Cần giải pháp mang tính toàn cầu
Người Đưa Tin (NĐT): Xin ông đánh giá về những thành công của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 được tổ chức tại Việt Nam?
ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Đây là một sự kiện quan trọng trong hoạt động đối ngoại của đất nước ta trong năm 2023. Sự kiện này nhận được sự quan tâm của toàn thế giới với sự tham dự của đông đảo nghị sĩ trên thế giới. Các chủ đề tại Hội nghị cũng là vấn đề mà nghị sĩ các nước rất quan tâm.
NĐT: Những đóng góp của các ĐBQH trẻ của Việt Nam tại Hội nghị lần này theo ông có ý nghĩa như thế nào?
ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Các ĐBQH trẻ của Việt Nam rất năng động, tích cực, tham gia vào tất cả các phiên thảo luận, nhận được sự trân trọng từ phía các nghị sĩ trên toàn thế giới. Điều này một lần nữa khẳng định sự trưởng thành của Quốc hội Việt Nam nói chung và các nghị sĩ trẻ của chúng ta nói riêng trong việc đưa tiếng nói, sáng kiến của Việt Nam vào trong chương trình nghị sự của các tổ chức trên thế giới. Đặc biệt, đối với các nghị viện.
Tiếng nói phong phú, đa dạng và có sức mạnh của các ĐBQH Việt Nam nhận được sự quan tâm của ban tổ chức Hội nghị cũng như của các nghị sĩ trẻ toàn cầu. Hy vọng rằng những tiếng nói và thông điệp này sẽ lan tỏa nhiều hơn đến các nghị viện trên thế giới. Từ đó, giúp cho chúng ta định hình được vị thế mới của đất nước.
NĐT: Nhìn lại thực trạng về vấn đề văn hóa, thúc đẩy văn hóa và đa dạng văn hóa ở Việt Nam, theo ông Việt Nam cần phải cải thiện những gì để bắt kịp xu hướng của toàn cầu?
ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến sự phát triển văn hóa con người, coi đây là một trong những trọng tâm trong sự phát triển đất nước.
Năm 2021 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc đã nhấn mạnh “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn,…”.
Trong thời gian sắp tới, chúng ta mong muốn xây dựng mục tiêu quốc gia về chấn hưng văn hóa Việt Nam. Điều này, cho thấy chúng ta quan tâm đến lĩnh vực quan trọng này.
Tuy nhiên, trong sự phát triển văn hóa cũng còn không ít thách thức như: Đưa văn hóa vào chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững; chuyển đổi số… Cùng với đó, những vấn đề văn hóa gây ra một số nhức nhối hiện nay đa phần đến từ mạng xã hội, không gian số…
Chúng ta đang nói nhiều đến xã hội số, kinh tế số, công dân số nhưng chưa chú ý đầy đủ đến văn hóa số, những thách thức này cần có giải pháp không chỉ riêng Việt Nam mà phải là giải pháp mang tính toàn cầu. Vai trò của các nghị sĩ trẻ là vô cùng quan trọng.
Tôi cho rằng, cần có nhận thức đầy đủ, quyết tâm cao và hành động phù hợp để ứng phó với những thách thức văn hóa này.
NĐT: Như ông vừa nhắc đến vấn đề văn hóa số, vậy theo ông văn hóa số sẽ gặp phải những khó khăn, thách thức gì trong tương lai?
ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Văn hóa số được hiểu là những thói quen, những hành vi và giá trị có được, chịu ảnh hưởng từ không gian số, không gian mạng do các phương tiện truyền thông mới đem lại cho chúng ta.
Khi có phát minh mới thì sẽ có những thói quen mới, ngôn ngữ mới và văn hóa mới. Văn hóa số đem lại một số lợi ích như tiếp cận nhanh hơn văn hóa nước ngoài, hưởng thụ tốt hơn văn hóa quốc tế…
Tuy nhiên, thách thức cũng là rất lớn, đặc biệt những thách thức này đến từ tương lai. Vì thế, giải pháp chủ yếu là mày mò, học tập kinh nghiệm quốc tế. Từ đó, tìm ra những cách thức phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
Thời gian qua chúng ta đã có những bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, thế nhưng những lệch chuẩn vẫn xảy ra khá phổ biến. Và chắc chắn trong thời gian tới, phải tiếp tục tìm ra những cách ứng phó tốt hơn nữa bằng chính trải nghiệm và kinh nghiệm quốc tế để tìm ra giải pháp giúp phát triển văn hóa trên không gian mạng, văn hóa số cho phù hợp hơn trong giai đoạn sắp tới.
Con người là mấu chốt để phát triển văn hóa
NĐT: Phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề 3 “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững”, ông có nói Nhà nước Việt Nam đã, đang thực thi và không ngừng hoàn thiện thể chế, chính sách theo phương châm xuyên suốt “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững”. Vậy, theo ông cần phải có những giải pháp, yếu tố gì để phát triển, chấn hưng văn hóa một cách đồng bộ?
ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Phát triển văn hóa đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian, để làm được điều này, cần nhiều các giải pháp khác nhau.
Đầu tiên, cần tăng cường nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước. Vì văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, còn là hệ điều tiết cho sự phát triển đất nước. Nếu tập trung vào văn hóa sẽ giúp cho quá trình phát triển đất nước trở nên bền vững, lan tỏa đến các lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội.
Thứ hai, cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, các luật trực tiếp liên quan đến văn hóa như Luật Điện ảnh, Luật Di sản, Luật Nghệ thuật biểu diễn, Luật văn học… hoặc những Luật gián tiếp liên quan đến văn hóa nhưng ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực văn hóa như: Luật Đất đai, Thuế, Đầu tư công…. Cần phải có ưu đãi trong lĩnh vực văn hóa để thu hút được sự quan tâm và nguồn lực đầu tư cho văn hóa, để văn hóa lan tỏa sức mạnh sang các lĩnh vực khác.
Thêm vào đó, cần tăng cường nguồn lực cho phát triển văn hóa, các cơ sở vật chất cho văn hóa nghệ thuật cần phải đủ tầm. Cùng với đó, cần phải đầu tư nguồn lực tài chính cho văn hóa.
Nguồn lực con người là mấu chốt để phát triển văn hóa, vì muốn phát triển văn hóa thì phải có con người am hiểu về văn hóa ở tất cả các lĩnh vực khác nhau, từ đó tạo điều kiện phát triển văn hóa.
NĐT: Thưa ông, Quốc hội đã có những sáng kiến, hành động như thế nào để đưa vào Luật những giá trị nhằm thúc đẩy văn hóa phát triển?
ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Từ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội đã rất tích cực trong việc triển khai, thúc đẩy phát triển văn hóa nói chung, đa dạng văn hóa nói riêng vào trong các bộ luật, các chương trình lớn của quốc gia.
Vừa qua có sửa đổi Luật Điện ảnh theo hướng công nghiệp văn hóa, từ đó đưa hơi thở mới, phát huy những giá trị sáng tạo trong văn hóa, tạo ra những giá trị không chỉ văn hóa mà còn lan tỏa sang các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác.
Các ĐBQH cũng mong muốn góp phần tích cực hơn nữa trong phát triển văn hóa, phát triển con người Việt Nam để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn sắp tới.
NĐT: Xin cảm ơn chia sẻ của đại biểu!.