Sáng 18/11, QH tiến hành chất vấn Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình về nhóm vấn đề: Giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là công tác xét xử về dân sự, hành chính, các vụ án tham nhũng; việc nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Theo đăng ký, có 54 ĐBQH muốn chất vấn Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình.
ĐB Lê Ngọc Hải (đoàn Quảng Nam) nêu câu hỏi, thời gian vừa qua, dư luận bức xúc về vụ án oan với 3 mẹ con ở Tuần Giáo, Điện Biên. Đề nghị Chánh án TANDTC cho biết trách nhiệm về việc để xảy ra các vụ án oan và việc xử lý cá nhân liên quan.
Nói về vụ án này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, đây là vụ án đáng tiếc xảy ra đã gần 30 năm trước. "Có ĐBQH chuyển cho tôi hồ sơ này, tôi cũng có thấy dấu hiệu hàm oan. Căn cứ vào biên bản khám nghiệm tử thi ban đầu, hồ sơ ban có ghi là vỡ sọ. Tuy nhiên, trong biên bản khám nghiệm lần hai thì cho thấy, hộp sọ vẫn còn nguyên. Tôi đã điện cho lãnh đạo Điện Biên và trong thời gian rất ngắn, chúng tôi đã xem xét khẳng định đây là án oan và đình chỉ vụ án.
Ba cơ quan tiến hành tố tụng của Điện Biên đã xin lỗi gia đình và xem xét bồi thường. Việc xử lý trách nhiệm phải xem lại hồ sơ để kiểm điểm, xử lý. Việc thương lượng bồi thường đang diễn ra theo quy định", Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết.
ĐB Phan Thị Bình Thuận (TP.HCM) nêu ý kiến, theo báo cáo của TANDTC năm 2017, số lượng đơn đề nghị Giám đốc thẩm, Tái thẩm rất nhiều tăng hơn 4.000 đơn so với năm 2016, còn tồn 10 ngàn đơn chưa giải quyết. Theo ĐB, tình trạng này xuất phát từ nhận thức của người dân, của cơ quan Nhà nước cho rằng Giám đốc thẩm là cấp xét xử thứ ba.
Vì thế trừ các trường hợp vụ án kháng nghị, nhiều vụ các cấp tòa cấp dưới xét xử đúng nhưng người dân vẫn gửi đơn đề nghị Giám đốc thẩm. Nhiều trường hợp vụ án kéo dài, có trường hợp đương sự đã chết nhưng chưa có bản án quyết định cuối cùng. ĐB đặt câu hỏi, đề nghị Chánh án đánh giá và giải pháp khắc phục tình trạng này.
Trả lời câu hỏi trên, Chánh án Nguyễn Hòa Bình chia sẻ, số lượng đơn đề nghị Giám đốc thẩm, Tái thẩm tăng rất nhanh theo thời gian. Năm 2017, số đơn là hơn 18.000. Cho đến nay, chúng tôi mới giải quyết được 39,3% khoảng hơn 7.000 đơn.
Người dân gửi đơn kiện với hy vọng Giám đốc thẩm là cấp xét xử nhưng không phải vậy. Giám đốc thẩm, Tái thẩm phải có điều kiện chứ không phải đơn nào cũng có thể Giám đốc thẩm, Tái thẩm được. Dưới áp lực số đơn tăng nhanh như vậy, công việc dồn về cho 3 TAND Cấp cao.
"Chúng tôi cũng đã có chỉ thị tăng cường giải quyết đơn nhưng với số lượng tăng nhanh như vậy thì anh em làm ngày làm đêm cũng không xuể", Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.