Tết đến xuân về, bên cạnh nỗi lo tiền thưởng, sắm sửa, dọn dẹp nhà cửa, nhiều chị em, nhất là các nàng dâu mới không khỏi đau đầu với câu hỏi Tết này biếu mẹ chồng bao nhiêu tiền thì hợp lý?
Dù là chị em đã có“kinh nghiệm xương máu” hay chị em mới bỡ ngỡ có cái Tết đầu tiên ở nhà chồng thì chuyện biếu tiền bố mẹ chồng vẫn là nỗi băn khoăn lớn.
Thậm chí có những cặp vợ chồng còn “chiến tranh lạnh” khi ý chồng một đằng, ý vợ một nẻo.
Mới đây, trên diễn đàn mạng, một nàng dâu cũng chia sẻ hoàn cảnh của mình: “Các chị cho em hỏi Tết thì biếu mẹ chồng mấy triệu là vừa ạ? Em thì 4-5 triệu đồng thôi và mua sắm đủ thứ nhưng ai nghe thế cũng chê “hẻo”. Trong khi em còn phải trả nợ tiền mua nhà trả góp và cũng nhiều việc phải chi tiêu”.
Ngay khi được đăng tải, câu chuyện đã thu hút được không ít ý kiến tranh luận của các chị em.
Nhiều chị em đồng tình rằng, "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", tiền biếu Tết nhiều hay ít tùy thuộc vào thu nhập của hai vợ chồng, cũng như kinh tế và mức chi tiêu của gia đình chồng.
Như quan điểm của tài khoản có tên G.D.T.I : “Tùy điều kiện kinh tế mỗi người, bạn không phải so sánh ai nhiều ai ít làm gì”.
Tài khoản Luong Lam Quynh cũngcho rằng: “Em thì nghĩ đang còn trả nợ mua nhà, mình có bao nhiêu biếu bấy nhiêu thôi chị”.
Tài khoản Cao Lâm Biếu bày tỏ: “Bao nhiêu là ở tấm lòng mình thôi,mình không có điều kiện thì của ít lòng nhiều bạn ạ,còn bà nghĩ thế nào hay phân biệt ra sao thì tuỳ bà,mình cứ làm tròn bổn phận người con là được”.
Bên cạnh đó, nhiều chị em cho rằng người làm cha, làm mẹ thường coi trọng tấm lòng của người tặng chứ không phải vật chất. Cái họ muốn không phải là tiền, hay món quà giá trị.
Thực chất ai cũng vậy, khi nhận quà đều mong người tặng thấu hiểu mình và tặng món quà ý nghĩa.
Tài khoản Cẩm Vân chia sẻ:“Năm nào vợ chồng mình cũng biếu nhưng không bao giờ mẹ nhận. Mà đã biếu thì phải biếu cả 2 bên bằng nhau.
Vợ chồng mình làm công nhân nên mọi năm biếu mỗi bên 1triệu. Năm nay thấy chồng bảo biếu 2triệu mà mình lo ông bà lại nằng nặc không nhận ấy”.
Chị V.T.H.G bộc bạch: “5 năm từ khi cưới đều nội ngoại biếu bằng nhau: 2triệu đồng. Còn tết về nội nên sắm tết nữa. Lì xì ông bà mỗi người 500 nghìn đồng. Ông bà 2 bên như nhau. Các cụ nhà em thương con. Không chê bao giờ. Còn bảo có đâu mà cứ đưa”.
Đồng tình với ý kiến này, tài khoản Nguyễn L. A. bình luận:“Mình nghĩ không cần quan tâm ai nghĩ gì hay nói gì. Bạn cứ về chăm lo mua sắm lễ bàn thờ tổ tiên cho tốt còn có nhiều thì cho bố mẹ nhiều có ít cho ít bạn ạ. Thậm chí là 500 nghìn đồng cũng là hiếu thảo nếu hoàn cảnh mình không cho phép.
Giờ vợ chồng bạn đang còn nợ nần thì biếu vậy mình thấy là nhiều rồi. Sống với nhau cốt ở cái tâm và tình cảm thôi… Khi mình trả hết nợ rồi cuộc sống dư dả thì khi đó cho bố mẹ nhiều hơn. Không có thì phải chịu chứ có thì cho bố mẹ mình chứ ai mà thiệt…”.
Năm hết Tết đến, tặng quà hay biếu tiền tiêu tết cũng là một cách để các nàng dâu thể hiện tình cảm, sự quan tâm, lòng hiếu thảo với mẹ chồng nhưng ý nghĩa quan trọng hơn của ngày Tết là dịp để mọi thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, hỏi han sức khỏe, ôn lại những kỷ niệm và kể lại cho nhau những điều đã diễn ra trong một năm vừa qua.
Thiết nghĩ, không khí quây quần, đầm ấm, tình cảm xuất phát từ cái tâm chân thành giữa các thành viên trong gia đình quan trọng hơn giá trị món quà hay số tiền biếu bố mẹ ngày Tết, đúng như câu “quà nào bằng gia đình sum họp, Tết nào vui bằng tết đoàn viên. Đây là một lời khuyên từ chuyên gia tâm lý lĩnh vực gia đình.
Hương Giang (tổng hợp)