Doanh nghiệp nỗ lực trước thách thức
Trong những tháng đầu năm 2024, ngành lương thực, thực phẩm của thành phố Hồ Chí Minh đang có dấu hiệu hồi phục và khởi sắc trở lại, các doanh nghiệp đang tích cực sản xuất để đáp ứng các đơn hàng mới, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy hải sản.
Thực tế phản hồi từ các doanh nghiệp trong ngành, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm vẫn còn những khó khăn đối với các doanh nghiệp lương thực thực phẩm.
Hiện một số thị trường xuất khẩu lớn của ngành lương thực thực phẩm, điển hình như EU đã đưa ra những cảnh báo về việc sản phẩm cần đáp ứng các tiêu chí xanh nếu muốn xuất khẩu vào thị trường này.
Bên cạnh đó, những khó khăn trong vấn đề logistics cũng khiến chi phí vận chuyển của doanh nghiệp bị tăng lên nhiều, cùng với đó là giá của các loại nguyên liệu nhập khẩu cũng liên tục tăng lên trong khi doanh nghiệp không thể tăng đầu ra.
Tương tự, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết chi phí trong ngành thủy sản cũng tăng đáng kể, bao gồm giá nguyên vật liệu, giá dầu và cả tỷ giá biến động.
Với ngành thủy sản, thị trường EU trong quí 1/2024 bị ảnh hưởng lớn do các vấn đề tài chính, xung đột địa chính trị nên nhiều doanh nghiệp có tâm lý không muốn xuất khẩu vào EU. Tuy nhiên, điểm tích cực là ba thị trường quan trọng của thủy sản là Trung Quốc, Mỹ, Nhật tăng ổn định khoảng 16% mỗi thị trường.
Ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cho hay, hiện nay, các khách hàng nhập khẩu có xu hướng yêu cầu hàng hóa xanh, sạch hơn, trong khi giá nhập khẩu lại không tăng.
Đây là áp lực kép đối với doanh nghiệp xuất khẩu ngành dệt may, buộc phải đầu tư nhà máy xanh, sạch và chịu áp lực rất lớn về tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội - quản trị), điện mặt trời, giảm phát thải, sử dụng nguyên liệu tái chế… để đáp ứng yêu cầu của các nhà mua hàng ở châu Âu hiện nay và Hàn Quốc, Mỹ... trong thời gian tới.
“Chi phí đầu tư cho giảm tác động môi trường rất cao, biên lợi nhuận của doanh nghiệp dệt may thấp, nên rất mong các tổ chức tín dụng có những gói lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp vay đầu tư xanh hóa”, ông Tùng kiến nghị.
Tuy nhiên, theo ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings, mục tiêu răng trưởng tín dụng 15% vẫn sẽ là mức rất cao ở cả năm nay. Tín dụng tăng trưởng chậm, chủ yếu do 4 yếu tố cơ bản.
Thứ nhất, doanh nghiệp nhìn chung vẫn thiếu hụt đơn hàng mới nên ít có nhu cầu vay thêm vốn. Thứ hai, lãi suất chính sách, lãi suất huy động có giảm nhưng lãi suất cho vay chưa giảm tương xứng. Thứ ba, thị trường gặp khó khăn đã làm cho nhu cầu tín dụng của ngành bất động sản bị ảnh hưởng. Thứ tư, các tổ chức tín dụng thận trọng tăng dư nợ trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu tiếp tục có xu hướng gia tăng.
Cầu nối đưa nguồn vốn vào sản xuất
Trong điều kiện vốn ngân hàng dồi dào nhưng vẫn là vấn đề khó khăn đối với một số doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh. Vậy, làm thế nào để tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển?
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn bắt đầu tăng trưởng dương trở lại từ đầu tháng 3/2024.
Kinh tế tăng trưởng, các ngành, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh phát triển đã kích thích nhu cầu vốn. Nếu như tháng 1/2024, dư nợ tín dụng giảm 0,93%, tháng 2 tăng 0,01% thì tháng 3/2024 ước tính tăng 0,5%.
Năm 2024, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã có những điều chỉnh, thay đổi cách thức tổ chức thực hiện để phù hợp với tình hình thực tế, nâng cao hiệu quả và đạt được mục tiêu chung của chương trình, đó là hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và UBND thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, chương trình được tổ chức theo cụm, khu vực với quy mô hội nghị lớn hơn được tổ chức phối hợp giữa các quận, huyện liền kề (xét về vị trí địa lý và quan hệ phối hợp truyền thống giữa các quận huyện).
Đến hết quý 1/2024, thông qua chương trình đã giải ngân gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp (được 17 thương hiệu ngân hàng trên địa bàn đăng ký từ đầu năm, với quy mô 509.864 tỷ đồng) đạt 174.000 tỷ đồng, chiếm 34% quy mô gói, cho hơn 42.000 khách hàng.
Riêng hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được tổ chức kết hợp giữa 3 quận: quận 3; quận 10 và quận Tân Bình, với tổng số tiền cho vay hỗ trợ đạt 7.500 tỷ đồng. Các doanh nghiệp được giảm lãi suất cho vay các khoản vay cũ; cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ; cho vay ưu đãi lãi suất và tăng hạn mức tín dụng.
Ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, năm 2023, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, phải thu hẹp sản xuất, giảm quy mô kinh doanh. Do vậy, nhu cầu vay vốn ngân hàng cũng giảm theo.
Qua 3 tháng đầu năm 2024, tình hình xuất khẩu đang có dấu hiệu khởi sắc, như ngành du lịch và một số ngành tăng trưởng khá... Cùng với lãi suất ngân hàng đã hạ, theo ông Tuệ, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sẽ tăng lên.
Khi khảo sát doanh nghiệp và ngân hàng, ông Tuệ cho hay doanh nghiệp thường trả lời khát vốn, khó tiếp cận vốn trong khi ngân hàng cũng phản hồi đã nỗ lực tiếp cận doanh nghiệp. Thế nhưng, lý do nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa dễ tiếp cận vốn tín dụng là vì đa số các doanh nghiệp có khó khăn về tài sản đảm bảo, hạch toán chưa minh bạch, quản trị còn yếu kém…
Để khắc phục tình hình này, ông Tuệ cho rằng Nhà nước cần tăng cường các giải pháp kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Còn phía ngân hàng - trong vai người cho vay nên hạ lãi suất đối với các khoản vay cũ, đồng thời tiếp tục đơn giản thủ tục cho vay, tăng cho vay tín chấp.
Đối với người đi vay, doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành…, qua đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Đầu tháng 5/2024, báo cáo với UBND thành phố Hồ Chí Minh về kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hoà - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) bày tỏ mong muốn Thành phố sớm ban hành quyết định về chương trình kích cầu đầu tư trên cơ sở Nghị quyết 98.
Cụ thể, HUBA đề nghị các giải pháp tập trung vào 3 nhóm vấn đề. Thứ nhất, sớm phê duyệt triển khai các dự án mới, tập trung lĩnh vực đang có nhu cầu lớn như y tế và giáo dục, các dự án liên quan đến hạ tầng.
Ông Hòa cho rằng, nếu đẩy nhanh đầu tư công trong lĩnh vực hạ tầng, các doanh nghiệp dự thầu có thể vay nguồn vốn kích cầu để thực hiện các dự án mà thành phố Hồ Chí Minh triển khai đấu thầu.
Thứ hai, sớm rà soát, có quyết định tháo gỡ khó khăn đối với các dự án kích cầu có tính chất chuyển tiếp - các dự án đã được phê duyệt, hưởng một số chính sách lãi suất từ trước năm 2020 nhưng bị gián đoạn.
Thứ ba, tổ công tác kích cầu cần xem xét xây dựng, kích hoạt các dự án có tính chất liên vùng. Ví dụ một số dự án xử lý rác, đốt rác phát điện có nhà máy nằm ở các tỉnh lân cận, đang giải quyết nhu cầu xử lý rác thải của thành phố Hồ Chí Minh và địa phương nơi trú đóng.