ĐBQH Bùi Sỹ Lợi: 'Chạy vạy' nghỉ hưu non, 'lợi bất cập hại'

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi: 'Chạy vạy' nghỉ hưu non, 'lợi bất cập hại'

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Thứ 5, 13/04/2017 10:59

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi cho rằng, không nên “chạy vạy” giám định suy giảm khả năng lao động để được nghỉ hưu sớm. Luật BHXH có tác động đến một số đối tượng nhưng không lớn.

Sự thay đổi trong cách tính tỉ lệ phần trăm lương hưu đối với người lao động từ năm 2018 đang khiến nhiều người lao động tìm cách giám định y khoa để đủ điều kiện nghỉ hưu trước năm 2018. Ý định này liệu có sáng suốt?

PV báo Người Đưa Tin đã phỏng vấn ĐBQH Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, người có nhiều năm gắn bó với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH).

Xã hội - ĐBQH Bùi Sỹ Lợi: 'Chạy vạy' nghỉ hưu non, 'lợi bất cập hại'

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi trả lời phỏng vấn của báo Người Đưa Tin (Ảnh: Dương Thu).

PV: Quy định tại Điều 56 luật BHXH 2014 sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến quyền lợi của người lao động theo hướng, người lao động phải đóng BHXH dài hơn mới đạt đủ 75% tiền lương hưu. Cá nhân ông nhìn nhận như thế nào về cách tính này?  

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi: Quy định này nêu rõ, với nữ, tỉ lệ phần trăm hưởng lương hưu được tính bằng 45% khi có đủ 15 năm đóng BHXH. Sau đó, mỗi năm đóng BHXH được tính bằng 2%, tối đa không quá 75%. Như vậy, nếu nghỉ hưu từ 1/1/2018, muốn đạt tỉ lệ 75% lương hưu, lao động nữ phải có đủ 30 năm đóng BHXH. Trong khi đó, nếu nghỉ hưu từ 31/12/2017 trở về trước, lao động nữ chỉ cần có đủ 25 năm đóng BHXH đã được hưởng tỉ lệ này.

Đối với nam giới, tác động của việc kéo dài thời gian đóng BHXH để đạt tỉ lệ lương hưu 75% chậm hơn. Cụ thể, theo điểm a, khoản 2, Điều 56 luật BHXH 2014, để đạt 45% lương hưu, lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 phải có 16 năm đóng BHXH, nghỉ hưu năm 2019 phải có 17 năm đóng BHXH, nghỉ hưu năm 2020 là 18 năm đóng BHXH, nghỉ hưu năm 2021 là 19 năm đóng BHXH và từ năm 2022 trở đi là 20 năm đóng BHXH.

Như vậy, đối với những nữ lao động có từ 30 năm đóng BHXH trở lên và nam có từ 35 năm đóng BHXH trở lên chỉ chịu ảnh hưởng chút ít từ trợ cấp BHXH một lần cho những năm đã đóng BHXH dư.

PV: Ông có thể phân tích rõ hơn, liệu những thay đổi của chính sách có thật sự bất lợi cho người lao động hay không?

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi: Theo quy định tại khoản 2, Điều 58 luật BHXH 2014: “Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 75%. Cứ mỗi năm đóng BHXH được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH”.

Tôi ví dụ, một nữ 55 tuổi, có 30 năm tham gia BHXH, nếu đủ tuổi và nghỉ hưu năm 2017, ngoài 75% lương hưu hàng tháng sẽ được trợ cấp một lần cho 5 năm đóng BHXH dư là 2,5 tháng lương bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Nhưng nếu từ 1/1/2018 trở đi, lao động nữ vẫn hưởng đủ 75% lương hưu, chỉ không được trợ cấp 2,5 tháng lương trợ cấp BHXH một lần. Đối với nam có từ 35 năm đóng BHXH trở lên, 60 tuổi, nghỉ hưu từ năm 2018 vẫn được hưởng 75% lương hưu và có 2 tháng trợ cấp BHXH một lần cho 4 năm đóng dư, con số này giảm dần, đến năm 2020 mới không được trợ cấp BHXH một lần cho những năm đóng dư nữa.

Như vậy, người lao động sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Phần bù lại là do mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tăng lên liên tục trong nhiều năm qua; khu vực nhà nước sau 22 năm (từ năm 1995 - 2017) đã có 15 lần điều chỉnh lương tối thiểu chung (lương cơ sở) từ 120.000 đồng lên 1.300.000 đồng (từ 1/7/2017); khu vực ngoài nhà nước năm 2008 – 2017, sau 10 năm đã được điều chỉnh 10 lần; cụ thể vùng 4 tăng 4 lần (từ 650.000 lên 2.580.000 đồng), vùng 1 tăng 4,7 lần (từ 800.000 lên 3.750.000 đồng) là cơ sở để giảm xóc mức lương hưu do giảm trừ tỉ lệ từ năm 2018.

PV: Như vậy, nếu “chạy” đủ điều kiện nghỉ hưu non, người lao động có thực sự hưởng lợi?

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi: Cần nói thêm, khoản 3, Điều 56 luật BHXH 2014 quy định: “Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%”. Ví dụ cụ thể, vào năm 2017, nữ lao động  50 tuổi và có 25 năm đóng BHXH, nếu đi giám định và suy giảm khả năng lao động trên 61% thì đủ điều kiện nghỉ hưu và sẽ được hưởng tỉ lệ lương hưu là 65% (bị trừ 10% lương hưu cho 5 năm về trước tuổi). Nếu chị tiếp tục đi làm và đóng BHXH, đến năm 2022 khi đủ 55 tuổi, chị sẽ có đủ 30 năm đóng BHXH, và nghỉ hưu sẽ được hưởng đủ 75% lương hưu.

Hay với nam giới, giả sử 55 tuổi và có 27 năm đóng BHXH vào năm 2017 và suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, nghỉ hưu từ năm này, sẽ có 59% lương hưu (do có tổng cộng 69% lương hưu bị trừ 10% do nghỉ hưu trước 5 năm). Nhưng nếu đi làm và tiếp tục tham gia BHXH, đến năm 2022, khi 60 tuổi và có 32 năm tham gia BHXH, lúc này sẽ được hưởng tỉ lệ lương hưu là 69% (45% cho 20 năm đầu tham gia BHXH và 24% cho 12 năm tiếp theo).

Đó là chưa kể, theo quy định tại khoản 2, Điều 89 luật BHXH, từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Nói nôm na, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH sẽ tăng so với hiện nay. Như thế, mức hưởng lương hưu cũng sẽ tăng thêm, vì nguyên tắc tính lương hưu là bình quân của cả quá trình đóng BHXH.

Như vậy, từ 1/1/2018, tác động của luật BHXH đến một số đối tượng khi nghỉ hưu là có, nhưng sẽ không quá lớn. Vì vậy, mọi người không nên “chạy vạy” giám định suy giảm khả năng lao động để được nghỉ hưu sớm. Việc giám định này được thực hiện nghiêm ngặt bởi một hội đồng khoa học và các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ. Việc điều chỉnh này cũng là để góp phần ổn định, phát triển Quỹ BHXH một cách bền vững. Người lao động giảm sút một phần nhỏ trước mắt nhưng bảo đảm ổn định lương hưu lâu dài.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Dương Thu (thực hiện)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.