Đề xuất sáp nhập một số sở, ngành nằm trong dự thảo Nghị định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành của bộ Nội vụ đang là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm.
Liên quan đến đề xuất sáp nhập sở của bộ Nội vụ, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
PV: Thưa đại biểu, ông có đồng tình với đề xuất sáp nhập một số sở của bộ Nội vụ không? Vì sao?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Tôi rất ủng hộ đề xuất này và muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để thực hiện điều này. Đây không phải là vấn đề mới.
Từ năm 2001, khi vận hành Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo thực hiện chủ trương quản lý đa ngành, đa lĩnh vực để xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính gọn nhẹ, hợp lý. Đáng lẽ, việc sáp nhập sở như trong đề xuất phải được làm từ rất lâu rồi, nhưng muộn còn hơn không.
Từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, rất nhiều ĐBQH đã có ý kiến và đề xuất Chính phủ nên hợp nhất bộ Kế hoạch và Đầu tư với bộ Tài chính thành bộ Kế hoạch - Tài chính. Tương tự, nên sáp nhập bộ Giao thông Vận tải với bộ Xây dựng, tránh tình trạng chồng chéo trong thực hiện chức năng quản lý Nhà nước. Ví dụ, cùng một việc nhưng một Bộ yêu cầu chôn xuống, một Bộ đề xuất đào lên.
Thực tế này không chỉ dẫn đến tình trạng bộ máy tiếp tục phình to, nhu cầu biên chế không ngừng gia tăng, mà quan trọng là chất lượng, hiệu quả của nền công vụ bị ảnh hưởng rất lớn bởi lát cắt “quyền anh, quyền tôi”.
Chủ trương của Chính phủ là xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, vì dân. Muốn vậy, một trong những yếu tố đầu tiên là cơ cấu tổ chức phải gọn nhẹ, tạo điều kiện cho điều hành thông suốt trên cơ sở phân công, phân cấp và trách nhiệm giải trình rõ ràng.
Vấn đề quan trọng hơn, dưới Chính phủ là bộ máy chính quyền địa phương – nơi trực tiếp gắn với lợi ích của người dân. Càng nhiều tầng, nhiều nấc, người dân càng khổ. Cho nên giảm bớt đầu mối là đúng đắn, cần thiết.
Không chỉ các cơ quan hành chính Nhà nước, tôi nghĩ một số ban thuộc cơ quan Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội... có cùng chức năng phản biện xã hội, giám sát, kiến nghị, lắng nghe ý kiến người dân, kiến nghị với các cơ quan Nhà nước cũng nên thu gọn, tránh trùng lặp để nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị.
PV: Tinh giản biên chế là một trong những chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên sau một thời gian thực hiện, bộ máy không những không gọn lại mà còn có xu hướng phình to thêm. Theo ông, nguyên nhân vì đâu?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Đúng vậy. Điều này là bởi quyết tâm chính trị và đường lối đúng đắn của Đảng chưa được thực hiện một cách triệt để, đồng bộ, cương quyết trong cả hệ thống.
Nói chung, các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp đều cần nghiên cứu xem xét giảm cấp phó, giảm biên chế, cải cách thủ tục hành chính, thay đổi cách thức làm việc...
Cần làm sao để chức năng, nhiệm vụ của tất cả các cơ quan phải hướng đến phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp. Đấy là lý do dễ hiểu tại sao mô hình nhất thể hóa chức danh lãnh đạo và những kết quả ban đầu về cải cách bộ máy của Quảng Ninh được dư luận đánh giá cao và lan truyền cảm hứng.
PV: Thông tin về việc sáp nhập một số sở của bộ Nội vụ nhận được sự quan tâm của dư luận, trong đó có những ý kiến thẳng thắn không đồng tình như Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Vậy theo ông, việc sáp nhập này (nếu thực hiện) có nên đồng bộ hay căn cứ vào thực tế từng địa phương để đạt hiệu quả tốt nhất?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Không nhất thiết địa phương nào cũng giống nhau. Căn cứ khối lượng công việc, quy mô đô thị, yêu cầu phát triển và thế mạnh của các địa phương để xem xét việc nhập những sở, ngành nào. Tôi nghĩ nên đưa ra các tiêu chí cụ thể để địa phương thực hiện linh hoạt với bộ máy của mình.
Rõ ràng, quy mô của TP.HCM là quá lớn, đề xuất không nhập của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cần được nghiên cứu. Tuy nhiên, cũng phải tiếp tục xem xét, rà soát, điều chỉnh để đạt được mức độ gọn nhẹ và hiệu quả nhất.
PV: Như ông nói, ĐBQH đã nhiều lần đề xuất sáp nhập một số bộ nhưng đến nay chưa thực hiện được. Vậy, làm thế nào để đề xuất sáp nhập sở lần này của bộ Nội vụ khả thi?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Quan trọng nhất là phải xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các sở theo yêu cầu quản lý Nhà nước; gắn với đội ngũ công chức chuyên môn theo từng vị trí việc làm để bố trí, sắp xếp một cách khách quan, khoa học.
Không nên thực hiện một cách cơ học việc sáp nhập sở hay kể cả chia tách các sở, tức là ghép 2 tấm ghép lại với nhau. Không vì sáp nhập sở mà cộng dồn lại, không cẩn thận lợi bất cập hại. Nếu hai miếng ghép không chịu đựng được với nhau sẽ dẫn đến xung đột lợi ích, gây mất đoàn kết. Điều đó nguy hiểm hơn là việc không sáp nhập sở.
PV: Sáp nhập sở, đồng nghĩa với số “ghế” lãnh đạo và nhân viên của một sở có thể mất đi. Đây là điều cần nghiên cứu kỹ?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Đương nhiên không cuộc cải cách nào không đụng chạm đến lợi ích. Mà ở đây, không chỉ là lợi ích cụ thể của từng cá nhân, còn cả lợi ích của một nhóm, hoặc một đơn vị.
Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, trong cải cách tổ chức bộ máy, giảm “quyền anh”, “quyền tôi” sẽ tăng lợi ích của Nhà nước, của nhân dân. Vì triết lý này, một số cá nhân ở những vị trí nhất định phải chấp nhận để đạt được mục tiêu có lợi chung cho đất nước.
Tuy nhiên, cũng cần làm tốt công tác giáo dục tư tưởng để cán bộ có sự chia sẻ, đồng thuận và thống nhất thực hiện bằng ý thức gương mẫu của đảng viên.
Tôi nghĩ, đối với các sở, chính quyền địa phương, không quá 3 cấp phó. Với cấp phòng chỉ cần 1 trưởng phòng, 1 phó phòng và phải phát huy tốt nhất cơ chế làm việc, chỉ đạo trực tuyến, giảm đầu mối trung gian, tăng cường tính chịu trách nhiệm ở từng vị trí.
Việt Nam được đánh giá là nước có công nghệ thông tin phát triển nhanh, thường xuyên cải cách thể chế hành chính, không có lý do gì để bộ máy ngày càng tăng lên.
PV: Nếu có chủ trương giảm bớt số lượng cấp phó ở các Ủy ban của Quốc hội, cá nhân ông có sẵn sàng không?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Xin được nói rõ và cụ thể hơn là, nếu cá nhân tôi là đối tượng trực tiếp của chủ trương giảm cấp phó ở các cơ quan của Quốc hội, tôi sẵn sàng vui vẻ thực hiện. Tôi sẽ coi đó là một đóng góp có ý nghĩa của một đảng viên, một công chức cho sự nghiệp chung của Đảng và Nhà nước.
Chúng ta không thể mãi chần chừ, lần lữa thực hiện giải pháp đột phá trong cải cách bộ máy để tạo động lực cho phát triển bền vững; càng không nên băn khoăn, e ngại thế hệ tiếp bước không làm được để ôm mãi một chiếc ghế danh vọng. Biết đặt niềm tin vào thế hệ trẻ cũng là một giá trị quan trọng của người lãnh đạo, quản lý và là sự trong sáng của đạo đức, lý tưởng, tình cảm cách mạng.
Nói vậy nghe có vẻ giáo điều, nhưng con người phải sống có tình cảm, chia sẻ, đồng cảm, không vì đồng tiền để đạo đức xói mòn. Có chức có quyền là để phục vụ nhân dân chứ không phải thu gom cá nhân.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Dương Thu (thực hiện)