thanh và cô dần phải lòng chàng. Thấy 2 người thân mật thì ông Bạch nổi cơn ghen xông vào định giết Phạm Lãi, nhưng A Thanh ngăn được và đánh nó gãy 2 tay. Biết A Thanh không thể dạy kiếm pháp cho người khác, Phạm Lãi triệu 80 kiếm sĩ giỏi nhất để đấu với cô song họ đều bị hạ gục, sau đó A Thanh bỏ đi biệt tích không ai rõ.
Tuy không trực tiếp học được song dựa vào động tác của A Thanh họ đã sáng tạo ra kiếm pháp giúp quân đội nước Việt tiêu diệt nước Ngô. Sau khi quân Ngô bại trận, Phạm Lãi vui mừng tái ngộ người thương là Tây Thi thì phát hiện A Thanh bên ngoài đòi giết Tây Thi. Nữ kiếm sĩ vượt qua hàng rào thị vệ, đến chỗ đôi tình nhân định xuống tay nhưng cô nhận ra Tây Thi quá đẹp, hơn cả sự mô tả của Phạm Lãi nên bỏ đi. Kết cục, Phạm Lãi bỏ lại tất cả danh vọng, tiền tài cùng Tây Thi sống cuộc đời ung dung tự tại.
Liên quan đến việc Việt nữ kiếm ít được chuyển thể thành phim, một tờ báo Trung Quốc đã có bài viết phân tích về vấn đề này. Theo bài báo, nguyên nhân đầu tiên nằm ở nguyên tác. Việt nữ kiếm vốn chỉ là một truyện ngắn do đó tình tiết không nhiều và phức tạp như các bộ tiểu thuyết đồ sộ khác của Kim Dung.
Tuyến nhân vật cũng khá ít ỏi, chỉ gồm 3 nhân vật chính là Phạm Lãi, A Thanh và Tây Thi nên việc phát triển câu chuyện bị giới hạn. Nguyên nhân thứ hai là ở khâu tuyển chọn diễn viên. Nhân vật chính được miêu tả là một cô gái vừa xinh đẹp, vừa có võ công cao cường nên để tìm được một nữ diễn viên tài sắc như Lý Trại Phượng không phải là dễ. Bên cạnh đó việc tìm người đảm nhận vai mỹ nhân cổ đại là Tây Thi cũng khiến các nhà làm phim đau đầu.
Ngoài ra bộ truyện cũng có nhiều tình tiết, trận đánh rất khó đưa từ trang sách lên màn ảnh ví dụ như phân cảnh A Thanh hạ gục nhiều người chỉ trong chớp mắt. Nguyên nhân cuối cùng nhưng quan trọng nhất khiến các nhà làm phim không ưu ái bộ truyện là do so sánh với các tác phẩm còn lại của Kim Dung, Việt nữ kiếm có độ phổ biến và yêu thích kém hơn hẳn.
Minh Hoa (t/h theo Zing, Dân Việt)