Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc tiếp xúc với ngôn ngữ khác ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ kích thích khả năng khám phá của trẻ, đặc biệt nên tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc sớm vì sẽ bộc lộ khả năng học ngoại ngữ tốt hơn.
Tuy nhiên, có khá nhiều trường hợp “nhồi nhét” cho trẻ học ngoại ngữ một cách khiên cưỡng, dẫn đến tình trạng rối loạn ngôn ngữ.
Dạy ngoại ngữ sớm cho trẻ như thế nào để không bị phản tác dụng?
Câu chuyện rối loạn ngôn ngữ
Không ít gia đình mong mỏi con mình giỏi ngoại ngữ, đã tìm cách ép con học ngoại ngữ từ rất sớm, thậm chí so sánh với những hiện tượng thần đồng “con nhà người ta” và soi vào đó để thôi thúc con mình mau tiến bộ.
Tuy nhiên, nhiều bố mẹ chưa lường trước, khả năng tiếp thu của mỗi trẻ không giống nhau, nếu quá rập khuôn theo một phương pháp và gây sức ép có thể tạo ra những hệ quả không mong muốn.
Cô giáo N.L.A. của một trường mẫu giáo tư thục tại Hoàng Mai, Hà Nội, đã chia sẻ về trường hợp của một cậu bé có dấu hiệu rối loạn ngôn ngữ khá rõ rệt.
Cậu bé T.T.M. (SN 2014) được đưa đến lớp từ hơn một năm trước, với những biểu hiện mất tập trung trong hành động. Khi giáo viên và các bạn giao tiếp với M. bằng tiếng Việt, cậu bé dường như không hiểu gì, không có sự lắng nghe, cũng không phản hồi, tách biệt khỏi tập thể.
Trong mỗi giờ học, hầu hết M. chỉ ngồi yên trên ghế của mình, quan sát mọi việc diễn ra, thay đổi ánh nhìn liên tục, không thể tập trung về một hướng.
Tuy nhiên, trong giờ học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, M. lại tỏ ra thật sáng dạ, trở thành “ngôi sao” của lớp.
M. có thể giao tiếp với thầy giáo khá lưu loát bằng tiếng Anh, thầy dạy từ mới nào M. cũng nhanh chóng hiểu và thuộc. Khi đưa một hình ảnh quả cam, M. không biết phát âm tiếng Việt sao, nhưng lại có thể phát hiện ra đó là “orange”. M. nhìn thấy một con voi trong phim hoạt hình, cũng bật thành tiếng “elephant”...
Sau khi cô giáo L.A. trao đổi với gia đình M., được biết, bố mẹ M. là những tiến sỹ, thạc sỹ từng có thời gian dài làm việc tại Singapore và Australia, nên khi về nhà cũng thường xuyên sử dụng tiếng Anh.
M. đã phần nào bị ảnh hưởng, tiếng Anh là ngôn ngữ mà M. nghe, hiểu nhiều hơn tiếng mẹ đẻ. Chính vì vậy, ở môi trường học với giáo viên và bạn bè người Việt, M. như bị “lạc” khỏi tập thể, khó hòa nhập, khó tập trung, vì nghe không hiểu gì.
Phải mất khoảng thời gian gần một năm cô L.A. dạy M. tiếng Việt như một đứa trẻ lần đầu tiên học nói, M. mới có thể hiểu những từ đơn giản và tiếng Việt.
Còn rất nhiều câu chuyện đã từng được chia sẻ trước đây, như một hệ quả của việc giáo dục ngôn ngữ mới cho trẻ không đúng cách. Đã từng có câu chuyện, một đứa trẻ được bố mẹ rèn cho học tiếng Anh từ quá sớm, lại tạo sức ép nên gặp khó khăn trong giao tiếp tiếng Việt, đến mức, khi về quê, không giao tiếp được với cả ông bà.
Lưu ý khi cho trẻ học ngoại ngữ
Tham gia trao đổi về việc dạy ngôn ngữ mới cho trẻ, một tài khoản có tên Hoàn Lê cũng bày tỏ quan điểm: “Xây nhà thì xây từ móng, từ gốc, chứ không ai xây nhà từ mái, từ ngọn cả. Việc gì cũng phải có nền tảng. Cho trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ thứ hai sớm cũng tốt, tuy nhiên, trước tiên, trẻ phải biết, phải hiểu được ngôn ngữ sẽ sử dụng để giao tiếp hàng ngày trước đã, rồi mới tính đến chuyện học ngôn ngữ thứ hai. Khi trẻ chưa hiểu mình đang nói gì mà ép trẻ học thêm ngôn ngữ khác sẽ bị loạn ngữ và gặp cản trở trong giao tiếp”.
Chuyên gia tư vấn xây dựng thương hiệu Bùi Ngọc Phúc chia sẻ: “Bé nhà mình được tiếp xúc với tiếng Anh từ 5 tuổi thông qua các bài hát tiếng Anh, sau đó là bố mẹ tự dạy những từ đơn giản ở nhà trước khi cho bé vào môi trường tiếng Anh trong học đường”.
Theo anh, trào lưu dạy ngoại ngữ quá sớm cho con từ nhiều bà mẹ trẻ mà quên đi việc trẻ cần nói tốt tiếng Việt trước đã. Trường hợp trẻ quên tiếng Việt không nhiều, nhưng do lỗi của bố mẹ đã không cân bằng việc cho trẻ tiếp xúc giữa ngoại ngữ và tiếng Việt. Ngoại ngữ nào cũng là một công cụ giao tiếp, học và sử dụng là cả một quá trình, các phụ huynh không nên “đốt cháy giai đoạn”.
Chuyên gia tâm lý Vũ Trường Giang chia sẻ: “Đã có khá nhiều trường hợp trẻ bị rối loạn ngôn ngữ hay hành vi chỉ vì học ngoại ngữ quá sớm, việc này xảy ra do việc học ngoại ngữ không đúng cách, không tốt cho sự phát triển của trẻ. Điển hình như việc ép trẻ học ngoại ngữ hơn cả tiếng mẹ đẻ một cách quá mức, dù chưa đến trường và để con xem video trên mạng nhiều giờ mà không có sự hướng dẫn, hay khi con học không có sự tương tác của bố mẹ”.
Theo anh, nguyên tắc quan trọng nhất để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho trẻ khi học ngoại ngữ là bố mẹ cần đồng hành khám phá ngôn ngữ mới qua việc tham khảo, áp dụng những phương pháp thú vị: trò chơi, thẻ chữ, phim hoạt hình, âm nhạc,... Trong quá trình đó, bố mẹ cũng cần phân biệt rạch ròi giữa các ngoại ngữ khác nhau, tránh để xảy ra hiện tượng loạn ngôn ngữ.
“Chúng ta cần phân biệt rõ hai khái niệm trẻ học song ngữ hay học ngôn ngữ thứ hai. Trẻ học song ngữ là trẻ có bố hoặc mẹ là người nước ngoài, người còn lại là người Việt Nam. Những trẻ này sẽ được tiếp xúc với cả hai ngôn ngữ cùng lúc ngay khi chào đời, nên khá thoải mái khi sử dụng song song hai ngôn ngữ trong giao tiếp hàng ngày.
Tuy nhiên, trẻ Việt Nam đa số là trường hợp thứ hai, học một ngôn ngữ mới. Trên góc nhìn tâm lý, tôi thấy độ tuổi phù hợp cho trẻ tiếp xúc và học ngoại ngữ phụ thuộc vào nhận thức và tâm lý của chính mỗi đứa trẻ trong từng thời kỳ. Điều quan trọng là phương pháp bố mẹ hướng đến để dạy ngôn ngữ mới cho trẻ” - chuyên gia tâm lý cũng cho biết thêm.
Theo Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục, hai năm qua, mỗi tháng trung tâm tiếp nhận trung bình 50 trẻ được đưa đến trị liệu, trong đó có nhiều trường hợp bị rối loạn ngôn ngữ, nhầm lẫn giữa tiếng Việt và tiếng Anh. Thường phải mất 2 - 3 năm trị liệu, khả năng ngôn ngữ của trẻ mới được cải thiện.
An Nhiên