Chiều 16/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Chỉ ra nguyên nhân hạn chế trong công tác xây dựng luật tồn tại nhiều năm nay, đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng: Có vấn đề chấp hành không nghiêm. Tuy nhiên, trong các báo cáo chưa từng có đơn vị nào, bộ ngành nào bị chỉ tên vì vậy dẫn đến việc các Uỷ ban của Quốc hội vùi đầu vào làm luật, không còn thời gian đi giám sát.
Dẫn chứng cho kỷ luật làm luật không nghiêm, bà Lê Thị Nga cho biết, các tài liệu quan trọng như báo cáo tổng kết thi hành hầu như 70% không ký, không đóng dấu, trong khi quan điểm để xây dựng luật là trên cơ sở tổng kết thực tiễn để chọn lọc những cái tốt, khắc phục hạn chế.
“Hay báo cáo cực kỳ quan trọng là đánh giá tác động cũng gần như không ai ký, đóng dấu. Vậy đánh giá tác động chính sách này này của ai?” bà Nga đặt câu hỏi.
Nêu ra ví dụ cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết: Dự thảo luật Quản lý phát triển đô thị vừa trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến có 6 tài liệu, nhưng chỉ là “bản nháp” vì không ký, từ báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành, đánh giá tác động chính sách cho đến thuyết minh dự án luật.
“Tại sao các bộ không dám ký những văn bản này mà bộ Tư pháp, văn phòng Chính phủ vẫn cho qua? Văn phòng Chính phủ xem lại tình trạng này như thế nào. Điều này dẫn đến chất lượng của chính sách đưa ra có vấn đề. Đề nghị Thường vụ Quốc hội cho kiểm tra lại tất cả hồ sơ, những dự luật nào mà tài liệu không ký, đóng dấu thì để lại khoan hãy trình” – bà Lê Thị Nga nêu quan điểm.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cũng đề nghị khắc phục tình trạng gửi tài liệu chậm. Cần làm nghiêm vì nếu cứ nể nhau thì tiếp tục tái diễn.
Đề cập đến vấn đề này, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc bình luận: Nguyên nhân là do thực hiện chưa nghiêm. Có những dự án luật đã bố trí vào chương trình rồi, đến khi báo cáo cử tri rồi nhưng lại xin rút ra thì rất khó coi.
Ngay tại phiên họp 23 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng vậy, đến phút chót mới xin rút dự án luật ra vì chưa chuẩn bị kịp.
Tổng Thư ký Quốc hội kiến nghị cần thay đổi nguyên tắc, không thể cứ để tình trạng này tái diễn. Bây giờ đã ấn định thời gian rất cụ thể là ngày 10 mỗi tháng sẽ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 20/5 và 20/10 mỗi năm sẽ khai mạc kỳ họp Quốc hội, thì cơ quan chuẩn bị phải căn cứ vào đó để hoàn thành hồ sơ, tài liệu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, theo dự kiến chương trình, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội sẽ thông qua 14 dự án Luật và cho ý kiến 6 dự án Luật là quá nặng, do đó đề nghị Chính phủ cần rà soát, xem xét kỹ lưỡng xem dự án nào cần sửa đổi, cần cho ý kiến, cần làm trước thì sẽ ưu tiên cho phù hợp với các luật hiện hành và đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật. Còn dự án nào chưa cấp bách thì có thể lùi lại để đảm bảo không gây quá tải, nâng cao chất lượng xem xét, thảo luận các dự thảo luật tại mỗi kỳ họp.