ĐBQH Bùi Sỹ Lợi muốn “làm sống lại” Điều 60, luật Bảo hiểm xã hội 2014

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi muốn “làm sống lại” Điều 60, luật Bảo hiểm xã hội 2014

Dương Thu

Dương Thu

Thứ 2, 29/03/2021 14:22

Điều 60 bảo vệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội khi về già được hưởng lương hưu, bảo hiểm y tế... nhưng do chưa hiểu rõ nên NLĐ yêu cầu hưởng BHXH 1 lần.

Không biết ai bị bỏ lại phía sau

Dành thời gian 7 phút thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng nay 29/3, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi nêu lên 2 vấn đề ông còn băn khoăn, trăn trở và muốn kiến nghị đến Chính phủ và Quốc hội nhiệm kỳ mới.

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi nêu vấn đề thứ nhất, nhiệm kỳ khóa XIV, Chính phủ đã tập trung quan tâm giải quyết tốt các vấn đề xã hội, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, được thể hiện qua mức đầu tư cho an sinh xã hội chiếm đến 21% chi trong GDP là cao nhất trong các nước ASEAN.

Tuy nhiên, sự chênh lệch giàu nghèo chưa được thu hẹp mà lại có xu hướng giãn ra, phân hóa giàu nghèo tăng lên, thể hiện qua mức chênh lệch về thu nhập giữa nhóm 20% giàu nhất của dân số và 20% nghèo nhất của dân số vào năm 2014 là 9,7 lần và năm 2018 lên đến 10 lần.

Hệ số thu nhập Gini của Việt Nam giai đoạn 2014 - 2018 là 0,4. Đây là mức bất bình đẳng trung bình so với các nước trên thế giới.

Để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, công bằng xã hội, ông kiến nghị Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu xây dựng sàn an sinh xã hội làm căn cứ xây dựng chính sách bảo vệ cho người dân không rơi vào hoàn cảnh khó khăn theo quan điểm của Đảng ta: Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Hiện nay, nước ta có 3 mức chuẩn tối thiểu. Ở khu vực Nhà nước, tiền lương tối thiểu là 1.490.000 đồng. Trong khu vực quan hệ lao động, tức là khu vực sản xuất kinh doanh, tiền lương tối thiểu quy định theo 4 vùng: từ 3.070.000 đồng đến 4.420.000 đồng (cho khu vực thấp nhất và cao nhất). Đối với nông dân và khu vực nông thôn có chuẩn nghèo đa chiều cho nông thôn là 700.000 đồng, đô thị là 900.000 đồng. Như vậy, chúng ta không biết ai đứng dưới sàn an sinh xã hội và ai sẽ là bị bỏ lại phía sau.

“Để có cơ sở xác định người đang bị ở lại phía sau rất cần có thước đo cơ bản xác định mặt bằng ngang để thấy ai đang cần Nhà nước bảo hộ. Do đó, chỉ có thể là một sàn an sinh xã hội chung cho tất cả các khu vực trên đất nước”, vị ĐBQH đoàn Thanh Hóa trăn trở.

Sự kiện - ĐBQH Bùi Sỹ Lợi muốn “làm sống lại” Điều 60, luật Bảo hiểm xã hội 2014

Sáng 29/3, Quốc hội thảo luận về báo cáo của Chủ tịch nước, Chính phủ.

4 lần lỡ hẹn về chính sách tiền lương

Vấn đề thứ hai, trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội phải đã ra một nghị quyết bất thường cho tạm dừng Điều 60 của luật BHXH năm 2014 ngay sau khi ban hành và luật chưa có hiệu lực thi hành. Một tiền lệ chưa bao giờ có trong lịch sử pháp luật của đất nước.

Do Điều 60 của luật BHXH quy định các điều kiện hưởng BHXH 1 lần nhằm hạn chế người lao động rút quỹ bảo hiểm hưu trí khi đang có khả năng tham gia vào BHXH. Nhưng người lao động không hiểu rõ đã phản ứng dẫn đến một số công ty, doanh nghiệp đình công, buộc Quốc hội phải ngồi xem xét, ra Nghị quyết 93 năm 2015 của Quốc hội khóa XIII về thực hiện chính sách BHXH 1 lần.

“Có thể nói, Điều 60 là rất nhân văn, nhằm bảo vệ cho người lao động tham gia BHXH khi về già được hưởng lương hưu, được hưởng BHYT và được hưởng trợ cấp tử tuất nhằm bảo đảm an sinh xã hội nhưng do người lao động chưa hiểu rõ nên họ yêu cầu được hưởng BHXH 1 lần”, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Ông tiếp tục nêu lên thực tế, sau khi Nghị quyết 93 của Quốc hội có hiệu lực, năm 2016 đã có hơn 600.000 người có quyết định hưởng BHXH 1 lần. Sau đó con số tiếp tục tăng lên, năm 2018 có 880.000 người ra khỏi hệ thống BHXH vì hưởng BHXH 1 lần. Trong khi năm 2020, chỉ khoảng hơn 1 triệu người tham gia vào hệ thống.

Có nghĩa là số người vào hệ thống BHXH và số người ra khỏi hệ thống là gần như bằng nhau. Điều này rất đáng suy nghĩ cho hệ thống an sinh xã hội lâu dài của đất nước, dẫn đến hệ lụy là không thực hiện được BHXH toàn dân theo tinh thần của Nghị quyết 28 của Trung ương khóa XII.

Ông cho rằng đây là một thực trạng đáng buồn, và nhắc đến trong một hội thảo gần đây tại trường đại học Kinh tế Quốc dân, ông được nghe rất nhiều người lao động từng về theo chế độ 176 và người lao động hưởng BHXH 1 lần kêu cuộc sống khó khăn và không còn đường để thoát, đề nghị Nhà nước có hướng xử lý.

“Do đó, tôi kiến nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ việc thực hiện BHXH 1 lần theo tinh thần Nghị quyết 93 của Quốc hội và đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Nghị quyết 93 để tiếp tục Điều 60 sống lại theo đúng tinh thần của luật BHXH năm 2014.

Nghị quyết Trung ương 27 đã khẳng định chúng ta phải cải cách chính sách tiền lương lẽ ra là trong nhiệm kỳ Quốc hội này, nhưng chúng ta chưa làm được vì chưa có ngân sách và cũng chưa cải tiến được BHXH. Những người về hưu trước năm 1993 lương rất thấp. Nếu chúng ta cải cách được chính sách tiền lương thì sẽ xử lý được cả với chế độ tiền lương của những người đang làm việc và những người nghỉ hưu.

Rất tiếc chúng ta đã 4 lần lỡ hẹn với công nhân viên chức và người lao động, chưa cải cách được chính sách tiền lương.

Tôi đề nghị Chính phủ, Quốc hội khóa XV tập trung nguồn lực cải cách chính sách tiền lương để đảm bảo tiền lương là điều kiện thúc đẩy tăng năng suất lao động và tiền lương thể hiện giá trị của sức lao động thể hiện bằng giá cả trên thị trường lao động”, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi nói.

 

Lương bao giờ mới đủ sống như Chính phủ đã nói?

Cũng thảo luận trong sáng nay về chính sách tiền lương, ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) cho rằng: Đề án tinh gọn biên chế, đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được Chính phủ xây dựng, triển khai thực hiện song hành với đề án chính sách cải cách tiền lương.

Sự kiện - ĐBQH Bùi Sỹ Lợi muốn “làm sống lại” Điều 60, luật Bảo hiểm xã hội 2014 (Hình 2).

ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung

Khi thực hiện chủ trương tinh giản, sắp xếp tinh gọn bộ máy, ta đã gắn bó với mục tiêu là chính sách tiền lương làm sao đảm bảo tiền lương cho người hưởng lương và gia đình người hưởng lương. Cử tri đặt vấn đề, cán bộ địa phương đã tinh giản, tinh gọn rồi nhưng lương bao giờ mới đủ sống như Chính phủ đã nói. Người hoạt động chính sách ở xã lương chỉ 1 triệu đồng/tháng.

Nếu chỉ trông vào lương thì làm sao đủ sống, làm sao an tâm công tác, cống hiến, lo cho bản thân mình chưa xong thì lấy gì lo cho gia đình.

Cử tri mong muốn Chính phủ trong thời gian tới thực hiện sớm được vấn đề cải cách tiền lương để cán bộ công chức xã đủ sống.

 

 

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.