Liên quan đến vấn đề dâm ô, xâm hại tình dục, ĐBQH Phạm Tất Thắng cho rằng, hiện nay “luật thành văn” của chúng ta chưa bao phủ được hết những gì diễn ra trong cuộc sống.
Ông nói: “Thời gian qua dư luận rất nóng với một loạt vụ xâm hại tình dục, dâm ô ở nơi công cộng. Qua những vụ việc đó, dường như luật lúng túng trong việc xử lý, trong khi đó, dư luận đã rất nóng lên khi đối tượng sàm sỡ nữ sinh trong thang máy mà chỉ bị phạt 200.000 đồng. Với mức phạt như vậy, rõ ràng pháp luật chưa theo kịp được thực tế cuộc sống”.
Ông Thắng cũng băn khoăn, với “lỗ hổng” như trong việc định danh rõ hành vi để từ đó có mức xử phạt phù hợp thì đang là vướng mắc cho cơ quan chức năng xử lý: “Gần đây, lại tiếp tục xuất hiện hành vi dâm ô khác trong thang máy, tiêu biểu là vụ việc của ông Nguyễn Hữu Linh. Rõ ràng, những hành vi này trước đây chưa hề có, mà chỉ xuất hiện gần đây khi có các chung cư cao tầng có sử dụng thang máy”.
Từ đó, ĐBQH Phạm Tất Thắng đưa ra đề xuất: “Có lẽ, đã đến lúc các cơ quan quản lý, các cơ quan xây dựng cũng như thực thi pháp luật phải xem xét, bổ sung định danh rõ hành vi này trong các quy định pháp luật, đồng thời có chế tài phù hợp, đủ sức răn đe”.
Audio: Chia sẻ của ĐBQH Phạm Tất Thắng về xử lý tội dâm ô:
Đồng quan điểm với ông Thắng, ĐBQH Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội băn khoăn: “Hiện nay các quy định Luật pháp, nhất là hệ thống luật hành văn của mình mô tả các hành vi liên quan đến tội dâm ô và các tội xâm phạm đến thân thể người khác chưa cụ thể và bao quát hết được các hành vi trong thực tiễn. Cho nên, khi có những câu chuyện trong thực tiễn xảy ra gây khó khăn cho việc xử lý của cơ quan chức năng”.
Trước những vấn đề từ thực tiễn, ông Xuyền cho rằng, chúng ta cần phải bổ sung, mô tả bằng hành văn trong Luật: “Trên cơ sở các vụ án, thực tiễn đưa ra 1 loạt những hành vi như vậy, cần tham khảo ý kiến người dân, nhà khoa học, giới nhân quyền… hoặc căn cứ thiệt hại vào khách thể mà đối tượng nhắm tới. Tôi nghĩ cần làm sớm, vì đang có nhiều vụ án dâm ô diễn ra”.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, chúng ta cũng có thể sử dụng “Án lệ”. “Luật cho phép “Án lệ”, trên cơ sở một vụ án điển hình nào đó có thể xử án lệ để làm tiền đề cho các địa phương xét xử những vụ án tương tự. Tôi lấy ví dụ như vụ việc của ông Nguyễn Hữu Linh có hành vi mà ông ấy cho là “nựng” bé gái trong thang máy, Tòa án nhân dân tối cao nên đưa vụ ông này để xử án lệ”, đại biểu Xuyền nói.
Nhóm PV Quốc hội