Lâu nay chúng ta có không ít trăn trở với chương trình học ôm đồm kiến thức nhưng lại thiếu tính ứng dụng thực tế. Chính vì thế, ngành giáo dục rất cần một cuộc đột phá lớn để giải phóng học sinh khỏi vòng vây chằng chịt của những kiến thức khô khan, quá tải.
Song hành với hành trình chinh phục đỉnh cao tri thức bằng tiếng Việt là sự ưu tiên phát triển thứ tiếng thông dụng nhất trên thế giới: Tiếng Anh.
Đề án “Đổi mới dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2008 - 2020” đã được ưu ái, “rót” 9.400 tỉ đồng ngân sách nhằm thúc đẩy trình độ tiếng Anh của học sinh Việt Nam. Có thể nói, đây là khoảng thời gian mà tiếng Anh có đầy đủ những yếu tố cần để vươn lên tầm cao mới. Vậy mà, sau 2/3 chặng đường, đề án thu lại kết quả thật sự hụt hẫng: Tính đến năm 2016, cả nước mới có 1.617.022 học sinh lớp 3, 4, 5 trên tổng số 7.784.685 học sinh được học tiếng Anh 4 tiết/tuần.
Như vậy mục tiêu mới chỉ đạt 20%. Không những vậy, 51% giáo viên tiếng Anh tiểu học chưa đạt chuẩn theo khung năng lực 6 bậc của Việt Nam. Tình trạng bồi dưỡng, tập huấn theo kiểu “tiêu cho hết tiền” đã xảy ra. Bằng cấp, chứng chỉ “phổ cập” tràn lan. Số lượng thì tăng đến chóng mặt nhưng chất lượng thì vẫn còn là… câu hỏi ngỏ chờ người giải đáp.
Trong khi chúng ta cần dốc sức hơn nữa cho việc nâng cao chất lượng bộ môn Tiếng Anh trong nhà trường thì Bộ GD&ĐT lại “quay ngoắt” một cách bất ngờ. Bộ chủ trương thí điểm tiếng Trung, tiếng Nga thành ngoại ngữ thứ nhất, xây dựng theo chương trình hệ 10 năm, thí điểm ở lớp 3 từ năm 2017. Bên cạnh đó, phát triển thêm tiếng Hàn, Pháp, Đức thành ngoại ngữ thứ hai. Tất cả như hàng loạt “giọt nước” làm tràn “chiếc ly” áp lực lâu nay.
Mặc dù Bộ đã khẳng định đây không phải là một "quy định cứng" và mỗi địa phương tùy tình hình thực tế, nhu cầu của học sinh để tổ chức thí điểm. Nhưng đã là “thí điểm” của Bộ thì kể cả có làm hay không chúng ta cũng phải có một bước đệm chuẩn bị cho “dự định” đó.
Sau một chặng đường dài đầu tư phát triển, nguồn giáo viên Anh ngữ chất lượng còn khan hiếm thì giờ đây, chúng ta kiếm đâu ra một đội ngũ giáo viên Trung ngữ, Nga ngữ đủ tiêu chuẩn để đứng lớp?
Nếu cứ gượng ép “cố đấm ăn xôi” thì dự báo sẽ có hai tình huống xảy ra. Một là học sinh bị “bội thực” ngoại ngữ, những “con gà công nghiệp” với cặp kính cận dày cộp, những đứa trẻ mất tuổi thơ sẽ nhân giống. Hai là ngân sách nhà nước lại một lần nữa ra sông ra bể bởi học sinh lại “cưỡi ngựa xem hoa”. Rất lãng phí!
Chúng tôi đồng tình khi đại diện của ngành giáo dục khẳng định không thích từ “chuột bạch” trong giáo dục. Tuy nhiên, không dùng từ ấy thì đúng là chẳng biết dùng từ gì để lột tả “nỗi khổ” của học sinh hiện nay.
Nguyễn Ngọc
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả