TS Lê Đăng Doanh cho rằng, Kinh tế Việt Nam tuy có lúc đã qua đáy nhưng vẫn chưa tăng trưởng được theo tiềm năng.
“So sánh với một số nước trong khu vực như Indonesia, có nhiều năm chúng ta tăng trưởng cao hơn nhưng đến nay, tăng trưởng chậm lại trong khi lạm phát tăng cao hơn rất nhiều”, TS Doanh nhận xét.
Theo TS Lê Đăng Doanh: “Kinh tế vĩ mô đã ổn định, dự trữ ngoại hối đã tăng nhưng so với các nước trong khi vực rất mỏng. Nợ xấu-cục máu đông chưa giảm, niềm tin của khu vực doanh nghiệp tư nhân giảm sút; thủ tục hành chính rườm rà, nạn tham nhũng gia tăng, tiến độ cải cách doanh nghiệp nhà nước gần như không tiến triển gì cả…”.
“Dù mức bội chi được Quốc hội phê duyệt ở mức cao hơn nhưng xu hướng chung: đầu tư công, đầu tư toàn xã hội…vẫn trong xu hướng giảm nên trong những năm tới, Việt Nam vẫn tăng trưởng hơn năm trước nhưng không phải là tăng trưởng ở mức cao. Các doanh nghiệp không nên chờ đợi nhiều đơn đặt hàng, hợp đồng từ nhà nước mà nên chuyển hướng khác.
7 tháng đầu năm, Chính phủ ra tới hơn 2000 văn bản điều hành, năm 2012 hơn 3000, một Chính phủ ra quá nhiều văn bản, chính sách, thay đổi nhiều như vậy thì doanh nghiệp khó nắm bắt, xoay xở kịp”, TS Lê Đăng Doanh phân tích.
T.S Lê Đăng Doanh (Ảnh: Internet)
Năm 2014 là năm thử thách, có cải cách hay không khi Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 5,8%, nhưng nhiều vấn đề yếu kém của nền kinh tế vẫn còn đó: mô hình tăng trưởng kinh tế không còn phù hợp, nợ xấu ngân hàng, nợ xấu của khối doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước lớn, cải cách thể chế quá chậm, phân hóa giàu nghèo, đầu tư công chưa có phương án tái cấu trúc tổng thể.
Nói về những ảnh hưởng của toàn cầu hóa, theo TS Lê Đăng Doanh, đáng chú ý nhất và có ảnh hưởng nhất với Việt Nam là các liên kết kinh tế khu vực châu Á Thái Bình Dương đã và tiếp tục mở rộng ra rất nhiều. Cho đến năm 2015, ở khu vực này sẽ có thị trường đầu tư chung, thị trường dịch vụ chung, thị trường lao động chung…Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu thành công thì Việt Nam sẽ có quan hệ với nhiều nước công nghiệp hóa cao: Mỹ, Canada, Singapore…Vai trò khu vực ASEAN giảm sút-đề xuất một hiệp định hợp tác toàn diện khu vực.
Nhưng theo ông, một hiệp định như thế này chưa chắc đã được khởi động năm 2015 do có nhiều bất đồng trong các nước dự kiến tham gia: Nhật Bản, Trung Quốc…
Cũng trong bài phát biểu của mình, TS Lê Đăng Doanh đã đưa ra những nhận định về triển vọng kinh tế thế giới 2014. Theo đó, vị TS này cho rằng, trong năm 2014 kinh tế Mỹ phục hồi, kinh tế Trung Quốc cũng tăng trưởng cao hơn. Việc tăng trưởng chung của nền kinh tế thế giới phục hồi sẽ có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam.
Quỹ tiền tệ thế giới đánh giá kinh tế Mỹ tăng trưởng 1,7% lên 2,7% năm 2014, Ngân hàng thế giới cũng dự báo kinh tế Mỹ tăng 2,8% năm 2014.
Khánh An