Sáng 5/12, kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khóa IX tiếp tục ngày làm việc thứ hai với việc thảo luận của các đại biểu về tình hình kinh tế - văn hóa – xã hội năm 2017 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2018.
Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu đặt nhiều câu hỏi liên quan đến công tác giáo dục nói chung và quản lý giáo dục trường mầm non, trong đó có cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh – nơi vừa phát hiện vụ bảo mẫu bạo hành trẻ em nói riêng.
Bà Châu đề cập đến thông tin, cơ quan chức năng địa phương nói quản lý tốt cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh nhưng lại không biết đường đến cơ sở này? Nếu quản lý tốt thì không thể có chuyện đoàn đi kiểm tra phải hỏi đường tới cơ sở mầm non Mầm Xanh.
Cũng theo bà Châu, thông tin đoàn kiểm tra phải hỏi đường đến cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh còn phải kiểm chứng lại, nhưng dư luận đó thật sự là điều đáng báo động về công tác quản lý trường mầm non, nhóm trẻ ngoài công lập hiện nay.
Ngoài nội dung về các vấn đề liên quan đến quản lý giáo dục mầm non, ĐB Tô Thị Bích Châu cũng dành thời gian nói về đề án Thành phố thông minh mà UBND TP.HCM dự định triển khai thí điểm tại quận 1 và quận 12 trong thời gian sắp tới.
Theo đó, bà Châu cho rằng, đề án Thành phố thông minh có lẽ đang thiếu sót bởi chưa thấy phần nội dung liên quan đến giáo dục.
“Không có nội dung liên quan đến giáo dục, nếu người dân muốn tra cứu trên địa bàn quận, huyện có bao nhiêu nhà trẻ, bao nhiêu trường mầm non tư thục thì phải làm thế nào?. Rồi cần đánh giá chất lượng cụ thể của từng trường để người dân so sánh, lựa chọn”, bà Châu đặt câu hỏi.
Từ đó bà Châu kiến nghị: “Chúng ta nên thí điểm trước việc tra cứu và đánh giá trường mầm non tư thục, nhà trẻ ở những quận có nhiều dân nhập cư. Nếu làm được như vậy sẽ tránh xảy ra một vụ Mầm Xanh như thời gian qua”.
Cũng trong buổi làm việc sáng nay, ĐB Cao Thanh Bình, Phó ban Kinh tế ngân sách HĐND TP bày tỏ quan tâm đến việc xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước theo quyết định 09/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ĐB Bình, số địa chỉ nhà đất đã được thống kê và đề xuất phương án xử lý ở TP hiện rất lớn, 12.834 địa chỉ với 244.184.549m². TP đã bán và chuyển nhượng quyền sử dụng đất 625 địa chỉ, thu về 10.789 tỷ đồng cho ngân sách.
Nhưng qua giám sát cho thấy, khối lượng nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn có nhiều nơi bị buông lỏng quản lý nên hồ sơ không đầy đủ, các hộ xung quanh lấn chiếm, khiếu nại, đến nay không thu hồi được.
Việc cho thuê nhà đất công cũng mỗi nơi làm một kiểu, áp dụng một mức giá khác nhau. “Nếu không xem xét lại thì đây là sự lãng phí rất lớn”, ông Bình nói.
Ông Bình cũng cho biết, một số diện tích nhà đất quy hoạch cho giáo dục, y tế nên cố gắng giữ diện tích này chứ không phải lúc nào cũng quy về xử lý đấu giá theo quyết định 09.
Từ đó, ông Cao Thanh Bình kiến nghị Thủ tướng sớm ban hành quyết định thay thế hoặc quyết định sửa đổi bổ sung quyết định 09; tăng cường quản lý kê khai đầy đủ, xử lý minh bạch, công khai tạo nguồn thu cho đầu tư phát triển.